Phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ

01:05, 03/05/2019

Nếu phụ nữ đi khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh như ung thư cổ tử cung và những viêm nhiễm khác từ giai đoạn đầu. Phát hiện, điều trị sớm sẽ đem lại kết quả tốt hơn, cũng như bảo đảm cho sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc gia đình.

Nếu phụ nữ đi khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh như ung thư cổ tử cung và những viêm nhiễm khác từ giai đoạn đầu. Phát hiện, điều trị sớm sẽ đem lại kết quả tốt hơn, cũng như bảo đảm cho sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc gia đình.

Để tầm soát hiệu quả các bệnh phụ khoa, chị em nên khám phụ khoa mỗi 6 tháng một lần.
Để tầm soát hiệu quả các bệnh phụ khoa, chị em nên khám phụ khoa mỗi 6 tháng một lần.

Không chủ quan trước bệnh viêm nhiễm phụ khoa

Viêm nhiễm phụ khoa là bệnh lý rất nhiều phụ nữ mắc phải. Theo thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Hội LHPN Việt Nam), năm 2009, cứ trong 4 phụ nữ Việt Nam thì có đến 3 chị em sẽ bị viêm âm đạo ít nhất 1 lần trong đời và tỷ lệ tái phát là 45%.

Chị T.T.H. (30 tuổi) thấy dịch âm đạo có màu trắng đục, có mùi tanh nên đi khám, được bác sĩ khám, xét nghiệm thì biết bị viêm âm đạo do vi trùng.

Chị ngại ngùng: “Tui giữ vệ sinh kỹ lắm, đi vệ sinh xong là tui lau khăn vùng kín liền hà, không để cho bị ẩm”. BS CKI Lưu Thị Trâm Anh (BVĐK Triều An- Loan Trâm) giải thích: “Cái khăn ấy chính là nguyên nhân khiến chị bị bệnh. Khăn sạch được dùng nhiều lần sẽ thành khăn bẩn, khiến vi trùng sinh sôi”.

Em N.T.C.T (23 tuổi) bị nóng rát âm đạo, dịch âm đạo có màu trắng như sữa chua, có mùi tanh khó chịu. Nhận kết quả xét nghiệm bị viêm âm đạo do nhiễm nấm, chị lo lắng.

Nguyên nhân do chị không vệ sinh kỹ, đi tiểu không thấm khô bằng giấy sạch, thay quần lót ngày 1 lần, “vùng kín” luôn ẩm ướt làm âm đạo bị viêm nhiễm.

Còn em V.T.V. là công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ) đến khám vì triệu chứng ngứa vùng kín, huyết trắng nhiều và đi tiểu buốt ở vùng niệu đạo. Qua xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán em V. bị nhiễm nấm.

Không chỉ nhiễm nấm phụ khoa thông thường mà ăn sâu vào niệu đạo gây viêm nhiễm niệu đạo. V. tâm sự: “Em mua băng vệ sinh, giấy vệ sinh giá rẻ bán ở chợ công nhân về xài một thời gian thì bị ngứa rát. Em ít uống nước để hạn chế đi vệ sinh. Em cũng ngại đi bác sĩ đến chừng thấy khó chịu quá đi khám mới biết mình bị viêm vùng kín. Thiệt, em không dám mua hàng trôi nổi nữa”.

Bác sĩ Trâm Anh cho biết do công việc là theo ca công nhân nữ thường ít chú ý đến vệ sinh vùng kín hơn. Nhiều người mặc quần bó sát, quần lót có chất liệu thấm hút kém nên “vùng kín” luôn ở tình trạng ẩm ướt; không có thói quen uống nhiều nước nên dễ bị VNPK.

Đặc biệt, mùa nắng nóng vi khuẩn dễ phát triển và sinh sôi hơn. Vì thế để đảm bảo không bị viêm nhiễm phụ khoa, phụ nữ cũng cần thường xuyên vệ sinh, đặc biệt vào những ngày “đèn đỏ”.

Khám phụ khoa định kỳ- bảo vệ sức khỏe

Phụ nữ có quan hệ tình dục ai cũng có nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, nhưng đa số chị em đều rất ngại ngần trong việc đi khám, thậm chí có người bị bệnh mà không dám đi khám.

Chỉ khi không thể chịu đựng được thì mới tìm đến bác sĩ thì bệnh thường diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị, có trường hợp gây cản trở đến việc mang thai, sinh con. Viêm nhiễm phụ khoa không điều trị dẫn đến có thai ngoài tử cung, có thể là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, viêm tắc vòi trứng…

Để phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa, TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cho lời khuyên: Phụ nữ nên biết cách giữ gìn sức khỏe bằng cách ăn uống hợp lý, tập thể dục để có sức đề kháng tốt.

Vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ, đặc biệt là trong những ngày có kinh nguyệt, trước và sau khi có quan hệ tình dục bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ, tránh thụt rửa sâu, nên phơi đồ lót ở chỗ có ánh sáng mặt trời. Song, chị em cũng không nên lạm dụng các dung dịch vệ sinh để vệ sinh “vùng kín” vì nó sẽ “làm sạch” cả những vi khuẩn có lợi khác…

Ngoài ra, chị em nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh liên quan.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, do cấu tạo mở hẳn ra ngoài da nên nhiễm trùng âm hộ- âm đạo là một bệnh lý rất thường gặp ở phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi.

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh: ngứa, cảm giác nóng rát ở bộ phận sinh dục, ra nhiều huyết trắng hôi, có thể kèm với cảm giác đau khi giao hợp. Mặc dù bệnh không gây tử vong tức thời nhưng mang đến nhiều xáo trộn trong sinh hoạt cá nhân và gia đình cũng như có ảnh hưởng rất xấu đến tâm sinh lý của chị em…

Ở những ngày có kinh nguyệt, nếu bị viêm nhiễm phụ khoa sẽ rất nguy hiểm bởi vì trong những ngày này cổ tử cung mở rộng khiến cho vi khuẩn rất dễ xâm nhập sâu vào tử cung, lên buồng trứng gây ra các viêm nhiễm nặng: viêm cổ tử cung, viêm nhiễm âm hộ, âm đạo, viêm tắc vòi trứng, ung thư cổ tử cung, vô sinh…

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh