Sốt xuất huyết- biết để xử lý đúng

05:06, 14/06/2019

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi chưa có vắc xin ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt đối với trẻ em, nếu bị sốt xuất huyết sẽ dễ xảy ra những biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi chưa có vắc xin ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt đối với trẻ em, nếu bị sốt xuất huyết sẽ dễ xảy ra những biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Thu Hương- Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long thăm khám bệnh nhi mắc sốt xuất huyết.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Thu Hương- Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long thăm khám bệnh nhi mắc sốt xuất huyết.

Trước nguy cơ gia tăng bệnh sốt xuất huyết do mưa nhiều, muỗi vằn có điều kiện phát triển gây bệnh, ngành y tế Vĩnh Long đang đẩy mạnh nhiều biện pháp truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về các biện pháp phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

Sốt xuất huyết- không được chủ quan

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước ghi nhận hơn 67.000 ca và sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng cục bộ tại một số tỉnh- thành. Tại Vĩnh Long, tỉnh ghi nhận trên 700 ca sốt xuất huyết, tăng gần 400 ca so cùng kỳ năm trước.

Tuy chưa ghi nhận các biến chứng nặng nhưng bệnh có nguy cơ gia tăng và nếu chủ quan sẽ khó kiểm soát bởi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Bé Nguyễn Thị Cẩm T. (5 tuổi, xã Phước Hậu- Long Hồ) đang nằm điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Mẹ bé cho biết: “Con tôi nằm điều trị 4 ngày nay rồi, đêm hôm qua sốt cao, khó thở. Nhìn con lừ đừ, mỏi mệt trên giường bệnh tui sốt ruột quá chừng. Bác sĩ khám nói con bị sốt xuất huyết kèm viêm hô hấp nên bé ho khò khè, dặn theo dõi kỹ.

Chị bé 12 tuổi cũng bị bệnh trước đó nhưng nhẹ hơn”. Phòng kế bên, bé Phan Huỳnh Gia H. (5 tuổi, xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) nằm ngoan, há miệng cho bác sĩ thăm khám.

Trông bé có vẻ linh hoạt và tươi tỉnh hơn. Mẹ bé- chị Thảo- xuýt xoa: “Chiều nay khỏe, mừng rồi, chứ 1 ngày trước nhập viện sốt cao 39-40 độ không hà. Người thì nóng ran nhưng trong thì lạnh run cầm cập. Chị phải quấn mềm, ôm cho con bớt lạnh”.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Thu Hương- Trưởng Khoa Nhi, để phát hiện bệnh sốt xuất huyết sớm, các bậc phụ huynh chú ý trẻ sốt 3-7 ngày mà có những biểu hiện mệt mỏi lừ đừ, biếng ăn biếng chơi hay có dấu hiệu nôn ói nhiều, đau bụng hay vật vã, bứt rứt, phụ huynh nên đưa ngay đến trung tâm y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, phụ huynh chú ý đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ theo độ tuổi, ngủ đủ giấc.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố có 20.758 ca sốt xuất huyết.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết tử vong là do chủ quan, tự điều trị tại nhà, đến bệnh viện trễ vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh.

Lúc này, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng quá nặng nên các bác sĩ khó có thể cứu sống được. Những trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng với điều kiện là phải đến bác sĩ khám và được tư vấn cách điều trị, chứ không thể tự ý điều trị tại nhà.

Sốt xuất huyết- Biết để xử lý đúng

Theo BS Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh), sốt xuất huyết là bệnh lây qua trung gian muỗi vằn, do vi rút Dengue gây ra.

Trong đó, việc theo dõi quá trình sốt của bệnh nhi là vô cùng quan trọng, để nhận biết những dấu hiệu đặc biệt để phát hiện bệnh kịp thời, phân biệt với những loại sốt khác (sốt siêu vi, sốt phát ban, sốt viêm màng não), nhằm đưa ra những hướng xử trí đúng nhất.

Hai bệnh sốt siêu vi và sốt phát ban đều có triệu chứng nổi ban đỏ giống bệnh sốt xuất huyết. Do vậy, có một cách phân biệt, đó là sau 2 ngày bệnh nhi bị bệnh, có thể dùng ngón tay cái và ngón trỏ tì lên mặt da, căng vùng da tại chỗ có nốt phát ban.

Nếu thấy chấm đỏ đó mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay là sốt phát ban, còn nếu vẫn thấy chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ lại xuất hiện, đó là sốt xuất huyết.

Triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao 39- 40 độ C, mệt mỏi, đau đầu vùng thái dương, mỏi các cơ, khớp, nôn mửa và ở trẻ em có thể kèm đau bụng, rát họng. Sau đó, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da.

Những ngày này, khu vực phía Nam có những cơn mưa xen kẽ những ngày nắng, báo hiệu mùa mưa bắt đầu.

Để chủ động kiềm hãm số ca mắc bệnh sốt xuất huyết khi mùa mưa đến, ngành y tế Vĩnh Long đẩy mạnh nhiều biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về các biện pháp phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp cùng y tế địa phương đến tận hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng.

Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức và nắm rõ các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền.

Đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt.

Người dân cần dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, xóa môi trường sinh sản của muỗi, góp phần hạn chế bệnh phát sinh, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo chuyên gia y tế, sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người. Song, nếu một con muỗi đốt người sốt xuất huyết, nó có thể làm lây lan bệnh khi đốt những người khác. Vì vậy, việc diệt muỗi không chỉ để phòng bệnh sốt xuất huyết mà còn tránh lây lan, nhất là khi trong nhà đang có người mắc bệnh này.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh