Với bệnh nhân HIV/AIDS, điều trị ARV cần liên tục và suốt đời. Vì vậy, điều trị ARV thông qua quỹ BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người có HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý.
Với bệnh nhân HIV/AIDS, điều trị ARV cần liên tục và suốt đời. Vì vậy, điều trị ARV thông qua quỹ BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người có HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý.
Bệnh nhân nhiễm HIV đến khám định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. |
Nâng cao hiệu quả điều trị HIV bằng chính sách BHYT
Hiện cả nước có khoảng 200.000 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có gần 140.000 người nhiễm được điều trị bằng thuốc ARV- thuốc ức chế sự phát triển của vi rút HIV trong cơ thể người bệnh.
Trước đây, thuốc này được các tổ chức quốc tế viện trợ, nhờ đó người nhiễm HIV ở Việt Nam được nhận thuốc miễn phí. Từ năm 2019, kết thúc nguồn thuốc ARV hỗ trợ cho bệnh nhân HIV từ quỹ toàn cầu và chuyển sang nguồn từ quỹ BHYT.
Tại Phòng khám Ngoại trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, mỗi tháng một lần những bệnh nhân nhiễm HIV lại đến kỳ khám và lấy thuốc ARV.
Nhiễm HIV từ năm 2008, 11 năm qua, anh T.Q.B. (xã Tân Hạnh- Long Hồ) đều đặn nhận thuốc điều trị miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tháng 3/2019, với chủ trương cấp phát thuốc ARV thông qua BHYT chi trả, anh B. tự trang bị cho mình tấm thẻ BHYT.
Dù có thêm thủ tục BHYT, nhưng toàn bộ quy trình khám và cấp phát thuốc của anh vẫn không khác so với trước đây. “Trước lãnh thuốc sao thì nay vẫn như thế, chỉ phải xuất trình thêm thẻ BHYT thôi, không có sự phiền hà nào cả. Tui tuân thủ đúng lịch khám, uống thuốc đúng liều, đúng giờ và sống lạc quan, nên dù bệnh mà tui vẫn thấy khỏe”- anh B. cho hay.
Làm các xét nghiệm lâm sàng, thăm khám toàn diện hay điều trị các bệnh kèm theo, vốn rất ít được người bệnh nhiễm HIV thực hiện trước đây do gặp khó về kinh tế thì nay đã có thể tiến hành với sự hỗ trợ của BHYT.
Chị L.T.M.T. (xã Lộc Hòa- Long Hồ) tâm sự: “Năm đầu, khi phát hiện bệnh, tui bướng nghĩ chết là hết nên hổng cần điều trị. Ai dè bệnh nặng hơn và bị tai biến nên 1 bên tay chân phải bị yếu”. Gia cảnh khó khăn, tới kỳ khám chị được mẹ già gần 80 tuổi đi cùng để hỗ trợ đi đứng.
Chị T. tâm sự: “Tui khám, làm xét nghiệm, rồi chụp hình, làm đủ thứ cũng có BHYT lo hết, cũng nhẹ gánh lắm. Giờ chỉ cần tuân thủ điều trị để mình khỏe, mẹ và các con yên tâm hơn”.
90% người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tuy tiếp tục giảm, nhưng diễn biến phức tạp. Việc điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, tính đến nay có khoảng 140.000 bệnh nhân đang điều trị bằng ARV với tỷ lệ tuân thủ sau 12 tháng điều trị đạt 88%.
Tháng nào cũng vậy, tới kỳ khám lấy thuốc ARV tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình, chị T.T.N. (xã Loan Mỹ- Tam Bình) đều được chồng chở đi khám. Nhờ tình yêu thương của chồng, chị vượt qua mặc cảm bệnh tật mà sống vui vẻ, lạc quan.
Việc điều trị ARV thông qua BHYT giúp những người bệnh có cơ hội chữa trị với chi phí hợp lý. |
“Có thẻ BHYT nên tui khám và điều trị bằng thuốc ARV hổng có tốn tiền. Bệnh cũng hơn 7 năm rồi, chắc do đi làm móng rồi bị lây nhiễm. Tui uống thuốc đúng lịch, sức khỏe ổn định và được tuyên truyền, biết cách phòng ngừa nên chồng tui hổng có bị lây bệnh”.
Song, không phải người bệnh nào cũng đủ khả năng chi trả 10- 20% chi phí điều trị ARV, cũng không phải người bệnh nào cũng đủ tự tin công khai danh tính để được hưởng BHYT.
Không dám điều trị tại địa phương bởi sợ lộ tình trạng bệnh hoặc nhất quyết không tham gia BHYT do sợ lộ danh tính. Đó là tâm lý chung của các bệnh nhân nhiễm HIV khi nghĩ đến chuyển đổi điều trị bằng thẻ BHYT.
Thời gian qua, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tháo gỡ từng vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với BHYT như: người nhiễm HIV/AIDS không phải tham gia BHYT theo hộ gia đình, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giấy tờ tùy thân, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến, chuyển tiếp...
Qua đó, người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng theo từng năm, từ 30% năm 2015 lên 90% hiện nay. Nhiều tỉnh- thành đạt độ bao phủ BHYT 100% cho người nhiễm HIV/AIDS.
Theo bác sĩ Tạ Thu Cúc (Phòng khám Ngoại trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh), hiện có trên 2.500 bệnh nhân nhiễm HIV thực khám, trong đó có 1.000 bệnh có thẻ BHYT. Việc khám và điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều thuận lợi cho người bệnh, cho thầy thuốc.
Mọi thủ tục không có gì phiền hà hơn cho người bệnh. Ngoài việc chi trả 80% chi phí điều trị ARV, khi tham gia BHYT, người bệnh HIV/AIDS sẽ được bảo hiểm thanh toán các chi phí điều trị khác như xét nghiệm phân loại máu, tầm soát các bệnh dễ lây nhiễm...
Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Với những người không thông qua BHYT, họ sẽ phải chịu một khoản chi phí rất lớn, bởi mỗi năm chi phí khám chữa bệnh cho 1 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS khoảng 6 triệu đồng (gồm thuốc và xét nghiệm).
Việc điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là giải pháp hỗ trợ một nguồn tài chính bền vững, giúp những người bệnh có cơ hội chữa trị với chi phí hợp lý.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2188/2016/QĐ-TTg quy định việc thanh toán thuốc kháng vi rút HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ BHYT. Theo đó, từ ngày 8/3/2019, bệnh nhân HIV/AIDS trên toàn quốc chính thức sử dụng thuốc ARV trong điều trị từ nguồn quỹ BHYT. Theo thống kê, năm 2019 cả nước sẽ có khoảng 48.000 người nhiễm HIV có thẻ BHYT sử dụng thuốc ARV. Đến năm 2020, số người nhiễm HIV còn lại sẽ được cấp thuốc ARV từ quỹ BHYT. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin