Thuốc hạ sốt rất dễ mua tại các nhà thuốc, song, các phụ huynh cần hiểu đúng việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ là cách tốt nhất giúp trẻ mau lành bệnh và đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Thuốc hạ sốt rất dễ mua tại các nhà thuốc, song, các phụ huynh cần hiểu đúng việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ là cách tốt nhất giúp trẻ mau lành bệnh và đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Khi con sốt, ho, cha mẹ cần đưa con đến bác sĩ chuyên khoa khám và dùng thuốc theo đơn. |
Đừng tùy tiện dùng thuốc hạ sốt
Vừa qua, tại tỉnh Phú Thọ xảy ra trường hợp một bé trai 27 tháng tuổi bị ngộ độc nặng, hỏng gan do uống thuốc hạ sốt Paracetamol quá liều. Trước đó, người nhà đã cho bé uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg với liều lượng 4 viên/ngày khi bé sốt cao.
Theo Trung tâm Sản nhi (Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ), cách đây 1 năm cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 3 tuổi tử vong do ngộ độc Paracetamol.
Theo các bác sĩ, Paracetamol là thuốc phổ biến, dễ mua và có nhiều hình thức bào chế nên dễ nhầm lẫn khi sử dụng. Việc dùng quá liều sẽ gây biến chứng ở gan và ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Vụ việc khiến nhiều người không khỏi xót xa và bất ngờ, bởi thực tế, thuốc giảm đau, hạ sốt rất phổ biến, không phải kê đơn, là loại thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình, nhất là khi có trẻ nhỏ.
Chị Lưu Thị Thanh Tâm (Phường 3- TP Vĩnh Long) có 3 con nhỏ và cho biết lúc nào trong nhà cũng “thủ sẵn thuốc hạ sốt viên và thuốc gói, thấy người lớn hay con hầm hầm là cho uống hạ sốt liền.
Cho con uống thuốc sớm để con đỡ bứt rứt, khó chịu. Nếu con sốt uống thuốc 1- 2 ngày không hạ, tôi mới cho con khám bác sĩ”- chị Tâm nói.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh: Thuốc hạ sốt an toàn là Paracetamol hoặc Acetaminophen, thường có tên biệt dược là Hapacol, Efferalgan... Liều thông thường là 10- 15 mg/kg cân nặng của trẻ cho mỗi lần uống. 2 lần uống thuốc phải cách nhau ít nhất 6 giờ. Phụ huynh cần đọc kỹ hướng dẫn liều lượng sử dụng ghi trên hộp thuốc. Tuy nhiên, với trẻ dưới 2 tuổi, nên dùng thuốc hạ sốt theo liều chỉ định của bác sĩ. |
Còn chị Phan Ánh Dương (xã Hòa Phú- Long Hồ) cho biết: “Con gái 3 tuổi khoái vị ngọt của “nước cam”, mỗi lần con sốt chị dụ con uống thuốc nói thuốc hạ sốt là nước cam, bé khoái lắm.
Hễ tự sờ trán thấy hơi sốt là con bé đòi mẹ cho uống nước cam hà. Chị chiều luôn, chứ cũng không để ý hướng dẫn uống liều lượng ra sao vì nghĩ thuốc chỉ giúp hạ sốt thôi mà”.
Thói quen của nhiều người là hễ có người nhà và trẻ nhỏ bị sốt là mua thuốc hạ sốt về uống và không ít người không quan tâm là thuốc hiệu gì.
Thậm chí, một số bậc cha mẹ khi đưa con đi tiêm ngừa về thấy chưa sốt cũng cho uống trước để phòng ngừa. Rồi vì muốn trẻ nhanh khỏi bệnh đã tự ý tăng liều hoặc cứ nghĩ rằng người lớn uống 1 viên thì trẻ em uống 1/2 viên là được.
Theo các bác sĩ, thuốc hạ sốt cho trẻ thường tồn tại dưới 4 dạng: viên, siro (nước), gói (bột), viên đạn (nhét hậu môn).
Trong đó, thuốc hạ sốt dạng uống dễ hấp thu và dễ dàng tính liều lượng hơn so với dạng nhét hậu môn. Tình trạng trẻ dùng quá liều thuốc hạ sốt Paracetamol gây ngộ độc rất nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng.
Sốt bao nhiêu độ cần thuốc hạ sốt?
TS. bác sĩ Lê Hoàng Sơn- Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Triều An- Loan Trâm cho rằng: “Muốn xác định được sốt thì điều cơ bản phải cập nhiệt độ xem chứ không phải đưa tay sờ đầu con hầm hầm là cho con uống liều hạ sốt.”
Đồng thời, khi con sốt, cha mẹ cần phải đưa con đến bác sĩ chuyên khoa và dùng thuốc theo đơn, đúng liều lượng và đúng hướng dẫn, không được tự ý cho bé dùng thuốc dù loại thuốc hạ sốt thông thường hay bất kỳ thuốc điều trị nào.
Theo các bác sĩ, trẻ em rất hay bị sốt nhưng không phải tất cả đều là bệnh nặng gây nguy hiểm. Đôi khi, đó là một dấu hiệu tốt.
Bởi về mặt y học, sốt giúp chống lại sự nhiễm trùng bằng cách khởi động hệ miễn dịch của cơ thể. Vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng, chỉ cần xác định rõ căn nguyên để chăm sóc trẻ đúng cách và hiệu quả.
Khi trẻ sốt, trước tiên, cho trẻ nằm chỗ thoáng mát, chỉ cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng bằng vải cotton để cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt.
Trường hợp sốt nhẹ, hãy cho trẻ nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi, cho uống nhiều nước (sữa, nước lọc, nước trái cây, nước canh…) và ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Chỉ cho trẻ uống/nhét thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 38,5 độ C trở lên.
Từ 37,5 - 38,4 độ C là mức độ sốt nhẹ, an toàn với trẻ nên có thể lau mát giúp bé hạ nhiệt, đỡ khó chịu hơn. Riêng trẻ có tiền sử co giật có thể uống thuốc hạ sốt khi thân nhiệt 38 độ C.
Đối với những trường hợp trẻ uống thuốc hạ sốt mà không đỡ, có thể trẻ mắc bệnh khác, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám kịp thời.
Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay trong các trường hợp “báo động”: trẻ dưới 3 tháng tuổi, ngay cả khi trông có vẻ khỏe và sốt không cao; trẻ 3- 36 tháng tuổi có một trong các biểu hiện: sốt trên 38 độ C, sốt hơn 3 ngày hoặc có vẻ không khỏe (quấy khóc, lừ đừ, không chịu uống…); trẻ ở bất kỳ tuổi nào có một trong các biểu hiện: sốt trên 40 độ C, kéo dài 7 ngày (dù không sốt nhiều mỗi ngày), có sẵn một bệnh lý mạn tính, phát ban, dấu hiệu nặng (không uống được, nôn tất cả mọi thứ, co giật hay li bì khó đánh thức) hoặc có triệu chứng ở cơ quan, bộ phận nào đó (ho nhiều, khó thở, đau tai, đau bụng). |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin