Từ tháng 3 đến nay, thời tiết oi bức, nắng nóng hầm hập khiến cho nhiều người cảm thấy bứt rứt, khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Từ tháng 3 đến nay, thời tiết oi bức, nắng nóng hầm hập khiến cho nhiều người cảm thấy bứt rứt, khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Đau đầu, mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt,… là những bệnh tâm thần đến khám tại bệnh viện nhiều trong ngày nắng nóng. |
Stress, mất ngủ vì nắng nóng
Thời gian gần đây, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long luôn trong tình trạng quá tải do số bệnh nhân đến điều trị ngoại trú rất đông. Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Diên- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, nhiệt độ tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh nên lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện vào mùa nóng tăng.
Tính từ đầu năm đến nay, có trên 16.000 lượt bệnh nhân đến điều trị, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn người đến đây khám điều trị đều có tiền sử bệnh tâm thần tái phát. Nhiều người có triệu chứng đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi do stress, rối loạn cảm xúc, trầm cảm.
Sáng 7/5, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long có đông bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh. Cô Lê Thị On (xã An Bình- Long Hồ) ngồi chờ tới số mình vào khám, tay cầm quạt xuýt xoa:
“Nóng gì mà nóng khiếp, ngồi đây có quạt, cửa thông thoáng mà vẫn đổ mồ hôi. Tui mất ngủ hơn 6 tháng nay rồi, ngủ chập chờn, giật mình là thức luôn. Nửa tháng trước, bác sĩ khám nói bị rối loạn giấc ngủ, cho thuốc uống thấy cũng đỡ rồi, hôm nay tui đi tái khám”.
Cô Nguyễn Thị Phụng (xã Trung Chánh- Vũng Liêm) thường xuyên ra vào bệnh viện điều trị bệnh. Bác sĩ Phạm Văn Diên cho biết cô bị đau dây thần kinh số 5, rối loạn lo âu.
Cô cho biết: “Uống thuốc triền miên nên mắt phải cũng đỡ giựt rồi, ngủ cũng ngon hơn. Nhưng hổm rày trời hầm hì quá nên ngủ hổng được. Ngủ hổng được mắt càng giựt, đau nửa bên đầu, tai ù ù”.
Còn cô Nguyễn Thị Quýt (xã Thới Hòa- Trà Ôn) cũng bị mất ngủ 2 năm. Đi khám, bác sĩ cho biết cô bị rối loạn giấc ngủ- biểu hiện ban đầu của rối loạn sức khỏe tâm thần, tâm lý.
“Tui hồi hộp, lo lắng, lo chuyện gì đâu, nằm nhớ chuyện gì đâu. Tui vô mùng nằm ngủ 1 giấc giật mình là rồi, thức tới sáng. Ngủ hổng được nên tui bị tuột huyết áp, nhức đầu kinh niên. Nhờ bác sĩ khám, cho thuốc uống nên giờ tui khỏe, ngủ có giật mình thì xíu ngủ lại được rồi”.
Phòng bệnh tâm thần mùa nắng nóng
Với thời tiết nóng bức, tâm lý con người bị ảnh hưởng ít nhiều. Không ít người đã tiềm ẩn stress, căng thẳng, đến khi nóng quá, sức khỏe suy sụp. Chẳng hạn, mọi người có cảm giác mất sức, ăn không ngon, ngủ kém, nhịp tim và huyết áp tăng lên…
Về tâm lý dễ căng thẳng sinh cáu gắt, bực tức, không điều khiển được tâm lý, hành vi. Ngay cả người vốn khỏe mạnh cũng đến khám với các chứng đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi do stress, rối loạn cảm xúc, trầm cảm.
Người có tiền sử tâm thần thì nhập viện với các triệu chứng tâm thần như nói năng lảm nhảm, đập phá, kích động. “Nhiệt độ tăng cao khiến mọi người đều mệt mỏi, mất sức, căng thẳng, dễ nổi nóng. Người tâm thần vốn đã yếu thần kinh, càng dễ bị kích động hơn”- bác sĩ Phạm Văn Diên giải thích.
Chị P.T.C.T. (36 tuổi, Đồng Tháp) bị bệnh tâm thần phân liệt, đang nằm điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long.
Chị nằm đó, mắt mệt mỏi, cho biết: “Hổm rày ngủ cũng đỡ rồi, hết nghe tiếng người ta đòi quýnh, đòi giết”.
Để hạn chế ảnh hưởng sức khỏe tâm thần trong ngày nắng nóng, bác sĩ Phạm Văn Diên khuyên người dân cần hạn chế tối đa việc ra ngoài trời khi nắng nóng, đặc biệt là cao điểm nắng nóng (khoảng 10- 16 giờ), ở trong nhà nên có các giải pháp giảm nhiệt như quạt, máy lạnh...,
Nếu có đi ngoài nắng cần có biện pháp chống nắng nóng tốt như đội nón, áo chống nắng, không làm việc quá sức.
Những người có nguy cơ mắc bệnh nên giảm áp lực công việc, giảm áp lực gia đình, tạo môi trường vui vẻ, thoải mái. Do vậy, mọi người cần uống đủ nước, ăn đồ mát, đủ dinh dưỡng để giữ sức khỏe, tăng khả năng chịu đựng; tránh các đồ uống có cồn như bia rượu, chất kích thích…
Đối với những người nguy cơ cao bị rối loạn tâm thần như phụ nữ sau sinh, người có sang chấn tâm lý như mất người thân, mất việc, thất tình, bị tai nạn, bệnh tật… càng phải để ý. Khi gặp các triệu chứng mất ngủ, căng thẳng kéo dài nên đi khám để được tư vấn điều trị kịp thời.
Những gia đình có người thân từng mắc các bệnh về tâm thần, vào những ngày nắng nóng như hiện nay cần thường xuyên quan tâm, để mắt tới người mắc bệnh. Tránh để bệnh nhân ở môi trường oi bức, ngột ngạt.
Tránh kích thích tâm lý đối với người bệnh như la mắng, đánh đập, chế giễu khiến họ gặp các xáo trộn về tâm lý, cộng với môi trường nắng nóng, ngột ngạt càng khiến họ bị kích động.
Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh khuyến cáo, nên đưa bệnh nhân đi tái khám kịp thời để bác sĩ điều chỉnh thuốc tránh bệnh trở nặng và người bệnh có thể gây ra hành động nguy hiểm khi bệnh nhân có ít nhất một trong các dấu hiệu: mất ngủ liên tục trong 2-3 ngày, mỗi ngày chỉ ngủ được 2-3 giờ hoặc ít hơn. Bệnh nhân lo lắng, bồn chồn mà không có lý do, luôn cảm thấy bất an và lo sợ những điều xấu nhất sẽ xảy ra với mình hoặc gia đình; mệt mỏi, mất năng lượng đột ngột, cáu gắt vô cớ quá mức liên tục trong 2-3 ngày; bỏ ăn hoặc ăn rất ít… |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin