Tâm tình bác sĩ ở tuyến đầu phòng bệnh

06:02, 28/02/2020

Có khi mình đến "xin" hỗ trợ từ người dân mẫu muối I-ốt, nước tiểu, bắt con muỗi, lăng quăng... về điều tra, nghiên cứu phục vụ công tác phòng chống bệnh tật ở cộng đồng cũng khá khó khăn...

Có khi mình đến “xin” hỗ trợ từ người dân mẫu muối I-ốt, nước tiểu, bắt con muỗi, lăng quăng... về điều tra, nghiên cứu phục vụ công tác phòng chống bệnh tật ở cộng đồng cũng khá khó khăn...

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long (Sở Y tế)- kể chi tiết trên để thấy, đó là một trong những khó khăn, áp lực, mà bác sĩ và người làm công tác y tế dự phòng hay gặp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và phải xông pha, vượt qua khó khăn trong thầm lặng. Theo ông, công tác y tế dự phòng bao gồm rất nhiều nhiệm vụ, chức năng phòng bệnh.

Dự phòng là hạn chế yếu tố nguy cơ mắc bệnh và để bệnh tật không có điều kiện tiến triển, bảo vệ sức khỏe người dân.

Khi người dân chưa có bệnh, dự phòng y tế là đi trước và “cố gắng làm sao cho người dân tránh bệnh”. Hoặc khi có yếu tố nguy cơ bệnh hoặc bệnh rồi thì dự phòng “cố gắng làm sao để hạn chế thấp nhất yếu tố nguy cơ đó hoặc giảm thấp nhất tiến triển của bệnh”.

Dự phòng là tìm hiểu các yếu tố nguy cơ từ môi trường sống và sinh hoạt của người dân, cộng đồng (ô nhiễm, thời tiết, muỗi, lăng quăng, hút thuốc, uống rượu, muối ăn, nước uống, tập quán sinh hoạt...). Và y tế dự phòng sẽ tác động vào các yếu tố đó để ngăn chặn bệnh tật xảy ra.

Có thể thấy, đối tượng của bác sĩ điều trị là bệnh nhân cụ thể trước mặt. Và cũng có thể thấy, đối tượng của y tế dự phòng trước mắt là cả một cộng đồng.

Ví dụ như: trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng là đối tượng của y tế dự phòng. Vì mục tiêu ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, y tế dự phòng sẽ tác động tuyên truyền vận động phụ huynh đưa trẻ đến tiêm chủng đủ liều, đúng lịch.

Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Người làm y tế dự phòng phải theo dõi sâu sát hơn tình hình dịch bệnh này ở các cấp địa phương, quốc gia và trên thế giới. Đồng thời triển khai kiểm tra giám sát, theo dõi, cách ly, quản lý các đối tượng liên quan để ngăn chặn dịch bệnh có thể xâm nhập vào địa bàn mình.

Để góp phần chăm lo cho cả cộng đồng phòng tránh bệnh tật, nhiệm vụ của y tế dự phòng còn là công tác truyền thông. Tác động này rất quan trọng trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm gia tăng và dịch bệnh mới xuất hiện.

Truyền thông y tế là cung cấp kiến thức bệnh tật giúp người dân và cộng đồng nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh và đồng hành ngành y tế, các lực lượng trong cả hệ thống chính trị chung tay phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Như người dân khi bệnh đái tháo đường, cao huyết áp hay có nguy cơ mắc bệnh đó, y tế dự phòng sẽ tác động như tư vấn ăn uống, lời khuyên dinh dưỡng, vận động thể dục, thuốc men... để người bệnh hoặc tiền mắc bệnh khống chế không để bệnh tiến triển và nguy cơ mắc bệnh.

Chúng ta đều nằm lòng câu khẩu hiệu: phòng bệnh hơn chữa bệnh. Công tác nào cũng quan trọng như nhau, nhưng dự phòng phải luôn là tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh.

Vì vậy, bác sĩ, người làm y tế dự phòng cần sự đồng cảm sẻ chia, thấu hiểu nhiệm vụ và sự phối hợp của người dân, của cộng đồng để công tác dự phòng dịch bệnh đạt hiệu quả, để việc bảo vệ sức khỏe nhân dân được tốt hơn.

TƯỜNG VÂN (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh