SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn với người cao tuổi

07:03, 20/03/2020

Các chuyên gia y tế cảnh báo, với những người cao tuổi (NCT) có các bệnh lý mãn tính kèm theo như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, xơ gan, viêm gan, thận mãn tính,… khi mắc COVID-19 thường có những triệu chứng nặng nề hơn so với những người trẻ hay không mắc các bệnh lý nền.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, với những người cao tuổi (NCT) có các bệnh lý mãn tính kèm theo như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, xơ gan, viêm gan, thận mãn tính,… khi mắc COVID-19 thường có những triệu chứng nặng nề hơn so với những người trẻ hay không mắc các bệnh lý nền.

Người già có các bệnh lý nền cần phải chú ý tăng cường đề kháng, giữ sức khỏe phòng dịch COVID-19.
Người già có các bệnh lý nền cần phải chú ý tăng cường đề kháng, giữ sức khỏe phòng dịch COVID-19.

Người có bệnh lý nền mắc COVID-19 thường nặng hơn

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội), trong số các bệnh nhân (BN) người nước ngoài mắc COVID-19 đang được điều trị tại Việt Nam thì BN người Anh (69 tuổi) có tiền sử mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, được đặt thở máy, lọc máu và chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị. Hay BN nữ người Việt (64 tuổi) có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình cũng có biểu hiện suy hô hấp.

Theo TS. BS Phạm Ngọc Thạch- Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đối với những BN COVID-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mãn tính như: tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính,… thì thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của vi rút.

Bệnh viêm phổi cấp do corona chủng mới (COVID-19) có thể tấn công tất cả các đối tượng, từ trẻ rất nhỏ đến NCT. Thống kê mới về dịch COVID-19 gần đây cho thấy, nhóm NCT nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất. NCT thường là nhóm người có nhiều bệnh lý mãn tính.

Do đó, sức đề kháng của nhóm người này giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu NCT bị vi rút corona chủng mới (SARS-CoV-2) tấn công thì các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp nên bệnh nhân rất dễ tử vong. Thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong (như Trung Quốc, Ý…), tỷ lệ BN COVID-19 tử vong chủ yếu là NCT có kèm nhiều bệnh lý mãn tính.

Cần kiểm soát tốt bệnh lý nền

Hiện nay, điều trị cho BN dương tính với SARS-CoV-2 chủ yếu dựa vào triệu chứng vì chưa có thuốc trị đặc hiệu. Nhưng đối với những BN có bệnh nền thì phải đặc biệt quan tâm và theo dõi sát.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh), để phòng chống dịch COVID-19, người có sẵn tiền sử bệnh lý nền phải lưu ý kiểm soát tốt bệnh lý nền bằng thuốc, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

Chẳng hạn, người có bệnh lý về đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn thần kinh… sẽ được các bác sĩ chuyên môn kê toa tùy theo bệnh lý, cần duy trì điều trị thường quy theo hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định. Nếu cơ thể có bất kỳ thay đổi nào thì nên báo cho bác sĩ hoặc đi khám càng sớm càng tốt.

Mỗi người cần trang bị cho mình một số kiến thức hiểu biết về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng tránh dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và tuân thủ chặt chẽ hơn. Chú ý chích ngừa cúm vì cúm là một loại vi rút gây tổn thương đường hô hấp, tác nhân có thể phòng ngừa được. Khi chích ngừa cúm rồi mà vẫn có những triệu chứng giống cúm thì nghi ngờ mắc COVID-19 tăng hơn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nâng cao sức đề kháng bằng việc chú ý chế độ dinh dưỡng cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng nhiều calo, đạm, mỡ… để cung cấp năng lượng cho bệnh nhân chống đỡ với bệnh tật.

Ngoài ra, các chất vi lượng như vitamin, chất khoáng cũng phải cung cấp đủ, đồng thời, phải uống đủ nước. Ngoài việc duy trì điều trị thường quy, NCT nên tránh xa các nguồn lây nhiễm.

Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ; giữ đường mũi, họng sạch; giữ ấm; đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc ở chỗ đông người; rửa tay thường xuyên. Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, Parkinson... cần uống thuốc điều trị bệnh đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Trước sự lây lan nhanh của dịch COVID-19, khi chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên bình tĩnh, chủ động thực hiện những biện pháp phòng bệnh như: tránh tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang và vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên,…

Các chuyên gia y tế cho rằng, NCT thường ít uống nước, nhất là khi thời tiết lạnh nên trong mỗi gia đình chủ động đặt nước ấm, trà ấm tại các vị trí thuận lợi và thường xuyên nhắc họ uống nước định kỳ, ngay cả khi không khát vì để cổ họng bị khô khiến vi rút dễ xâm nhập.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh