Đã có nhiều trường hợp cấp cứu trong tình trạng "thập tử nhất sinh" do bỏ thuốc điều trị để chữa bệnh bằng thực dưỡng
Đã có nhiều trường hợp cấp cứu trong tình trạng "thập tử nhất sinh" do bỏ thuốc điều trị để chữa bệnh bằng thực dưỡng
Mới đây, nữ bệnh nhân 59 tuổi ở TP Hà Nội đã tử vong sau gần 2 tháng ăn thực dưỡng chữa bệnh tiểu đường (còn gọi đái tháo đường).
Nhiều trường hợp phải nhập viện
Phát hiện mắc bệnh tiểu đường cách đây 2 năm, bà T.T.M (59 tuổi; ngụ quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) kiên trì dùng thuốc và tái khám định kỳ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Xác định phải chung sống "hòa bình" với căn bệnh này cả đời nên bà M. rất tuân thủ theo lời bác sĩ.
Thế nhưng, 2 tháng trở lại đây, nghe mấy người bạn nói về phương pháp chữa bệnh bằng ăn thực dưỡng, bà M. bỏ thuốc điều trị, chuyển qua ăn gạo lứt, muối mè và sữa hạt kết hợp với ngồi thiền. Quá trình ăn uống khắt khe khiến bà giảm gần 7 kg, đường huyết giảm bất thường.
Ngay trong những ngày đầu năm 2020, bà M. được gia đình đưa đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bạch Mai (TP Hà Nội) trong tình trạng đau bụng dữ dội, suy kiệt, nồng độ axít trong các dịch cơ thể vượt mức bình thường, tổn thương gan nặng nề, men gan cao bất thường. Bệnh nhân được thở máy và lọc máu liên tục nhưng sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Một nữ bệnh nhân sau hơn 1 tháng áp dụng chế độ ăn thực dưỡng đã phải vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (TP Hà Nội) cấp cứu |
Theo các bác sĩ, hiện trào lưu thực dưỡng trong điều trị tiểu đường, ung thư và một số bệnh lý mạn tính khác đang nở rộ trên mạng xã hội. Nhiều người coi thực dưỡng và thiền là cách chữa bệnh không dùng thuốc, phẫu thuật không dùng dao. Thế nhưng, đây cũng là lý do khiến nhiều trường hợp phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí mất mạng.
Cách đây ít ngày, một nữ bệnh nhân ngoài 70 tuổi ở TP Hà Nội được gia đình đưa đến BV Hữu Nghị trong tình trạng đường huyết giảm sâu. Bệnh nhân cho biết do bị tiểu đường, huyết áp kèm tim mạch nên bà đã duy trì chế độ ăn thực dưỡng (gạo lứt, muối mè), mỗi tuần ăn 2 - 3 ngày. Sau một thời gian ngắn, bà giảm được 6 kg nhưng người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, da xanh xao. Thời điểm nhập viện, đường huyết của bà là 3,5 mmol/l.
Trước đó, cũng vì ăn chay với gạo lứt, muối mè theo liệu trình được lan truyền trên mạng, một phụ nữ 61 tuổi ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu do mệt mỏi, đau ngực, ngừng tuần hoàn, rối loạn điện giải sau hơn 1 tháng ăn chay.
PGS-TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia - BV Bạch Mai, cho biết nữ bệnh nhân 61 tuổi đã được cấp cứu tích cực, sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhân xuất viện nhưng chỉ sau một ngày, gia đình tiếp tục đưa bà quay lại cấp cứu vì bị đau tim dữ dội. Lần này, bà được chẩn đoán bị hẹp động mạch vành, chỉ định đặt stent. Theo PGS-TS Phạm Mạnh Hùng, do bệnh nhân bị bệnh mạch vành lại ăn chay nên đã làm giảm điện giải trong máu, kích thích gây ngừng tim.
Phản khoa học
GS-TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Ung Bướu - BV Bạch Mai, cho biết hiện rất nhiều bệnh nhân đang áp dụng chế độ ăn thực dưỡng, bỏ đói tế bào ung thư để chữa bệnh. Đây là phương pháp chữa bệnh rất nguy hiểm, trước khi khỏi bệnh, bệnh nhân có thể chết vì suy kiệt, rối loạn chuyển hóa...
"Quan điểm "bỏ đói tế bào ung thư" là nhận thức không đúng. Tế bào ung thư cũng cần dinh dưỡng và chúng sẽ lấy dinh dưỡng từ chính người bệnh. Nếu người mắc ung thư không được cung cấp đủ năng lượng, người bệnh sẽ gầy yếu, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật. Trong nhiều năm làm lâm sàng, tôi chưa gặp trường hợp nào chữa khỏi ung thư chỉ bằng áp dụng ăn thực dưỡng" - GS-TS Mai Trọng Khoa khẳng định.
GS-TS Mai Trọng Khoa cho biết trong y học hiện đại, dinh dưỡng lâm sàng được xem là một phương pháp điều trị phối hợp cùng với thuốc và các phương pháp điều trị khác. Ai cũng cần một cơ thể khỏe mạnh mới tạo ra hệ miễn dịch tốt, đủ khả năng phát hiện, ức chế, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, trong đó có tế bào ung thư. Hiện vẫn chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu và nói rằng chế độ ăn thực dưỡng có thể chống lại ung thư và triệt tiêu tế bào u xơ.
Nói về chế độ thực dưỡng được lan truyền trên mạng, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết gạo lứt là thực phẩm chính trong các bữa ăn thực dưỡng thực chất là loại gạo chỉ xát vỏ trấu, còn nguyên lớp vỏ cám bên ngoài. Loại gạo này khi nấu đúng cách sẽ giữ được chất xơ, vitamin, canxi, sắt, kẽm và đạm. Tuy nhiên, gạo lứt cũng chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần dinh dưỡng nên bữa ăn hằng ngày cần bổ sung các nhóm thực phẩm khác giàu protit, lipit, rau củ quả... để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
"Việc chỉ ăn cơm gạo lứt hằng ngày mà không có thêm dinh dưỡng khác lâu ngày có thể khiến cơ thể suy nhược trầm trọng. Ngay cả với những người khỏe mạnh bình thường cũng không tốt chứ chưa nói tới bệnh nhân ung thư, tiểu đường, gan - mật hay các bệnh mạn tính khác" - PGS-TS Nguyễn Thị Lâm lưu ý.
Đừng theo "bác sĩ Google"
PGS-TS Phạm Mạnh Hùng cho biết tình trạng người dân tự tra "bác sĩ Google" để làm theo ngày càng phổ biến khiến nhiều người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch. Trên internet, mạng xã hội thông tin về các bệnh tràn ngập, lẫn lộn giữa kiến thức khoa học hàn lâm và thông tin thường thức. Tuy đó là những thông tin dễ hiểu nhưng được viết bởi người không có chuyên môn. Nhiều người đã làm theo và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Theo Ngọc Dung/NLĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin