Loạn phụ gia và hóa chất trong thực phẩm: Không nghiên cứu nghiêm túc sẽ rất nguy hiểm

02:04, 09/04/2019

Thông tin lô hàng 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan bị dừng lưu thông tại Nhật Bản do ghi nhãn phụ không đầy đủ và có chứa chất phụ gia acid benzoic khiến người tiêu dùng Việt Nam không khỏi lo lắng về tình trạng lạm dụng bừa bãi các chất phụ gia trong thực phẩm.

Thông tin lô hàng 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan bị dừng lưu thông tại Nhật Bản do ghi nhãn phụ không đầy đủ và có chứa chất phụ gia acid benzoic khiến người tiêu dùng Việt Nam không khỏi lo lắng về tình trạng lạm dụng bừa bãi các chất phụ gia trong thực phẩm.

Chiều 8/4,  ông Nguyễn Xuân Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) khẳng định, hiện nay việc quản lý các chất phụ gia trong thực phẩm được giao cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm ban hành danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng hoặc bị cấm tại Việt Nam.

Cụ thể vào tháng 5/2018, Bộ Y tế đã có Thông tư số 05/2018/TT-BYT ban hành “Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm”.

Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm, lo ngại hiện nay là có những chất phụ gia, hóa chất như acid benzoic trong tương ớt đã bị Nhật Bản cấm sử dụng nhưng Việt Nam lại cho phép.

Liệu có phải các điều kiện, quy chuẩn quản lý thực phẩm của Việt Nam đang dễ dãi quá không? Về vấn đề này, TS Trần Thị Dung, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ NN-PTNT) - chuyên gia rất tâm huyết với việc bảo vệ uy tín, chất lượng nước mắm truyền thống trong thời gian vừa qua cho rằng, tình trạng sử dụng phụ gia trong thực phẩm là vấn đề nóng hiện nay. 

Có rất nhiều loại phụ gia, hương liệu, chất bảo quản, chất tạo ngọt, điều chỉnh độ acid, chống oxy hóa, chất giữ ẩm, tạo bọt… trong nhiều loại thực phẩm như nước chấm công nghiệp, tương ớt, giò chả, bánh kẹo, rượu, thậm chí cả mì tôm…

Mục đích cơ bản là để tạo ra khẩu vị, hương thơm và để tạo màu, bảo quản thực phẩm với thời gian dài.

Mặc dù được phép sử dụng phụ gia nhưng theo TS Trần Thị Dung, sử dụng với liều lượng bao nhiêu, loại thực phẩm nào không được phép dùng phụ gia thì phải có những nghiên cứu mang tính khoa học một cách nghiêm túc từ cơ quan chức năng. Từng loại thực phẩm phải có quy định riêng.

Tuy dựa theo tiêu chuẩn Codex thì loại phụ gia này, hóa chất kia là an toàn, nhưng không thể áp dụng máy móc, nghiễm nhiên coi đó là đủ điều kiện an toàn, mà phải xem xét rằng phụ gia này với loại thực phẩm này là an toàn nhưng lại nguy hiểm nếu cho vào thực phẩm khác.

Không phải vô cớ mà Nhật Bản có quyết định cấm tuyệt đối đối với chất acid benzoic có trong tương ớt Chin-su, vì trong ớt có hàm lượng vitamin C rất cao nên có nguy cơ acid benzoic phản ứng với vitamin C tạo ra benzene gây ung thư, điều này đã được khoa học chứng minh.

Do đó, mặc dù Codex coi việc sử dụng acid benzoic ở mức hàm lượng cho phép là an toàn nhưng trên thực tế, nếu chất này có trong tương ớt thì lại phát sinh cơ chế gây ung thư cho người sử dụng.

TS kiến nghị, Việt Nam cần phải nghiêm túc xem xét, nghiên cứu một cách khoa học khi cho phép sử dụng các loại phụ gia, hóa chất trong thực phẩm.

* Ngày 8/4, trao đổi với báo chí xung quanh việc quy định cho phép sử dụng acid benzoic trong tương ớt, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, phụ gia thực phẩm acid benzoic là một chất chống nấm mốc được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng acid benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.

“Chất acid benzoic được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng. Hiện có 186 nước như Mỹ, Australia, Cananda… dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex. Việt Nam, Nhật Bản đều là thành viên của Codex”, bà Nga thông tin.

Theo bà Nga, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) thống nhất lấy tiêu chuẩn Codex để tham chiếu khi có các tranh chấp về thương mại đối với thực phẩm.

Mỗi chất khi được Codex quyết định đưa vào sử dụng hay không chấp nhận sử dụng trong chế biến thực phẩm đều được căn cứ trên các nghiên cứu chặt chẽ. Các nước thành viên Codex sẽ tham chiếu các tiêu chuẩn để đưa ra quy định phù hợp cho quốc gia mình.

Trong thương mại thế giới, việc đưa ra một quy định đối với thực phẩm, nếu đáp ứng theo quy định của Codex thì không phải đưa ra các bằng chứng khoa học. Nếu có sự khác biệt thì quốc gia đó phải đưa ra bằng chứng khoa học.

Trong cam kết thương mại, các tiêu chuẩn về thực phẩm của Ủy ban Codex được lấy làm tham chiếu. “Chúng tôi khẳng định các quy định về phụ gia thực phẩm của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với các quy định của Codex.

Khi các phụ gia thực phẩm có trong danh mục của Codex, phải thông qua ủy ban về thực phẩm Codex, trong đó trải qua rất nhiều các bước đánh giá về độ an toàn, hướng dẫn sử dựng rất nghiêm ngặt, thông thường qua 8 bước, 5-7 năm, thậm chí cả 10 năm...”, bà Nga nêu rõ.

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh