Mấy ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt nên trẻ dễ bị say nắng- nhất là dịp trẻ được vui chơi ngoài trời, đi du lịch.
Mấy ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt nên trẻ dễ bị say nắng- nhất là dịp trẻ được vui chơi ngoài trời, đi du lịch.
Làn da trẻ rất nhạy cảm, vì thế tránh thời điểm từ 10 giờ- 15 giờ không nên cho bé tắm biển, nên thoa kem chống nắng dành cho trẻ em trước 30 phút. |
Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo từ ngày 16- 20/4/2019, vùng áp thấp nóng phía Tây hoạt động trở lại và tiếp tục chi phối khu vực các tỉnh Nam Bộ. Vì vậy nắng nóng tiếp diễn trên diện rộng với nền nhiệt độ phổ biến từ 35- 37 độ C, cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1. Tại Vĩnh Long, nhiệt độ cao nhất từ 35- 36 độ C, thời gian nắng nóng từ 12 giờ 30 đến 15 giờ hàng ngày từ 16- 20/4.
Tia cực tím cao nhất từ 10 giờ- 14 giờ. Chính vì thế, phụ huynh cần tránh cho trẻ nhỏ ra đường vào thời điểm này. Với tia UV như thời điểm hiện nay, nếu trực tiếp đi ngoài nắng khoảng 10- 15 phút, trẻ có thể bị bỏng da và nếu UV nhẹ hơn phơi da trần ngoài nắng khoảng 25 phút cũng gây phỏng da.
Những ngày nắng nóng, lại đúng vào những kỳ nghỉ lễ, các gia đình thường chọn những nơi mát mẻ để tránh nóng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Như (Phường 3- TP Vĩnh Long) vừa cho con đi chơi biển ở đảo Nam Du (Kiên Giang) vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Chị cho biết: “Dù biển xanh, trong veo rất đẹp, nhưng nắng quá nắng, các con thì lại mê tắm biển nên chị chọn tắm vào lúc 7 giờ đến hơn 8 giờ và buổi chiều 16 giờ 30. Chiều cho các con tắm lâu hơn một chút.
Khi đi chơi ngoài trời, chị cho con mặc áo khoác có chống tia UV, đội nón, đeo kính mát và có thoa kem chống nắng dành cho trẻ em. Ngoài ra, chị đưa nước cho con uống thường xuyên để các con không bị mất nước”.
Theo các chuyên gia y tế, việc cho con đi hồ bơi cũng cần phải đúng thời điểm. Cụ thể nên tránh thời gian nắng nóng nhất trong ngày từ 10 giờ- 15 giờ, cơ thể dù xuống nước, nhiệt độ cơ thể tuy không tăng bằng trên bờ nhưng vẫn hứng chịu tác động của tia UV. Chính vì thế, không nên cho trẻ tắm vào thời gian này.
Với máy lạnh, phụ huynh nên để nhiệt độ khoảng 27-28 độ C; không để gió quạt thổi trực tiếp vào người; tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột ở trẻ theo kiểu vừa đi nắng đã vào phòng máy lạnh hoặc đang ở phòng máy lạnh lập tức ra ngoài nắng nóng.
Trẻ em vui chơi hay tập luyện trong môi trường thoáng mát. Khi cần phải cho trẻ tập luyện ngoài trời nắng thì trước đó vài ngày nên có thời gian cho trẻ ra nắng để cơ thể trẻ quen dần với tác động của nắng nóng. Cho trẻ uống thêm nhiều nước khi trẻ học và luyện tập trong môi trường nóng bức; cho trẻ mặc quần áo nhẹ, màu sáng, đội nón rộng vành sẽ giúp trẻ bớt nóng.
Tránh cho trẻ tập luyện hay vui chơi quá sức ở ngoài trời nắng. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cho trẻ ngừng ngay việc tập luyện. Nếu trẻ phải thường xuyên tập luyện, học tập ngoài nắng thì nên cho trẻ giải lao sau một khoảng thời gian, cho trẻ vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi và uống nước thường xuyên.
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin