Gần 200 người đã tham gia Chương trình khám và tư vấn miễn phí về bệnh lý sỏi tiết niệu và u tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ngày 10/8.
Gần 200 người đã tham gia Chương trình khám và tư vấn miễn phí về bệnh lý sỏi tiết niệu và u tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ngày 10/8.
Một ca siêu âm các bệnh lý sỏi tiết niệu, u tuyến tiền liệt theo chương rình khám miễn phí tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Tại đây, người dân đã được khám và tư vấn miễn phí cùng các chuyên gia hàng đầu về tiết niệu nhằm phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời các bệnh lý như: Sỏi niệu quản - bàng quang; Sỏi thận đơn thuần và sỏi san hô phức tạp; U phì đại lành tính tuyến tiền liệt; Ung thư tuyến tiền liệt…
PGS, TS Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện trung bình mỗi ngày, Khoa Tiết niệu khám 50 bệnh nhân, trong đó khoảng 40-50% bệnh nhân về sỏi. Sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và niệu đạo) là bệnh lý phổ biến. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng khó lường như: Nhiễm khuẩn tiết niệu; Viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; Giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; Suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn…
Theo Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, sỏi tiết niệu chiếm 45 - 50% các bệnh tiết niệu ở Việt Nam. Tỷ lệ nam (60%) cao hơn nữ (40%), lứa tuổi thường gặp từ 30-60 tuổi là 75 - 80%. Nguyên nhân hình thành sỏi gồm: Rối loạn chuyển hóa gây tăng calci máu và calci niệu; thay đổi pH nước tiểu (bình thường pH: 5,6 - 6,3); dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh hoặc hẹp đường tiết niệu mắc phải gây ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện thuận lợi hình thành nên sỏi. Đa số các trường hợp sỏi calci không rõ nguyên nhân, một số tăng calci do chế độ ăn uống, bệnh lý như mất nước, nằm bất động lâu, tăng calci niệu gây sỏi hoặc do cường tuyến cận giáp gây tăng calci, hạ phospho.
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp như: Đau âm ỉ thắt lưng khi sỏi đài thận hoặc sỏi san hô chưa gây tắc nghẽn. Đôi khi bệnh nhân không có triệu chứng được phát hiện sỏi thận khi khám sức khỏe định kỳ hay do tăng huyết áp.
Cơn đau quặn thận điển hình khi sỏi gây tắc nghẽn bể thận niệu quản. Cơn đau lan xuống hố chậu, bìu kèm theo nôn và bụng chướng. Đái ra máu do sỏi di chuyển khi vận động hay do nhiễm khuẩn gây tổn thương niêm mạc đài bể thận chảy máu.
Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu: Bệnh nhân sốt cao 38o - 39oC, thận to đau, đi tiểu đục và đôi khi gặp tình trạng sốc nhiễm trùng vã mồ hôi, nổi vân tím toàn thân và tụt huyết áp...
PGS.TS Đỗ Trường Thành khuyến cáo, khi có những triệu chứng về bệnh lý tiết niệu cần đi khám sớm, đặc biệt là khi có sỏi tiết niệu. Khi sỏi to lên, điều trị khó khăn hơn, tỷ lệ tái phát nhiều hơn, làm tổn thương thận. “Có nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi khi sỏi đã ken kín trong thận, làm xơ hóa thận. Nếu lấy hết sỏi ra thì sẽ nát thận, chỉ còn cách thay thận”.
Theo Bích Thủy (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin