Cập nhật phương thức chữa bệnh mới trong lĩnh vực huyết học

03:11, 15/11/2019

Ở lĩnh vực huyết học, thành tựu lớn nhất mà ngành đạt được là ghép tế bào gốc tạo máu với số lượng trung tâm ghép ngày càng tăng.

 

Ở lĩnh vực huyết học, thành tựu lớn nhất mà ngành đạt được là ghép tế bào gốc tạo máu với số lượng trung tâm ghép ngày càng tăng.

 Lấy mẫu máu xét nghiệm cho người hiến máu tình nguyện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lấy mẫu máu xét nghiệm cho người hiến máu tình nguyện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong những năm gần đây, ngành truyền máu-huyết học của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong điều trị và chẩn đoán các bệnh lý về máu, cũng như cải tiến chất lượng trong lĩnh vực truyền máu.

Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị Báo cáo chuyên đề Huyết học và tổng kết truyền máu khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 diễn ra ngày 14/11.

Hội nghị là dịp để các bác sỹ trình bày kết quả nghiên cứu, phương thức chữa bệnh mới trong lĩnh vực huyết học.

Trong lĩnh vực truyền máu, Việt Nam đã có 5 ngân hàng máu lớn và các ngân hàng máu khu vực trải dài trên khắp đất nước, hàng năm thu gom gần 1,6 triệu đơn vị máu phục vụ công tác cấp cứu, khám chữa bệnh.

Ở lĩnh vực huyết học, thành tựu lớn nhất mà ngành đạt được là ghép tế bào gốc tạo máu với số lượng trung tâm ghép ngày càng tăng. Đến nay, cả nước có 9 trung tâm ghép tế bào gốc tạo máu với số lượng ca ghép của cả nước gần 1.000 ca.

Bác sỹ Cao Minh Chu-Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết thời gian qua, công tác truyền máu của thành phố Cần Thơ đạt được nhiều kết quả. Ngày càng có nhiều bệnh nhân khu vực đồng bằng sông Cửu Long lựa chọn các bệnh viện tại Cần Thơ để điều trị bệnh về máu thay vì vượt tuyến, giúp giảm tải cho tuyến trên.

Trong năm 2020, ngành y tế Cần Thơ sẽ triển khai các kỹ thuật mới trong lĩnh vực huyết học như: Đánh giá MRD, điều trị đặc hiệu suy tủy, điều trị trúng đích, ghép tủy tự thân...

Bác sỹ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ, cho biết bệnh viện là cơ sở nhận hiến máu, cung cấp máu cho những cơ sở y tế của hầu khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hiện bệnh viện đứng thứ 3 cả nước về tiếp nhận máu, với 159.000 đơn vị máu/năm.

Để có những đơn vị máu đạt tiêu chuẩn, chất lượng cung cấp cho bệnh nhân, tất cả các đơn vị máu sau khi tiếp nhận sẽ được thực hiện nghiêm ngặt quy trình xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường máu. Quy trình sàng lọc máu đều được thực hiện trên máy móc tự động hiện đại.

Tại hội nghị, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thạo (Khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy) đã giới thiệu cách điều trị ban xuất huyết giảm tiểu cầu-huyết khối bằng phương pháp thay huyết tương. Đây là bệnh hiếm gặp, tỷ lệ 4-11/1.000.000 người/năm, gây tử vong trên 25%.

Với phương pháp thay huyết tương kết hợp corticoid, ghi nhận bệnh nhân đáp ứng tốt phác đồ điều trị, các triệu chứng lâm sàng như: Tán huyết vi mạch, thần kinh, suy chức năng thận, sốt... đều giảm.

Cũng tại hội nghị, bác sỹ Lê Phước Đậm (Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh) đã trình bày phương pháp ghép tế bào gốc ở bệnh lý đa u tủy xương. Đây là bệnh lý tăng sinh ác tính dòng tương bào, gây hủy xương và suy tủy xương. Bệnh chiếm 1,8% các thể bệnh ung thư và 17% bệnh lý ác tính huyết học.

Giải pháp ghép tế bào gốc giúp bệnh nhân gia tăng cơ hội đẩy lùi bệnh, rút ngắn thời gian hồi phục cũng như kéo dài thời gian nguy cơ tái phát./.

Theo PV (Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh