Xu hướng tất yếu của nền y tế thông minh

12:01, 02/01/2020

Ứng dụng CNTT trong công tác KCB nhằm phục vụ người dân ngày một tốt hơn là xu hướng tất yếu và cũng là vấn đề cốt lõi mà ngành y quan tâm.

Ứng dụng CNTT trong công tác KCB nhằm phục vụ người dân ngày một tốt hơn là xu hướng tất yếu và cũng là vấn đề cốt lõi mà ngành y quan tâm.

Lợi ích của nền y tế điện tử

Hiện nay công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, đi vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Ngành y tế cũng không đứng ngoài xu thế đó.

Đối với ngành y, thời gian qua đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Đây là nền tảng để các cơ sở y tế trong cả nước có những bước phát triển đột phá, tiến tới sự hài lòng của người bệnh.

 Từ ngày 1/3/2019 và sẽ được triển khai đến tất cả các cơ sở khám - chữa bệnh thuộc Bộ Y tế.
Từ ngày 1/3/2019 và sẽ được triển khai đến tất cả các cơ sở khám - chữa bệnh thuộc Bộ Y tế.

PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, việc ứng dụng thành công y tế điện tử trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe người bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Người bệnh sẽ được sử dụng các dịch vụ KCB tiên tiến, hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị, tiết kiệm được thời gian và chi phí KCB; sẽ góp phần giảm tải bệnh viện (BV), góp phần xây dựng hình ảnh mới của BV: văn minh, hiện đại, hết lòng vì bệnh nhân (BN).

“CNTT giúp BN không phải lưu trữ giấy tờ, hình ảnh khi đi KCB. Người bệnh không còn lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ và dễ dàng so sánh từng chỉ số khám sức khỏe định kỳ; kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử giúp BN tự quản lý thông tin sức khỏe suốt đời.

Lưu trữ tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn, sẽ giúp BN chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe của mình”, ông Trần Quý Tường nhấn mạnh.

Khi thông tin về sức khỏe BN được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp cán bộ y tế dễ dàng tìm lại dữ liệu của BN, giảm thủ tục hành chính, tránh được các chỉ định siêu âm, xét nghiệm… không cần thiết.

Từ tiếp nhận thông tin đến chẩn đoán, kê đơn thuốc của bác sĩ đều được số hóa, các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án bất kỳ nơi nào có mạng internet, giúp chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn.

“Theo lộ trình của Thông tư số 46/2018/TT-BYT có 2 giai đoạn: giai đoạn 2019-2023 tất cả các BV hạng 1 trở lên phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; giai đoạn 2024-2028 tất cả các cơ sở KCB trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử”- PGS.TS Trần Quý Tường

PGS.TS Trần Quý Tường cho biết, triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời, tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.

Đây là cơ sở dữ liệu lớn về sức khỏe (big data) giúp ngành y tế tổng hợp, phân tích dữ liệu, kịp thời chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Mặt khác, big data là nền tảng để phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.

“Trong thời đại ngày nay, việc quản lý thông tin có nghĩa rất lớn đối với công tác quản lý xã hội, có nhiều người còn khẳng định “thông tin quý hơn dầu mỏ!”, ông Tường ví von.

Hiệu quả bước đầu khi ứng dụng CNTT

 Tại BV Hữu Nghị, mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt BN đến KCB. Để giảm tải cho BN, 5 năm trở lại đây, BV này triển khai đăng ký khám qua điện thoại. 2 năm gần đây, trung bình mỗi tuần có 600 lượt BN (chiếm khoảng 1/4 tổng số BN) đăng ký khám bệnh qua điện thoại.

BV Hữu nghị đầu tiên được Bộ Y tế chọn thí điểm ứng dụng mạng PACS.
BV Hữu nghị đầu tiên được Bộ Y tế chọn thí điểm ứng dụng mạng PACS.

Bà Lê Thị Nga ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, trước đây chưa biết đến dịch vụ này, bà phải đến BV từ 5h sáng để xếp sổ lấy số KCB, thế mà vẫn phải chờ đợi đến cuối giờ sáng mới được lấy máu xét nghiệm nên rất mệt mỏi.

“Từ khi đăng ký khám bệnh qua điện thoại, tôi chỉ cần đến trước giờ hẹn 30 phút chứ không phải mất thời gian xếp hàng chờ đợi như trước đây nữa, trong khi vẫn được hưởng BHYT”, bà Nga bày tỏ.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc BV Hữu Nghị cho biết, cơ sở này đã triển khai CNTT để quản lý BV từ hơn 10 năm trước. Từ khâu kê đơn, cấp phát thuốc, thanh toán viện phí, quản lý nhân lực, quản lý tài sản… BV đều thực hiện trên mạng.

“Đây là BV đầu tiên được Bộ Y tế chọn thí điểm ứng dụng mạng PACS. Nhờ công nghệ 4.0 này, BN không cần chờ đợi lấy phim, hình ảnh chụp được xử lý, lưu trữ và truyền tải qua mạng, bác sĩ có thể truy cập mọi nơi, mọi lúc, rất thuận tiện cho hội chẩn và hội chẩn từ xa mà nó có thể lưu trữ theo BN mãi mãi.

Việc không in phim không những giảm độc hại rác thải nhựa, góp phần cho môi trường y tế xanh sạch đẹp mà còn có thể tiết kiệm cho BV mỗi năm khoảng hơn 1 tỷ đồng”, PGS.TS Thanh Hà cho biết.

“Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng KCB. Kết quả ứng dụng CNTT trong y tế thời gian qua tạo bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa y tế, đặc biệt là số hóa bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh”- Nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

 

Các ứng dụng chăm sóc sức khỏe thông minh “Sổ khám bệnh điện tử” được thiết kế trên mobile nhằm thiết lập kênh giao tiếp số (digital channel) giữa người bệnh và BV Nhi Trung ương giúp người dân có phương tiện hữu ích để tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cho bản thân và gia đình.

Người bệnh có thể đặt lịch khám bệnh, quản lý hồ sơ kết quả khám bệnh, nhận thông tin uống thuốc, tái khám trên thiết bị di động; góp phần chuyển dịch phương thức tiếp cận, theo dõi và chăm sóc sức khỏe từ “bị động” sang “chủ động”.

Ngoài ra, ứng dụng chăm sóc sức khỏe thông minh “Chăm sóc BN nội trú” hỗ trợ cho bác sĩ, y tá và điều dưỡng trong công tác theo dõi, chăm sóc và điều trị BN nội trú.

Việc sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động thông minh trong hoạt động chăm sóc nội trú nhằm thực hiện việc thu thập và số hóa dữ liệu toàn phần nhằm dần loại bỏ việc viết và kê đơn vào y lệnh giấy, là bước căn bản để tiến tới xây dựng bệnh án điện tử.

Ths. Nguyễn Thế Vinh, Phó trưởng phòng CNTT, BV Nhi Trung ương chia sẻ: “Chúng tôi triển khai thí điểm ứng dụng y tế thông minh phục vụ công tác KCB tại khoa điều trị quốc tế S và khoa khám và điều trị 24H. Từ đó có đánh giá cụ thể trước khi nhân rộng ra toàn bộ BV và các đơn vị vệ tinh”.

Tiến tới sự hài lòng của người bệnh

Việc ứng dụng CNTT, bệnh án điện tử tại các cơ sở KCB góp phần cải cách hành chính và giảm tải BV, đó là một bước tiến mới, góp phần nâng cao chất lượng KCB của các BV.

Một trong những thách thức và ứng dụng thực tiễn trong ngành y tế là: Làm sao để người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ y tế, và làm sao để các bác sĩ có thể tiếp cận được các thông tin, diễn biến của người bệnh một cách nhanh hơn, từ đó đưa ra được các quyết định về điều trị chính xác, kịp thời.

Theo PGS.TS Trần Quý Tường, vượt qua những lúng túng ban đầu, ứng dụng CNTT trong BV có bước phát triển đột phá, tới nay đã có 100% BV triển khai HIS (mạng quản lý BV).

Hiện rất nhiều BV đã triển khai các giải pháp, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Điển hình là BV Đại học Y Dược TP.HCM đã triển khai đăng ký KCB và thanh toán trực tuyến trên điện thoại thông minh, iPad, máy tính bảng, tablet.

Qua đó, người bệnh có thể thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tuyến ngay trên ứng dụng và được quyền lựa chọn hình thức thanh toán bằng thẻ quốc tế Visa/ Master/ JCB, thẻ ATM nội địa, thẻ khám bệnh...

Thực hiện Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, đến nay đã có 5 BV công bố sử dụng và lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay bệnh án giấy đó là: BV Đa khoa khu vực tỉnh An Giang, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, BV Đa khoa quốc tế Hải Phòng, BV Đa khoa TP Vinh, BV Sản nhi Quảng Ninh; 20 BV ứng dụng hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh y tế (gọi là PACS) không cần in phim; ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp; nhiều BV đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật trong y tế.

Mục tiêu trong thời gian tới của ngành y là “Ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”. Đây cũng là xu hướng tất yếu để hướng tới một nền y tế thông minh./.

Theo VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh