Bảo vệ "thiên thần nhỏ" trước dịch Covid-19

01:02, 21/02/2020

Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, tăng cường đề kháng và giúp con biết cách tự bảo vệ mình là yếu tố quan trọng mà các phụ huynh cần lưu ý để giúp trẻ phòng tránh dịch Covid-19.

 

 

 Thả diều vẫn không quên đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19.
Thả diều vẫn không quên đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, tăng cường đề kháng và giúp con biết cách tự bảo vệ mình là yếu tố quan trọng mà các phụ huynh cần lưu ý để giúp trẻ phòng tránh dịch Covid-19.

Việt Nam điều trị thành công bé 3 tháng tuổi nhiễm Covid-19

Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Việt Nam cũng ghi nhận trường hợp bé mới chỉ 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc bị lây nhiễm bệnh. Sau 10 ngày tích cực điều trị, sáng 20/2/2020, giới chức y tế tuyên bố điều trị thành công cho bé.

10 hôm trước, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé trong tình trạng dương tính Covid-19, sốt nhẹ khoảng 37,5 độ, hắt hơi sổ mũi, xét nghiệm bạch cầu hơi tăng, các chức năng cơ thể bình thường. Bé lây vi rút từ bà ngoại, còn bà ngoại lây từ một cô gái sau đó được xác định dương tính. Bé là ca lây nhiễm thứ phát đầu tiên tại Việt Nam trong dịch Covid-19.

Ban đầu bé được cách ly điều trị ở cơ sở y tế Vĩnh Phúc. Song vì bệnh viêm phổi do nhiễm chủng mới vi rút corona mà bé lại còn quá nhỏ nên các bác sĩ quyết định “cần thận trọng”, phải chuyển bé về Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi, kịp thời xử trí.

TS. bác sĩ Nguyễn Văn Lâm- Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương- cho biết khó khăn chủ yếu trong quá trình điều trị là bé còn quá nhỏ, các y- bác sĩ phải chăm sóc cho cháu kỹ lưỡng hơn. Rất mừng là bé đã khỏi bệnh.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu về Covid-19, các bác sĩ chia mức độ bệnh từ nhẹ đến nặng và chăm sóc theo mức độ, dùng thuốc tăng cường sức khỏe và miễn dịch phù hợp với bé.

Mẹ của bé được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc con và đảm bảo không lây chéo từ con sang mẹ. Gia đình cũng cần đề phòng các vấn đề sức khỏe của cháu, tránh bội nhiễm vi khuẩn và lây chéo bệnh khác.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh) cho hay, vi rút corona có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi. Tuy nhiên, các phụ huynh không nên quá lo lắng bởi nếu trẻ em nhiễm vi rút này thì mức độ nhẹ hơn người lớn, có thể hồi phục nhanh hơn.

Thông thường, trẻ mắc bệnh là do người lớn bị nhiễm chủng mới vi rút corona tiếp xúc gần hoặc trực tiếp chăm sóc bé. Khi nhiễm vi rút này, đa số các bé sẽ bị sốt, chảy nước mũi chứ không ho nhiều như người lớn. Ở thời điểm này, trẻ được hạn chế đi lại, tiếp xúc nơi đông người nên ít lây lan bệnh cho những trẻ khác.

Khi trẻ mắc bệnh cũng sẽ không tiến triển nặng như bệnh cúm, sốt xuất huyết,… Qua biểu hiện bệnh, quá trình điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 ở các nước, hầu hết trẻ đều bệnh nhẹ, tỷ lệ nhanh hết bệnh cao hơn. Sau khi lành bệnh, trẻ cũng ít nguy cơ bị di chứng.

Tăng đề kháng, dạy trẻ kỹ năng phòng bệnh

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu- Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh, tùy lứa tuổi mà có chế độ ăn khác nhau. Để tăng cường miễn dịch, đầu tiên phải ăn uống đầy đủ chất và đa dạng; nên chọn những loại đạm dễ tiêu, rửa tay kỹ, rửa dụng cụ nấu nướng kỹ càng, nấu chín thức ăn. Riêng em bé nhỏ còn được bú mẹ phải tận dụng bú sữa mẹ.

Ngoài ra, cần bổ sung rau củ, trái cây. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy chúng ta uống vitamin C thì chống được vi rút nhưng vitamin giúp cho hệ miễn dịch tốt là vitamin A, vitamin C.

Những thức ăn giúp bạch cầu hoạt động tốt hơn là kẽm, selen có trong các loại thịt, các loại hạt, những thức ăn có tinh dầu giúp sát trùng đường hô hấp tốt cho giai đoạn này. Đặc biệt cần cung cấp đủ nước. Bên cạnh dinh dưỡng thì cần cho em bé ngủ đủ giấc, cần hướng dẫn cho bé những biện pháp cần làm để các con hiểu và thực hiện.

Dịp trẻ em, học sinh có “kỳ nghỉ bất đắc dĩ” dài để phòng, chống dịch Covid-19, đây là thời gian cha mẹ có thể rèn con các kỹ năng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, tránh cho việc phòng bệnh chỉ được trẻ thực hiện một cách thụ động.

Trẻ em đeo khẩu trang phòng bệnh khi đi Nhà sách Fahasa Vĩnh Long.
Trẻ em đeo khẩu trang phòng bệnh khi đi Nhà sách Fahasa Vĩnh Long.

Chị Lê Thúy Mơ (Phường 3-TP Vĩnh Long) có 2 con gái nhỏ: bé học lớp 1 và bé 2 tuổi cho biết: “Bé lớn thì đã quen rửa tay thường xuyên theo quy trình bằng xà bông và đeo khẩu trang khi ra đường rồi. Còn bé nhỏ giờ cũng chịu đeo khẩu trang và chịu rửa tay. Chị thủ sẵn chai rửa tay khô, để khi ra ngoài chơi như thả diều vậy nè, mình có sẵn rửa cho con cũng yên tâm hơn”.

Nghe mẹ nói xong, bé Minh Anh (7 tuổi) cười tươi: “Mẹ dạy con ho hay ắt xì là phải quay chỗ hổng có người rồi dùng khuỷu tay che khi ho mới lịch sự; phải thường xuyên rửa tay cho mình và cho em Nai nữa”.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cha mẹ nên hướng dẫn con em mình giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên súc miệng, cổ họng, tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà bông đúng cách, uống nước đều đặn, nhắc nhở trẻ chủ động đeo khẩu trang đúng cách khi ra ngoài; bỏ khẩu trang vào thùng rác.

Ngoài ra, cần giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, có ánh sáng chiếu vào; dạy con tăng cường vận động, rèn luyện sức khỏe, ăn uống các thực phẩm giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Theo ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), chiều 20/2, có thêm 2 bệnh nhân ở Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (Vĩnh Phúc) ra viện. Chiều 21/2, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ cho bệnh nhân Việt kiều ra viện. Như vậy Việt Nam chỉ còn 1 bệnh nhân đang điều trị.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh