Tích cực phòng chống sốt xuất huyết trong cộng đồng

08:08, 16/08/2019

Theo Bộ Y tế, nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu bước vào những tháng cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết (SXH). Muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất lợi, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và nhiều đợt mưa lớn. 

 

Theo Bộ Y tế, nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu bước vào những tháng cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết (SXH). Muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất lợi, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và nhiều đợt mưa lớn.

Tại Vĩnh Long công tác khống chế căn bệnh này cũng đang được đẩy mạnh. Theo ngành y tế, để cắt đứt nguồn lây, kéo giảm bệnh SXH thì ý thức diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh của cộng đồng đóng vai trò quan trọng.

ThS, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hà thăm khám bệnh nhi điều trị SXH Dengue.
ThS, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hà thăm khám bệnh nhi điều trị SXH Dengue.

Không chủ quan trước bệnh sốt xuất huyết

Theo Bộ Y tế, trong những tuần gần đây, số ca mắc mới SXH ghi nhận trên địa bàn cả nước từ 5.000-10.000 ca bệnh/tuần. Từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 130.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 15 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc SXH tăng hơn 3 lần và tăng nhanh tại các tỉnh- thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Tại Vĩnh Long, báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, trung bình mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận khoảng 70 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng gấp đôi so với các tháng đầu năm và nâng số ca mắc SXH đến thời điểm 11/8 có 1.468 ca, trong đó huyện Bình Tân (269 ca) và TP Vĩnh Long (264 ca) có số ca mắc nhiều nhất tỉnh.

Theo nhận định của bác sĩ điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thì bệnh SXH năm nay diễn tiến rất khó lường. Số ca SXH nặng, có sốc dẫn đến biến chứng chiếm tỷ lệ khá cao, nguyên nhân một phần là do bệnh nhân đến bệnh viện điều trị chậm trễ.

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Triều An- Loan Trâm (TP Vĩnh Long) vừa cấp cứu thành công bệnh nhi V.H.D. (10 tuổi) bị SXH Dengue nặng ngày 4 và thể trạng béo phì (nặng 47kg, cao 1m4).

Bệnh nhi được truyền dịch chống sốc theo phác đồ điều trị và theo dõi sát để xử trí kịp thời nếu bị tái sốc trong suốt quá trình điều trị. Sau 48 giờ nằm điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu nhi, bé hồi phục tốt hơn và được chuyển ra phòng bệnh thường nằm vài ngày cho ổn định rồi xuất viện.

Không chỉ có trẻ nhỏ, năm nay người lớn cũng mắc bệnh SXH với tỷ lệ khá cao, chiếm gần 1/3 số trường hợp mắc bệnh SXH, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng lưu ý là một số bệnh nhân khá chủ quan, khi cảm thấy sốt, mệt thì ra tiệm mua thuốc về uống. Đến lúc bị nặng mới vào bệnh viện cấp cứu khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Tích cực khống chế bệnh SXH trong cộng đồng

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tình trạng người lớn mắc SXH thường ít được chú ý, đặc biệt đối với bệnh nhân có bệnh lý kèm theo nên dễ gặp nguy hiểm. Vì vậy, người lớn và trẻ em khi có biểu hiện sốt kéo dài, có dấu xuất huyết trên da cần đến bệnh viện để được khám, điều trị.

Trước tình hình bệnh SXH vào mùa cao điểm, ngành y tế Vĩnh Long đang đẩy mạnh hoạt động phòng bệnh SXH trong mỗi gia đình để khống chế số ca mắc và việc ý thức diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh của cộng đồng đóng vai trò quan trọng bởi “Không lăng quăng, không muỗi, không SXH”.

Là địa bàn có đông dân cư và là điểm nóng nhiều năm liền về bệnh SXH, phường Cái Vồn được chọn làm địa phương thí điểm mô hình hộ dân cam kết “Gia đình không có lăng quăng, không có SXH”.

Theo đó, nhân viên y tế phối hợp với các ban ngành đoàn thể đến từng hộ vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng phòng chống SXH và ký cam kết không để gia đình có lăng quăng.

Nhiều biện pháp phòng chống SXH như loại bỏ nơi đẻ trứng của muỗi; thực hiện nếp sống vệ sinh; làm sạch môi trường xung quanh là những nội dung được các hộ dân trong phường cam kết với địa phương trong thực hiện.

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình, ý thức phòng bệnh SXH của người dân không ngừng được nâng lên. Mật độ muỗi, lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước quanh nhà giảm đáng kể.

Nhờ vậy, số ca mắc bệnh SXH giảm nhiều, góp phần kéo giảm tỷ lệ mắc SXH toàn thị xã. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, TX Bình Minh mới ghi nhận hơn 110 ca SXH, là địa phương có số ca mắc SXH thấp nhất tỉnh.

Là địa phương có số trường hợp mắc bệnh SXH gia tăng đột biến của tỉnh, huyện Bình Tân triển khai nhiều biện pháp khống chế căn bệnh này như phun thuốc diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh, ra quân chiến dịch diệt lăng quăng. Song, theo đánh giá của Trung tâm Y tế huyện nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền và người dân tích cực hưởng ứng, chung tay diệt muỗi lăng quăng thì địa phương đó số trường hợp mắc bệnh SXH giảm rõ rệt.

Để phòng tránh không bị bệnh SXH, theo ThS, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người dân cần diệt muỗi và không để muỗi chích bằng các biện pháp như dùng bình xịt muỗi, nhang muỗi; bôi kem chống muỗi; ngủ mùng kể cả ban ngày.

Diệt lăng quăng và không để muỗi sinh sản: súc rửa hồ, phuy, lu, xô chứa nước, trước khi thay nước mới, đậy kín nắp lu, hồ, phuy khi không sử dụng,… Ngoài ra, người có triệu chứng sốt nên đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời.

Theo ThS, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hà (Khoa Nhi- BVĐK Triều An- Loan Trâm), khi bé bị sốt cao liên tục hãy đưa bé đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán phát hiện sớm nhất có thể về bệnh lý SXH do vi rút Dengue, như vậy việc điều trị và theo dõi bệnh cũng phù hợp hơn. Các phụ huynh nên cho bé bị bệnh SXH mà kèm theo dấu hiệu đau bụng hoặc nôn ói nhập viện ngay, chậm nhất là vào ngày thứ 3 của bệnh, bởi vì từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh bé có khả năng bị trụy mạch do thất thoát huyết tương nhiều. Nếu rơi vào trường hợp trụy mạch không phát hiện kịp thời để dẫn đến sốc sâu, sốc nặng sẽ khó khăn hơn trong quá trình điều trị cũng như tiên lượng tăng nguy cơ tử vong.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh