Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục đào tạo (GD-ĐT).
Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục đào tạo (GD-ĐT).
Theo ông Nguyễn Xuân Thành cho biết Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát nhằm tinh giản nội dung chương trình giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12 để thực hiện trong tình thế trước mắt khi năm học đang phải gián đoạn vì dịch COVID-19.
* Như vậy, việc tinh giản sẽ triển khai như thế nào? Cắt bớt một số bài trong chương trình hay lược bỏ trong nội hàm các đơn vị kiến thức để giảm độ khó, thưa ông?
- Chắc chắn sẽ không thể cắt bỏ theo kiểu cơ học. Vì thế mới cần rà soát kỹ để giữ lại những nội dung cơ bản nhất bảo đảm kiến thức - kỹ năng, tinh giản những nội dung nâng cao, yêu cầu vận dụng, vận dụng cao.
Ngoài ra, trong quá trình rà soát có thể đưa các nội dung tiết học gần nhau thuộc cùng một chủ đề trong chương trình thành một bài học theo chủ đề để tiết kiệm thời gian dạy học.
Những nội dung giao thoa giữa các môn học cũng sẽ điều chỉnh để chỉ dạy học trong môn học chiếm ưu thế và bổ sung yêu cầu của các môn học khác, giảm bớt lượng thông tin và đối tượng khảo sát/nghiên cứu.
Ví dụ như kiến thức về điện phân có trong các môn vật lý, hóa học, công nghệ có thể tích hợp vào dạy ở một trong ba môn này để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của cả ba môn.
* Với học sinh cuối các cấp học, chuẩn bị phải chuyển cấp, đặc biệt là những học sinh sẽ phải tham dự kỳ thi tuyển sinh đầu cấp (lớp 10) và thi THPT quốc gia thì việc giảm tải sẽ thế nào? Việc giảm tải này ảnh hưởng ra sao đến việc tổ chức kỳ thi?
- Việc tinh giản này sẽ chỉ áp dụng với nội dung chương trình học kỳ 2, vì học kỳ 1 đã dạy học xong rồi. Đối với học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 sẽ ôn tập để chuẩn bị thi chuyển cấp theo nội dung đã được tinh giản. Các sở GD-ĐT cũng căn cứ vào nội dung đã tinh giản để ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp.
Tương tự, với lớp 12 cũng như vậy. Sau khi có nội dung tinh giản, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào đó để xây dựng đề thi tham khảo làm tài liệu cho các nhà trường sử dụng tổ chức ôn tập cho học sinh.
* Bên cạnh việc giảm tải của Bộ GD-ĐT, các nhà trường có thể tiếp tục chủ động thực hiện việc tinh giản phải không, thưa ông?
- Trước đây trong công văn 4612 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các nhà trường chủ động rà soát, tinh giản, áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá để tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong tình huống hiện nay, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo tinh thần công văn này.
Tuy nhiên, để có sự thống nhất trên cả nước, Bộ GD-ĐT sẽ trực tiếp triển khai. Tới đây, với kế hoạch giáo dục của nhà trường đã rà soát, tinh giản nội dung dạy học, các nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện theo tinh thần của công văn 4612 trong việc linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học, đánh giá học sinh, chủ động bố trí thời khóa biểu, tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp, các dự án học tập của học sinh để tiết kiệm thời gian, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất trong giai đoạn phải dạy bù khi học sinh đi học trở lại.
* Vậy khi nào Bộ GD-ĐT hoàn thiện và công bố nội dung chương trình được giảm tải để các nhà trường triển khai?
- Bộ GD-ĐT đang khẩn trương thực hiện, sẽ ban hành văn bản hướng dẫn trong tháng 3-2020. Hiện nhiều trường học trên cả nước dự kiến cho học sinh trở lại trường vào đầu tháng 4-2020.
Như vậy, căn cứ vào nội dung giảm tải, căn cứ vào kết quả các nhà trường đã tổ chức cho học sinh học qua Internet, học qua truyền hình, các trường có thể xây dựng kế hoạch giáo dục cho thời gian còn lại của năm học, đảm bảo cho tất cả học sinh được dạy học đủ chương trình (sau khi đã tinh giản), có thời gian để ôn tập, thực hành với những kiến thức đã triển khai dạy qua Internet, trên truyền hình trong thời gian trường học nghỉ phòng dịch.
Sẽ có quy định dạy qua Internet, truyền hình
Quy định này chỉ áp dụng cho năm học đặc biệt này, khi học sinh phải nghỉ học vì dịch COVID-19 và nhiều nhà trường đang phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến hoặc tổ chức cho học sinh học qua truyền hình, trong đó sẽ quy định cụ thể những điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học theo các hình thức này, như có tài liệu dạy học phù hợp, cách thức tổ chức lớp học trực tuyến, cách thức quản lý, kiểm soát việc dạy và học, cách thức để kiểm tra chất lượng học sinh.
Dựa vào quy định này, các sở GD-ĐT công nhận kết quả học qua Internet và qua truyền hình của các nhà trường và có định hướng cho việc ôn tập, củng cố, bù đắp kiến thức khi học sinh trở lại trường.
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin