Lưu ý khi dùng nước thanh nhiệt từ cây cỏ

12:06, 10/06/2019

Vào những ngày hè, nhu cầu về nước uống của cơ thể là rất lớn.

Vào những ngày hè, nhu cầu về nước uống của cơ thể là rất lớn.

Thật khó có thể kể hết các loại nước giải khát mang tính công nghiệp trên thị trường hiện nay, nhưng xu hướng lựa chọn và tự chế biến nước uống giải nhiệt từ những cây cỏ theo kinh nghiệm dân gian lại được ưa chuộng

Các loại nước như nước trà xanh, nước nụ hoặc lá vối, nước nhân trần, nước la hán, nước chó đẻ răng cưa, nước rau má, nước chè vằng, nước mía, nước cỏ ngọt, nước râu ngô, nước cúc hoa, nước hoa hòe, nước quả dứa dại, nước mạch môn, nước đậu đen sao cháy, nước khổ qua, nước bí đao... là thức uống bổ dưỡng trong mùa hè, rất tốt với những người có thể chất “thiên nhiệt”.

Hoa cúc tươi nấu nước uống hoặc phơi sấy khô, nên bảo quản cẩn thận.
Hoa cúc tươi nấu nước uống hoặc phơi sấy khô, nên bảo quản cẩn thận.

Người ta có thể dùng độc vị hoặc có thể dùng một vài vị phối hợp với nhau để tạo nên những thứ nước giải khát thơm ngon, dễ uống và làm tăng hiệu quả thanh nhiệt, giải độc, mát gan như hoa hòe với cúc hoa, đậu đen với mạch môn, nụ vối với la hán, râu ngô với quả dứa dại..., thậm chí có thể phối hợp khá nhiều vị với nhau để tạo nên các loại trà tam bảo, ngũ bảo, bát bảo rất hấp dẫn.

Theo quan niệm của y học cổ truyền, “nhiệt” là một trong những nguyên nhân gây bệnh thường gặp, nhiệt nặng hơn được gọi là “hỏa”.

Nhiệt được tạo nên từ nhiều nguồn: từ ngoài là do ngoại tà xâm nhập bên trong cơ thể mà hóa sinh, đặc biệt là hai nhân tố thử và thấp thường gặp vào mùa hè. Tính chất của nhiệt là nóng bức, dễ gây hao tổn tân dịch và hình thể.

Tùy theo vị trí tác động mà nhiệt tạo nên các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau: nhiệt tích ở da (bì phu) gây mụn nhọt, lở loét; nhiệt tích ở đường hô hấp (phế tạng) gây đau họng, viêm khí phế quản, viêm phổi..., nhiệt tích ở  đường tiêu hóa (tỳ, vị, đại tràng) gây tưa lưỡi, loét miệng, viêm dạ dày, loét hành tá tràng, táo bón, trĩ hạ...

Theo nghiên cứu hiện đại, các cây cỏ này đều có tác dụng giải nhiệt, kháng khuẩn, tiêu viêm ở các mức độ khác nhau.

Mỗi loại có các tác dụng riêng biệt như nước hoa cúc làm hạ huyết áp, nước hoa hòe làm bền vững thành mạch máu, nước rau ngô và dứa dại lợi tiểu và làm tan sỏi đường tiết niệu, nước mạch môn, rau má và đậu đen bảo hộ tế bào gan, nước nụ vối kích thích tiêu hóa...

Tuy nhiên, dù là thực phẩm đi nữa khi sử dụng các loại nước giải khát, thanh nhiệt này cũng cần phải chú ý một số vấn đề sau đây:

Trước hết, liều lượng cần vừa phải, tránh lạm dụng quá mức, đặc biệt đối với trẻ em, người già và những người tỳ vị hư yếu dễ bị lạnh bụng, đi lỏng. Nếu có dùng cam thảo để tạo nên vị ngọt, dễ uống thì tuyệt đối không dùng quá nhiều, thông thường mỗi ấm trà chỉ cho vài ba lát là được.

Sau những bữa ăn có nhiều đồ sống lạnh thì nên giảm lượng cấc loại nước uống này để tránh gây rối loạn tiêu hóa.

Khi chọn mua các cây cỏ này ở dạng khô thì phải tránh thứ bị ẩm mốc và đã để quá lâu. Tốt nhất là nên mua đồ tươi về nấu nước uống hoặc phơi sấy khô, bảo quản cẩn thận để dùng dần.

Không nên uống các loại nước này quá nhiều vào buổi tối.

Theo BS. Thanh Hà/Sức khỏe & Đời sống

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh