Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những chiến lược toàn cầu về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra và là điều quan trọng nhất, mà các bà mẹ cần làm cho con mình. Ít nhất là 6 tháng đầu đời, trẻ được bú mẹ hoàn toàn. Đó là nền tảng cho sự phát triển sau này của trẻ.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những chiến lược toàn cầu về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra và là điều quan trọng nhất, mà các bà mẹ cần làm cho con mình. Ít nhất là 6 tháng đầu đời, trẻ được bú mẹ hoàn toàn. Đó là nền tảng cho sự phát triển sau này của trẻ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. |
Tại ngày hội tư vấn “Hưởng ứng Tuần lễ thế giới ủng hộ nuôi con bằng sữa mẹ” ngày 5/8/2019, các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và cần thiết cho trẻ khi mới ra đời.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Trẻ cần được bú sữa non, bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ.
Hiểu được sự quý giá của sữa mẹ, nhiều "mẹ sữa" động viên nhau cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ, thậm chí sẻ chia những giọt sữa yêu thương của con mình cho trẻ khác. Không ít những em bé mới sinh dị ứng sữa ngoài, sinh non, mồ côi, mẹ đẻ mổ, mẹ ít sữa… đã bú những giọt sữa từ những người mẹ xa lạ.
"Mẹ sữa" trẻ Lâm Kim Thoa (xã Phước Hậu- Long Hồ) đã có một hành trình nuôi bé Xoài bằng sữa mẹ gian nan. Thoa chia sẻ, sinh bé Xoài bằng phương pháp mổ, con thì cứ khóc vì khát sữa, mẹ thì do cơ địa bị phản ứng với thuốc gây tê kịch kiệt (mẹ ói, chóng mặt, đau vết mổ, sốt, rung...).
Ông bà, cô bác thấy vậy liền pha sữa công thức để cho Xoài bú. Vậy là mẹ Xoài khóc, cắn răng chịu đau và nhắm mắt lại cho đỡ chóng mặt để ôm con cho bú.
Quyết tâm và kiên trì nuôi con bằng sữa mẹ, khi ra viện, vừa về đến nhà Thoa lấy máy ra hút kích sữa đúng phương pháp hơn, nhưng sữa mẹ hút ra không đủ tráng đáy bình sữa. Sữa lúc đó ít nên Xoài bú vặt và hay khóc cứ 5- 10 phút lại bú 1 lần.
Người trong gia đình khuyên Thoa nên cho Xoài bú sữa công thức nhưng Thoa vẫn cứ kiên trì hút kích sữa. "Ngoài ra, em uống nước gạo lứt rang; ăn uống đủ chất và quan trọng nhất là chồng em tích cực ủng hộ, động viên, san sẻ việc nhà, dành chăm và chơi với con để em có thời gian nghỉ ngơi, nhờ vậy sữa mẹ về tràn trề luôn"- Thoa chia sẻ.
Không chỉ đủ sữa cho con gái nhỏ Xoài bú, mẹ Thoa còn nuôi song song một bé sơ sinh bị mẹ bỏ ở quê đến 6 tháng. Thoa mua tủ trữ đông và chỉ để trữ sữa mẹ. Giờ đây, bé Xoài được 18 tháng vẫn ngày ngày tu ti bình sữa mẹ ngon lành. Thoa chia sẻ: "Em sẽ cố gắng cho Xoài bú sữa mẹ càng lâu càng tốt. Nhờ sữa mẹ, đề kháng của Xoài khá tốt, ít bệnh vặt".
Còn chị Phạm Hạ Nghi cho biết, do thai kỳ chị bị tiền sản giật, phải mổ em bé ra sớm lúc 36 tuần. Lúc đầu chị không đủ sữa, bé phải dặm thêm bình. Song, chị vẫn cố gắng để làm sao có sữa cho con, luôn nghĩ trong đầu mình “đủ sữa, đủ sữa”.
Ngày chị uống trên 4 lít nước nào là trà vằng, sữa tươi không đường, sữa đậu đen, nước gạo lứt rang, trà hoa cúc, nước ấm và ăn uống đủ chất. Song, đến khi đi làm, áp lực công việc, thường xuyên đi công tác nên lịch hút sữa của chị bị gián đoạn, dẫn đến việc bị "hụt sữa".
"Rất may, bạn chị gần nhà cũng sanh em bé nên ngày nào bé Carrot cũng được tặng gần nửa lít sữa mẹ. Nhờ sữa mẹ và sữa mẹ tặng, Carrot bú sữa mẹ được tròn 20 tháng nên sức đề kháng của Carrot rất khá, đặc biệt là đường tiêu hóa tốt".
Chị Nguyễn Thanh Loan (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết trong lần sinh con đầu tiên, chị là một trong những bà mẹ rơi vào tình cảnh không có sữa cho con bú.
Lần sinh con mới đây, nỗi lo lắng nhất trong suốt thời kỳ mang thai của chị chính là về tình trạng không có sữa. Song, rút kinh nghiệm lần đầu, sau khi sinh con, chị chịu khó hút kích sữa thường xuyên, sữa mẹ cho em bé không chỉ đủ mà còn dư rất nhiều.
"Tôi mua riêng tủ lạnh trữ đông và chỉ để sữa mẹ. Ngày giờ hút tôi ghi rõ ràng trên túi nên ngoài cho con ti trực tiếp, mỗi ngày tôi rã đông thêm 2 túi sữa cho con ti bình. Sữa nhiều, tôi chia sẻ với các "mẹ sữa" đồng nghiệp để cùng nuôi con bằng sữa mẹ".
Theo TS. BS.Trần Thị Minh Hạnh, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Khoa Dinh dưỡng-Tiết chế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, sữa mẹ là thức ăn phù hợp nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng có thể nuôi con bằng sữa mẹ.
“Trẻ bú sữa mẹ sẽ không an toàn trong các trường hợp sau: mẹ có HIV dương tính, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, bệnh lao tiến triển, mẹ có sang thương vú với virus Herpes simplex, đang điều trị một số thuốc gây nghiện, hóa trị ung thư, một số loại kháng sinh, nghiện rượu…”, BS Minh Hạnh cảnh báo.
Việc cho bé bú sữa của bà mẹ khác sẽ an toàn nếu biết rõ về tình trạng sức khỏe của các bà mẹ ấy, thuốc các mẹ đang dùng cũng như thói quen sinh hoạt… Hơn nữa, sữa mẹ dù an toàn (theo ý kiến bác sĩ), nhưng lại không thể đảm bảo quá trình vắt, bảo quản và lưu trữ.
BS Minh Hạnh khuyên các bà mẹ cần rửa tay và dùng dụng cụ hút sữa thật sạch trước khi vắt sữa. Sữa sau khi hút ra phải được đựng trong chai lọ sạch, đậy kín nắp; túi chuyên trữ sữa; dán nhãn ghi thời gian lấy sữa và bảo quản ngay ở ngăn mát tủ lạnh (nếu dùng ngay trong ngày) hoặc ngăn đông (nếu để lâu hơn).
BS CK2 Nguyễn Thị Từ Anh (Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ) cho biết: “Dặm sữa công thức vào những ngày đầu sau sinh khiến cho trẻ từ chối sữa mẹ vì có vẻ sữa công thức sẽ có vị ngon hơn và điều này hạn chế khả năng tiết sữa của người mẹ.”
Vậy nên, nếu muốn tạo được nhiều sữa, bà mẹ cần cho con bú sớm ngay sau khi sinh, cho trẻ bú nhiều lần, bú đúng cách để kích thích phản xạ tiết sữa, nên cho trẻ bú nhiều vào ban đêm cũng là một cách để tăng cường sự tạo sữa. Nếu bà mẹ phải đi làm, không có điều kiện cho con bú thường xuyên thì bà mẹ phải vắt sữa thường xuyên để kích thích vú tạo sữa. |
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin