Trẻ bú mẹ trực tiếp giảm nguy cơ béo phì?

01:09, 20/09/2019

Xin bác sĩ cho biết, có phải trẻ bú mẹ trực tiếp sẽ giảm nguy cơ béo phì không?

Xin bác sĩ cho biết, có phải trẻ bú mẹ trực tiếp sẽ giảm nguy cơ béo phì không?

Nguyễn Thị Yến Hồng (Bình Tân)

Trả lời: Khi trẻ bú bình sẽ không kiểm soát lượng sữa theo nhu cầu, trẻ dễ bị uống sữa vượt quá lượng cần thiết dẫn đến trào ngược và ói.

Khi bú mẹ trực tiếp, người mẹ sẽ không biết được lượng sữa bé bú, nhưng sẽ biết được trẻ đã bú đủ chưa thông qua những dấu hiệu như trẻ không khóc, ngủ ngon và phát triển tốt. Trong khi bú bằng bình, người mẹ thường sốt ruột và hối thúc trẻ bú nhiều hơn.

Những trẻ bú mẹ trực tiếp có khả năng kiểm soát nhu cầu ăn uống tốt hơn trẻ bú sữa bình, động tác bú trực tiếp giúp ngăn ngừa sự tăng cân quá mức ở trẻ và nguy cơ trẻ bú sữa bình sau này dễ bị béo phì hơn.

Ngoài ra, việc cho con bú sữa mẹ trực tiếp tiện lợi, ít tốn kém và đáp ứng nhu cầu ngay khi bé đói, trong khi đó bé bú sữa bình cần phải tốn kém nồi hấp, tủ trữ chuyên dụng, máy hút sữa, bình sữa… và khi bé đói phải mất thời gian lấy sữa, rã đông.

Mặc dù, việc cho bé bú trực tiếp có nhiều ưu điểm là vậy, nhưng một số tình huống các bà mẹ không thể cho con bú trực tiếp, có thể vắt sữa cho trẻ bú tạm thời như mẹ và bé cách ly do bé nằm phòng chăm sóc đặc biệt hoặc mẹ mắc bệnh cần cách ly; người mẹ đi làm sớm cần vắt sữa để bé bú khi mẹ vắng nhà; mẹ bị bất thường ở núm vú (tụt núm vú, núm vú quá to bé không bú được); nứt núm vú nặng đang điều trị; những lúc mẹ vắng nhà.

Các bà mẹ nên nhớ việc vắt sữa cho trẻ bú bình chỉ nên làm là tạm thời, chứ không nên thay thế hoàn toàn việc cho bé bú trực tiếp. Khi các bà mẹ vắt sữa cho trẻ bú bình tạm thời, cần chú ý các khâu như vắt sữa, bảo quản và rã đông, tránh làm nhiễm khuẩn và giảm chất lượng sữa gây viêm ruột cho trẻ.

BS Phan Gia Hoàng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh