Y tế cơ sở tăng cường phòng, chống dịch COVID- 19

05:02, 25/02/2020

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành y tế tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiều giải pháp phân luồng, giám sát người có biểu biện mắc bệnh đường hô hấp, người đến hoặc về từ vùng có dịch nhằm kịp thời phát hiện, khống chế dịch bệnh. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành y tế tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiều giải pháp phân luồng, giám sát người có biểu biện mắc bệnh đường hô hấp, người đến hoặc về từ vùng có dịch nhằm kịp thời phát hiện, khống chế dịch bệnh. Trong đó, trạm y tế, trung tâm y tế là những tuyến y tế cơ sở đầu tiên chú trọng thực hiện công tác này.

Nhờ tăng cường tuyên truyền mà ý thức, sự hiểu biết của người dân về các biện pháp phòng dịch COVID-19 không ngừng được nâng lên.
Nhờ tăng cường tuyên truyền mà ý thức, sự hiểu biết của người dân về các biện pháp phòng dịch COVID-19 không ngừng được nâng lên.

Trạm y tế là tuyến cơ sở gần dân nhất. Thời gian qua, công tác phòng chống dịch COVID-19 ở 109 xã- phường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn liên tục duy trì các hình thức giám sát để có thể phát hiện, xử trí ngay từ đầu nếu có vấn đề phát sinh.

Ngay từ khi dịch COVID- 19 bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức hướng dẫn nhân viên y tế của các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế cách phân biệt cúm theo mùa thông thường với bệnh do SARS-CoV-2 (tên gọi mới do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đặt tên chính thức cho vi rút corona chủng mới gây dịch COVID-19); phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2;…

Đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Song Phú, cô Huỳnh Thị Lan (xã Song Phú- Tam Bình) cho biết: “Hổm rày tui coi thời sự theo dõi bệnh này suốt hà, thấy cũng lo, gì đâu người bệnh tăng mỗi ngày.

Tui vô đây là đeo khẩu trang, nãy tui đeo ngược, cô bác sĩ hướng dẫn đeo lại cho đúng. Để phòng bịnh, tui siêng lau dọn nhà cửa, ăn chín, uống sôi và rửa tay sạch sẽ”.

Nhờ vậy, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, cán bộ trạm cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân về tình hình dịch, triệu chứng, biểu hiện bệnh, hướng dẫn cách đeo khẩu trang đúng, kiến thức cơ bản thực hiện vệ sinh cá nhân, biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Bác sĩ Phan Thị Thùy Linh- Trưởng Trạm Y tế xã Song Phú- cho biết: “Khi khám bệnh, tôi chú ý đến bệnh đường hô hấp.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện về triệu chứng hô hấp như ho, sốt, chảy mũi… thì tôi hỏi vấn đề tiền sử có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 hay đi từ vùng nào để kịp thời tuyên truyền cho người dân cách tự theo dõi mình và bác sĩ ở đây cũng theo dõi bệnh nhân liên tục”.

Nhân viên Trạm Y tế xã Song Phú (Tam Bình) hướng dẫn người dân đến khám đeo khẩu trang đúng cách để phòng bệnh.
Nhân viên Trạm Y tế xã Song Phú (Tam Bình) hướng dẫn người dân đến khám đeo khẩu trang đúng cách để phòng bệnh.

Cùng với các bệnh viện, các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức khu vực cách ly, nghiêm túc bảo đảm tổ chức thường trực cấp cứu thường xuyên, liên tục, sẵn sàng tiếp nhận, quản lý ca bệnh theo phân tuyến điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Thanh Tùng- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Bình- cho biết: “Trung tâm củng cố lại khu vực cách ly cũng như về trang thiết bị thuốc men vật tư y tế để đảm bảo ứng phó khi có dịch xảy ra.

Đặc biệt là liên tục nhắc nhở các đơn vị tiếp xúc người bệnh đầu tiên như khoa khám bệnh hay cấp cứu khi có trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân sốt ho, khó thở thực hiện ngay biện pháp cách ly theo dõi theo đúng quy định”.

Tính tới 15h ngày 24/2/2020, thế giới có trên 79.630 người nhiễm bệnh; 2.624 người tử vong; gần 24.952 người điều trị khỏi. Hàn Quốc có 833 ca nhiễm; 7 ca đã tử vong. Việt Nam có 16 ca nhiễm bệnh, đã điều trị khỏi 15 ca.

Tại khu khám điều trị bệnh của Trung tâm Y tế TX Bình Minh, tất cả nhân viên y tế đều phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, dung dịch sát khuẩn tay nhanh được bố trí khắp nơi trong bệnh viện, giúp nhân viên y tế và bệnh nhân phòng bệnh.

Phòng khám hô hấp cũng được bố trí riêng biệt nhằm phân luồng người bệnh, hạn chế lây lan.

Qua đó, không chỉ giúp nhân viên y tế kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 mà còn tạo sự an tâm cho người dân khi đến khám điều trị bệnh trong thời điểm hiện nay.

Chị Trần Mỹ Phượng (xã Thuận An- TX Bình Minh) cho biết: “Bác sĩ, y tá hướng dẫn mình đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách; phát cho tờ rơi phòng bệnh. Bệnh viện có phòng cách ly riêng về bệnh nguy hiểm này, chuẩn bị thấy bày bản nên người dân tụi tui cũng yên tâm”.

Không chỉ đẩy mạnh nhiều biện pháp tuyên truyền, phân luồng kiểm soát bệnh mà các trạm y tế, trung tâm y tế đều thành lập tổ, đội phản ứng nhanh phòng chống dịch COVID- 19 và khu vực cách ly nhằm chủ động giám sát, khống chế nguồn lây khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh.

Bác sĩ Trần Thanh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TX Bình Minh- cho biết: “Trung tâm thành lập khu điều trị cách ly, trong đó có phòng khám riêng về đường hô hấp tách biệt ra khu điều trị chung của khoa khám bệnh.

Ở đây cũng lập được sơ hồ cho các khoa điều trị từ khoa cấp cứu, khoa nội, các khoa lâm sàng nội trú, khoa khám bệnh khi có ca nghi ngờ sẽ phân luồng đưa vào điều trị cách ly ngay”.

Sự chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó dịch COVID-19 từ tuyến y tế cơ sở, ngành y tế Vĩnh Long đang thực hiện tốt công tác phòng chống, trên tinh thần sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.

Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, nên ý thức, sự hiểu biết của người dân về các biện pháp phòng bệnh cũng không ngừng được nâng lên. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2.

WHO đặt tên mới cho vi rút gây dịch COVID-19 là SARS-CoV-2

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đặt tên chính thức cho vi rút corona chủng mới gây dịch COVID-19 là SARS-CoV-2.

Theo WHO, có nhiều quy trình khác nhau và mục đích để đặt tên cho vi rút và bệnh. Vi rút được đặt tên dựa trên cấu trúc gien của chúng để tạo điều kiện phát triển các xét nghiệm chẩn đoán, vắc xin và thuốc. Các nhà vi rút học và cộng đồng khoa học thực hiện công việc này, vì vậy vi rút được Ủy ban Quốc tế về Phân loại Vi rút (ICTV) đặt tên. Còn bệnh được đặt tên để cho phép thảo luận về phòng chống dịch bệnh, lây lan, mức độ nghiêm trọng và điều trị. Sự chuẩn bị và ứng phó với bệnh của con người là vai trò của WHO, do đó các bệnh được WHO đặt tên chính thức trong bảng phân loại Bệnh Quốc tế (ICD).

Trước đó, tại cuộc họp báo của WHO vào ngày 11/2 ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã công bố “COVID-19” là tên chính thức của loại vi rút nCoV xuất phát từ Trung Quốc. Ông cho biết, “CO” là viết tắt của corona, “VI” là để chỉ vi rút, “D” là viết tắt của chữ “disease” trong tiếng Anh (có nghĩa là “bệnh”), còn “19” là để chỉ năm 2019 - năm người ta phát hiện ra dịch bệnh này.

Trước đó, WHO tạm gọi chủng vi rút corona mới là 2019-nCoV. Theo người đứng đầu WHO, cái tên “COVID-19” được chọn để tránh đề cập đến một vùng đất cụ thể, một loài động vật cụ thể hay một nhóm người nào đó nhằm tránh việc kỳ thị, gây tiếng xấu cho vùng đất, loài vật hoặc người đó.

PV

 Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh