Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp với 11 ca tử vong. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 96.000 ca mắc SXH. Đây là bệnh nếu không điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như sốc SXH, rối loạn đông máu, tổn thương gan... thậm chí là tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp với 11 ca tử vong. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 96.000 ca mắc SXH. Đây là bệnh nếu không điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như sốc SXH, rối loạn đông máu, tổn thương gan... thậm chí là tử vong.
Trạm Y tế xã Tân Thành (Bình Tân) tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Ảnh: PHẠM THẾ CƯỜNG (Bình Tân) |
Nhận diện SXH
SXH là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành.
Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, giường hoặc hốc tủ... Muỗi chích hút máu người cả ngày lẫn đêm.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch SXH, trong các tuần gần đây số mắc tăng nhanh tại các tỉnh- thành: Đăk Lăk, Đăk Nông, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long...
Nguyên nhân chính được cho là do thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, nghĩa trang… là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và lăng quăng phát triển, truyền bệnh, khó kiểm soát triệt để.
Tính đến nay, Vĩnh Long có hơn 1.100 ca mắc SXH, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Tại Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, mỗi ngày tiếp nhận thăm khám và điều trị khoảng 16 bệnh nhi mắc SXH. Đa số trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 5- 10 tuổi.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh SXH giống các bệnh sốt siêu vi thông thường nên phụ huynh rất khó nhận biết khiến không ít người chủ quan, nghĩ rằng đó là cảm cúm thông thường.
Đặc biệt, vào mùa mưa bên cạnh bệnh SXH thì vẫn còn nhiều bệnh gây sốt như viêm hô hấp; viêm mũi họng; cảm, viêm những bộ phận khác trong cơ thể vẫn gây sốt…
Chính vì vậy, khi bị sốt người dân không nghĩ ngay đến SXH, mà tìm cách hạ sốt bằng thuốc trước.
Chăm cháu đang nằm viện, bà Đào Thị Hồng (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) cho biết: “Ở nhà cháu sốt, tui ẵm lại bác sĩ “gần nhà” khám, bác sĩ đo độ nói 39,5 độ, cho thuốc uống hạ sốt. Uống 3 ngày mà sốt cứ tái đi lại hoài, tui ẵm khám tiếp, thì bác sĩ khuyên qua bệnh viện thử máu. Hôm bữa vô đây khám rồi nhập viện điều trị luôn”.
Theo BS.CK2 Võ Thị Thu Hương- Trưởng Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mới vào mùa mưa nhưng tỷ lệ bệnh nhi nhập viện, điều trị SXH tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tình trạng bệnh nhi bị sốc nhiều và diễn biến phức tạp hơn; có những trường hợp bị tăng men gan, rối loạn chuyển hóa, có hạ đường huyết hoặc rối loạn điện giải.
Cách theo dõi và điều trị SXH
Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc SXH nhưng do không phát hiện sớm nên dễ rơi vào biến chứng nguy hiểm. Bệnh diễn tiến nặng sau khi hết sốt, khiến bệnh nhân chủ quan thường là ngày thứ 4 sau khi phát bệnh.
Ngoài ra, đối với trẻ béo phì hoặc người lớn thừa cân khi mắc SXH thường diễn tiến nặng hơn. Vì vậy, điều quan trọng là phải chẩn đoán bệnh SXH sớm, có biện pháp theo dõi và điều trị kịp thời.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ SXH, gia đình cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, SXH sẽ sốt cao liên tục 3- 4 ngày nên đôi khi hạ sốt bằng thuốc Paracetamol chỉ giảm sốt phần nào, sau đó sẽ sốt lại. Tâm lý phụ huynh thường sẽ rất lo lắng, cố gắng cho con uống nhiều lần Paracetamol hơn hoặc dùng thuốc khác hạ sốt như Ibuprofen.
Việc dùng quá liều thuốc Paracetamol sẽ làm tổn thương gan, dùng Ibuprofen sẽ khiến trẻ dễ bị xuất huyết tiêu hóa. Tuyệt đối không cho người bệnh sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, vì SXH do vi rút Dengue gây bệnh, không phải vi khuẩn nên kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng.
Ngoài ra, do SXH trẻ dễ bị ói, hạn chế không cho trẻ ăn các thức ăn thức uống có màu đỏ, nâu, đen. Khi trẻ ói, không thể phân biệt đó là dịch lẫn màu thực phẩm hay trẻ có xuất huyết tiêu hóa, ảnh hưởng đến việc theo dõi bệnh. Nhiều phụ huynh không cho con tắm vì nghĩ tắm sẽ khiến trẻ bệnh nặng hơn.
Thực tế, vẫn nên cho trẻ tắm nước ấm để giữ vệ sinh thân thể. Đồng thời, trong giai đoạn sốt, tắm nước ấm cũng là cách hạ sốt không dùng thuốc.
Các bác sĩ lưu ý, các ngày nguy hiểm của SXH là ngày thứ 3- 4- 5 của bệnh. Giai đoạn này trẻ thường hết sốt, nhưng mệt hơn, ói, đau bụng hoặc có xuất huyết kín đáo. Đôi khi người nhà thấy trẻ hết sốt nên không đi khám bệnh, dẫn đến tình trạng nhập viện trễ, bệnh nặng.
Muỗi gây bệnh SXH thường chích lúc trời còn sáng. Nhưng đôi khi phụ huynh chỉ mắc màn cho trẻ ngủ buổi tối, ban ngày thì lại không cho nên muỗi SXH vẫn chích và gây bệnh.
Phụ huynh đôi khi nghĩ rằng con mình đã bị SXH rồi sẽ không bị lại. Thực tế, SXH hiện tại có 4 type vi rút Dengue gây bệnh, nên trẻ vẫn có thể bị SXH trở lại khi nhiễm type vi rút khác lần đầu.
Để chủ động phòng chống, không cho dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH năm 2019 ngày 19/7/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị lãnh đạo các tỉnh- thành chỉ đạo duy trì diệt lăng quăng 1 tuần/lần tại các vùng có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.
Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong do SXH, tránh tình trạng bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế quá tải bệnh viện.
Các chuyên gia y tế cho biết muỗi truyền bệnh SXH là muỗi “quý tộc” thường đẻ ở nơi nước sạch như: các dụng cụ chứa nước sinh hoạt trong nhà, lọ hoa, khay nước điều hòa, tủ lạnh và các dụng cụ linh tinh khác như vỏ xe, vỏ dừa, chai lọ,... có chứa nước mưa, mà không đẻ trứng ở vũng nước, mương nước. Vì vậy, để phòng bệnh SXH cần chú ý diệt lăng quăng ở những dụng cụ chứa nước kể trên. Đặc điểm của muỗi là hay hoạt động mạnh vào lúc sáng sớm và chạng vạng tối hoặc cả ngày nếu như trong môi trường ánh sáng yếu (các góc nhà tối). |
THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin