Tại Việt Nam mỗi năm có thêm gần 75.000 phụ nữ phải gánh chịu căn bệnh ung thư (K). Chỉ tính riêng K vú và K phụ khoa đã chiếm tới 34% số ca mắc K ở nữ giới.
Tại Việt Nam mỗi năm có thêm gần 75.000 phụ nữ phải gánh chịu căn bệnh ung thư (K). Chỉ tính riêng K vú và K phụ khoa đã chiếm tới 34% số ca mắc K ở nữ giới.
Chị em nên khám phụ khoa định kỳ để chẩn đoán phát hiện sớm, điều trị hiệu quả. |
Gia tăng K phụ khoa ở phụ nữ trẻ
Theo thống kê tại các Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ, phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị K phụ khoa, bao gồm K cổ tử cung, thân tử cung, buồng trứng, âm hộ và âm đạo, nội mạc tử cung và K vú.
Những năm gần đây, tỷ lệ mắc những căn bệnh này đang tăng lên ở phụ nữ dưới 30 tuổi (trước đây bệnh K phụ khoa thường xuất hiện ở tuổi trên 50- 60).
K vú ngày càng gia tăng ở Việt Nam với hơn 15.000 ca mắc mỗi năm, gây tử vong hàng đầu ở nữ. Đến tái khám tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, cô N.T.N. (60 tuổi, ở huyện Long Hồ- Vĩnh Long) cho biết: “Thấy có khối u ở đầu vú rồi cô cũng bỏ qua vì thấy trong mình cũng khỏe. Loay hoay hơn 6 tháng cô đi hốt thuốc Nam uống cũng không thấy nó xẹp mà ngày càng bự như trái chanh.
Trạm y tế xã kêu qua bệnh viện ung bướu khám thì bác sĩ nói cô bị ung thư vú rồi”. Còn em M.X.T. (31 tuổi, TP Cần Thơ) vào khám khi sờ thấy khối u vùng vú trái.
Tại đây, qua thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng bác sĩ chẩn đoán em bị K vú giai đoạn 1, với độ tuổi còn trẻ và chưa lập gia đình mà sớm bị K nên em và gia đình không khỏi bị sốc.
“Sau khi mãn kinh vài tháng, tôi thấy ra huyết, dù ít nhưng dai dẳng, ngồi lâu thấy thốn thốn ở bụng dưới… nên mới đi khám. Ai ngờ bị ung thư”, cô L.N.V. (51 tuổi, huyện Kế Sách- Sóc Trăng) kể.
Cô nhập viện Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ với chẩn đoán K cổ tử cung giai đoạn tiến xa, di căn thận trái, ổ bệnh không còn khu trú, nên những can thiệp bằng xạ trị và phẫu trị đều vô hiệu.
Cô rưng rưng nước mắt: “Tôi cũng hổng ngờ mình bị K cổ tử cung như thế này, đó giờ cũng ít để ý, tôi cũng chủ quan hổng khám phụ khoa gì hết. Các bác sĩ nói phải chi tôi khám tầm soát sớm thì việc trị bệnh rất dễ rồi, thôi giờ chỉ biết trăm sự nhờ bác sĩ, hy vọng còn nước còn tát thôi”.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, K phụ khoa ở phụ nữ trẻ tuổi có khuynh hướng tiến triển nhanh và ác tính cao hơn so với bệnh nhân lớn tuổi.
Một lý do được cho là có liên quan đến tỷ lệ gia tăng K phụ khoa ở người trẻ là do việc lây nhiễm vi rút HPV qua con đường lây truyền tình dục. Đây là một trong những nguyên nhân gây K cổ tử cung, âm đạo đáng báo động thời gian qua.
Song, các bệnh K cổ tử cung và K vú có thể chữa khỏi với tỷ lệ thành công cao nhưng rất nhiều bệnh nhân chủ quan, không khám phụ khoa định kỳ nên phát hiện đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị và cơ hội sống của người bệnh giảm đi rất nhiều.
Tầm soát sớm bệnh K phụ khoa
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Văn Kha- Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- cho rằng, tỷ lệ chữa khỏi K vú là 95% ở giai đoạn sớm nhưng thực tế, tại Việt Nam có đến 50% số ca bệnh đến cơ sở y tế khám ở giai đoạn muộn nên khả năng chữa khỏi không còn cao.
“Điều đáng tiếc, nhiều phụ nữ không quan tâm đến vấn đề tầm soát, khám phụ khoa định kỳ. Có bệnh nhân vì mặc cảm bệnh, phát hiện bệnh lại giấu gia đình, tự tìm thuốc Nam, các bài thuốc gia truyền điều trị đến khi bệnh di căn mới chịu đến bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Vì vậy, yếu tố then chốt để điều trị hiệu quả là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm”- bác sĩ Văn Kha cho biết.
Hiện nay, Việt Nam áp dụng rất nhiều thành tựu tiến bộ của y học trong chữa trị ung thư và rất thành công. Trong đó, K cổ tử cung, K vú có thể phát hiện được ở giai đoạn sớm thông qua tầm soát và có tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao nếu được phát hiện sớm.
Theo TS.bác sĩ Phạm Xuân Dũng- Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân K cổ tử cung giai đoạn sớm có thể được cắt cổ tử cung tận gốc bảo tồn thân tử cung, tạo hình tử cung nên có thể duy trì khả năng sinh sản.
Đối với các trường hợp bệnh nhân trẻ, đặc biệt là người chưa lập gia đình, nếu bị K buồng trứng, phát hiện sớm, các bác sĩ có thể cố gắng phẫu thuật lấy được khối u nhưng vẫn bảo tồn tử cung và buồng trứng để có thể sinh con sau này.
Riêng K vú, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, việc phẫu thuật bóc tách tế bào ác tính và bảo tồn thẩm mỹ bộ ngực cho bệnh nhân là rất khả quan.
Căn bệnh K- đặc biệt là K phụ khoa- không chừa bất kỳ phụ nữ ở độ tuổi nào. Do vậy, một lối sống lành mạnh, cân bằng là điều vô cùng cần thiết để giảm bớt nguy cơ.
Với K cổ tử cung, chị em nên tiêm vắc xin phòng vi rút gây u nhú, K cổ tử cung trong độ tuổi từ 9 - 26 (vắc xin phòng nhiễm HPV). Bên cạnh đó, hãy tránh xa thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn, tập thể dục thường xuyên và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa K.
Song song đó, chị em nên khám phụ khoa định kỳ (6 tháng/lần) để chẩn đoán phát hiện sớm để có thể điều trị hiệu quả. Đồng thời, các bác sĩ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị ưu việt nhất để có thể bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân trẻ.
Chia sẻ dấu hiệu cảnh báo K ở nữ giới, GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K- lưu ý: Các chị em có thể không nhận thấy các triệu chứng K hoặc có thể bỏ qua, cho rằng chúng ít nghiêm trọng. Nhưng khi các triệu chứng dưới đây kéo dài hơn 2 tuần, chúng có thể là dấu hiệu của bệnh K vú hoặc phụ khoa và chị em cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, tư vấn và chẩn đoán: đau hoặc đỏ vú, tụt núm vú, da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường; chảy dịch vú, thay đổi màu sắc trên da của vú, một bên vú dày chắc hơn bên kia; có hạch nách hoặc hố thượng đòn; chu kỳ kinh nguyệt bất thường, thay đổi thói quen tiểu tiện; xuất huyết hoặc chảy dịch âm đạo bất thường; đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục, đau vùng xương chậu. Bên cạnh đó, các chị em nên tự khám vú sau kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày là lúc tuyến vú mềm và dễ cảm nhận nhất, tập cho mình thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát K khi qua tuổi 40. Với những chị em có nguy cơ cao (trong gia đình có mẹ hoặc chị, em gái mắc K vú, đột biến gien BRCA1/BRCA2, tuổi có kinh sớm, không sinh con,…), nên đi khám, tầm soát sớm hơn. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin