Mùa mưa, trẻ dễ mắc bệnh

01:09, 27/09/2019

Khi thời tiết thay đổi, nhất là nắng mưa xen kẽ, các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh, sinh sôi nhanh chóng, độc lực cao khiến nhiều trẻ nhỏ dễ bị ho, sổ mũi, khò khè... Là bệnh lành tính, song các phụ huynh cần hiểu rõ căn bệnh này và có cách chăm sóc, phòng ngừa khoa học và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe trẻ.

Khi thời tiết thay đổi, nhất là nắng mưa xen kẽ, các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh, sinh sôi nhanh chóng, độc lực cao khiến nhiều trẻ nhỏ dễ bị ho, sổ mũi, khò khè... Là bệnh lành tính, song các phụ huynh cần hiểu rõ căn bệnh này và có cách chăm sóc, phòng ngừa khoa học và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe trẻ.

Để tránh biến chứng sốt xuất huyết nặng, phụ huynh nên theo dõi trẻ cẩn thận, nếu sau 2 ngày trẻ vẫn sốt phải đưa đi khám bệnh ngay.
Để tránh biến chứng sốt xuất huyết nặng, phụ huynh nên theo dõi trẻ cẩn thận, nếu sau 2 ngày trẻ vẫn sốt phải đưa đi khám bệnh ngay.

Phòng bệnh viêm hô hấp

Các bệnh viện nhi dự báo, theo diễn tiến mọi năm, số ca mắc bệnh hô hấp tại các tỉnh miền Nam sẽ tăng dần, đỉnh điểm sẽ rơi vào tháng 9, tháng 10 và đến tháng 11 thì giảm dần, tuy nhiên đến tháng 12 lại tăng nhẹ.

Trẻ mắc bệnh có triệu chứng ho, nhảy mũi, sổ mũi, chuyển sang nặng hơn làm trẻ khò khè, khó thở, suy hô hấp. Những bệnh đường hô hấp hay gặp là viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn...

Theo BS.CK1 Huỳnh Cẩm Huy- Trưởng Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm, thời tiết giao mùa (chuyển từ nắng gắt sang mưa lạnh) và mùa tựu trường là những điều kiện thuận lợi cho nhiều mầm bệnh phát sinh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Các trẻ đi mẫu giáo tiếp xúc với môi trường tập thể thì bệnh lây lan rất nhanh.

Trẻ hắt hơi, ho mà không biết che miệng, nước bọt văng ra dính vô đồ chơi mà trẻ thường dùng tay tiếp xúc hay trẻ đưa tay quẹt mũi khi không được rửa, tay bị dính siêu vi. Sau đó, trẻ vô tình đưa tay lên miệng, dụi mắt hay ngoáy mũi thì sẽ đưa siêu vi vào người và nhiễm bệnh.

Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Trí Đoàn- Giám đốc Y khoa Hệ thống Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare (TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo thống kê có đến 99% trẻ bị bệnh do nhiễm siêu vi.

Còn một số rất ít bệnh do vi khuẩn gây ra có triệu chứng chảy mũi sẽ kéo dài, biểu hiện bệnh nặng hơn và kèm nhiều triệu chứng khác như đau người, sốt, đừ. Nếu trẻ bị viêm hô hấp do siêu vi sẽ tự khỏi sau 2 tuần.

Song, nếu trẻ bị viêm hô hấp do vi khuẩn, thì cần dùng kháng sinh điều trị. Do vậy, ba mẹ cần theo dõi sát diễn tiến của bệnh, để phát hiện bội nhiễm vi khuẩn thứ phát nếu có, để điều trị kịp thời.

Nếu trẻ có dấu hiệu nghiêm trọng như ho ra đàm cục, khó thở, thở lõm ngực, sốt cao, bỏ bú, co giật... thì cần nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu vì bên cạnh mắc các bệnh hô hấp, có thể trẻ mắc thêm các bệnh nguy hiểm khác.

Giai đoạn đầu của đợt cảm trẻ sẽ ho khan. Sau 4- 5 ngày, hệ thống niêm mạc trong đường thở, trong cổ họng, phế quản... sẽ tiết ra những chất nhầy đờm để tiêu diệt siêu vi và cường độ ho sẽ tăng rất nhiều.

Hiện nhiều phụ huynh có một hiểu lầm khá phổ biến là khi trẻ bệnh chỉ quan tâm đến mức độ ho nhưng lại không biết trẻ thở như thế nào. Ho là biểu hiện thường gặp của bệnh hô hấp nhưng mức độ bệnh nặng nhẹ không phản ánh qua biểu hiện trẻ ho ít hay nhiều.

Có những trường hợp cảm nhẹ thông thường thì ho nhiều hay trường hợp viêm phổi nặng lại không ho. Theo BS Trí Đoàn, để làm giảm cơn ho cho trẻ, nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước; trẻ 2 tuổi trở lên thì có thể dùng mật ong để giảm các triệu chứng ho. Giảm nghẹt mũi nên dùng dụng cụ hút mũi cho trẻ, dùng nước muối sinh lý hoặc dùng chai xịt chứa nước biển sâu để nhỏ mũi.

Trẻ dễ bệnh trong mùa mưa

Thời gian gần đây, lượng bệnh nhi đến khám điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh Vĩnh Long không ngừng tăng. Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long luôn trong tình trạng quá tải, mỗi ngày tiếp nhận điều trị ngoại trú cho khoảng 200 trẻ, trong đó có hơn 80 trẻ phải nhập viện, tăng gấp đôi so với các tháng trước đó.

Các bệnh thường gặp hiện nay ở trẻ nhỏ là nhiễm siêu vi, viêm phế quản, viêm phổi, viêm hô hấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa. Riêng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết (SXH) đang tiếp tục tăng với nhiều ca bệnh diễn tiến phức tạp.

Theo ngành y tế, bệnh SXH năm nay diễn biến rất phức tạp, đến thời điểm này Vĩnh Long ghi nhận trên 2.000 trường hợp mắc bệnh, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ổ dịch nhỏ được khống chế nhưng sau đó vẫn tái phát và điều đáng quan tâm là người dân vẫn còn chủ quan trước căn bệnh nguy hiểm này. BS.CK2 Bùi Thanh Tùng- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Bình- cho biết: “Một số người dân còn chủ quan nên mua thuốc Tây hoặc tự uống thuốc Nam điều trị.

Qua theo dõi có một số ca vào viện trễ thậm chí ngày thứ 6, thứ 7 mới đến bệnh viện nên điều trị gặp khó khăn”.

Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng và SXH, ngành y tế tỉnh khuyến cáo người dân tích cực diệt muỗi, diệt lăng quăng, giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, nhất là vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ trong trường học.

Một số biện pháp đơn giản giữ sức khỏe cho trẻ: tránh để trẻ ra mưa, ra gió sẽ làm trẻ dễ bị nhiễm lạnh, lưu ý cho trẻ ăn mặc đủ ấm; ăn chín, uống sôi; rửa tay sạch bằng xà bông sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn; làm sạch môi trường trong nhà và xung quanh nhà, không cho muỗi đốt, hạn chế tiếp xúc với trẻ đang mắc bệnh. Chích ngừa đầy đủ theo hướng dẫn của ngành y tế.

Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh. Khuyên trẻ ho, hắt xì vào cánh tay, không dùng lòng bàn tay như trước đây.

Tuyệt đối không sử dụng lại đơn thuốc cũ khi thấy trẻ có các triệu chứng gần giống với đợt bệnh lần trước. Việc sử dụng thuốc tùy ý này có thể dẫn đến trẻ sử dụng thuốc kháng sinh gây ra nhiều tác dụng phụ như: tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, dị ứng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh