Bệnh sởi tại tỉnh Vĩnh Long đang gia tăng số mắc so cùng kỳ năm 2018. Tới tuần 13 năm nay, đơn vị chức năng thuộc Sở Y tế báo cáo có 44 ca mắc, trong khi cả năm ngoái chỉ có 5 ca bệnh. Như tại các tỉnh- thành khu vực phía Nam, xu hướng chung là bệnh quay lại với số mắc tăng cao.
Bệnh sởi tại tỉnh Vĩnh Long đang gia tăng số mắc so cùng kỳ năm 2018. Tới tuần 13 năm nay, đơn vị chức năng thuộc Sở Y tế báo cáo có 44 ca mắc, trong khi cả năm ngoái chỉ có 5 ca bệnh. Như tại các tỉnh- thành khu vực phía Nam, xu hướng chung là bệnh quay lại với số mắc tăng cao.
Trẻ tiêm vắc xin ngừa sởi tại trạm y tế xã- phường. Vĩnh Long hàng năm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đều đạt trên 95%. |
Bệnh sởi quay lại
Sởi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, lây trực tiếp qua dịch tiết mũi, họng; gián tiếp qua đồ vật, đồ dùng sử dụng cá nhân giữa người bệnh và người lành và có mức độ lây lan nhanh.
Lây do vi rút, sởi thường gặp ở trẻ em với đặc điểm lâm sàng viêm kết mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, sau đó phát ban. Khi không được phát hiện điều trị sớm, bệnh sởi có thể biến chứng với tai, mắt, phổi, não... của trẻ.
Đối tượng mắc bệnh thường là trẻ dưới 5 tuổi. Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế)- cho biết: Bệnh có nguy cơ mắc cao ở nơi tập trung dân cư đông (khu công nghiệp, trường học mầm non...) và những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp (không đạt từ 95% trở lên).
Báo cáo dịch bệnh tuần của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long (Sở Y tế) cho thấy, đến tuần 13 (25-31/3) năm nay, toàn tỉnh ghi nhận 44 ca bệnh, tăng cao so với cả năm ngoái (chỉ 5 ca bệnh).
Bệnh diễn biến trong xu hướng quay lại và tăng cao số mắc ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và nhất là ở TP Hồ Chí Minh- vùng vốn không có “truyền thống” về bệnh sởi như các tỉnh thành phía Bắc.
Có thời điểm tháng đầu năm, các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh ghi nhận 400-500 ca sởi nhập viện điều trị mỗi ngày.
Bộ Y tế giám sát, thống kê số trẻ mắc bệnh cho thấy, có trên 50% trẻ chưa tiêm chủng, gần 40% trẻ tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, chỉ có 10% trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa sởi.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vắc xin sởi có hiệu quả bảo vệ cao nhưng cũng chỉ 90% người được tiêm ngừa được bảo vệ, khi tỷ lệ tiêm vắc xin này đạt từ 95% trở lên.
5% còn lại không được tiêm chủng và sẽ tích lũy dần, khi có mầm bệnh sẽ có nguy cơ gây dịch. Trong kế hoạch mỗi năm, sở y tế các địa phương cụ thể chỉ tiêu tiêm chủng đầy đủ trong chương trình phải đạt từ 95% trở lên.
Tiêm chủng để phòng bệnh hiệu quả nhất
Biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất là phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm ngừa đủ liều, đúng lịch. Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nói: “Thống kê cho thấy trẻ mắc sởi khi phần lớn không được tiêm ngừa. Độ bao phủ miễn dịch vắc xin càng thấp, nguy cơ mắc sởi càng cao. Khi đã có đủ miễn dịch rồi thì trẻ sẽ được bảo vệ suốt đời, sẽ không mắc sởi”.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, việc sử dụng vắc xin phòng bệnh nói chung thời gian qua đã làm giảm các bệnh truyền nhiễm đáng kể: bại liệt đã được thanh toán; uốn ván sơ sinh được loại trừ; các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu giảm từ 80 đến hơn 500 lần so với 30 năm trước và đã bảo vệ được hàng triệu trẻ em thoát khỏi bệnh tật.
Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã được triển khai 100% từ trung tâm y tế tuyến huyện đến trạm y tế tuyến xã.
Hàng năm, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em đều đạt trên 95%, qua đó Vĩnh Long đã bảo vệ được thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và tình hình bệnh truyền nhiễm trẻ em đã giảm rõ rệt.
Nếu trẻ được tiêm ngừa đủ liều, đúng lịch các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng thì sẽ phòng tránh được 10 bệnh gồm: lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh viêm màng não do vi khuẩn Hib, sởi, rubella và viêm não Nhật Bản B.
Nếu vì lý do nào đó mà trẻ không được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ các mũi tiêm trong chương trình thì cơ thể trẻ sẽ không có miễn dịch hoặc có không đầy đủ, nguy cơ trẻ sẽ mắc các bệnh truyền nhiễm trên. Tiêm ngừa là cách để phòng chống các bệnh truyền nhiễm hiệu quả và ngăn chặn được dịch bệnh trong cộng đồng.
Theo lịch tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin ngừa sởi lúc 9 tháng tuổi và tiêm tiếp 1 mũi vắc xin phối hợp ngừa sởi- rubella khi trẻ được 18 tháng tuổi. Ngoài ra, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cũng nên tiêm vắc xin ngừa sởi, quai bị, rubella để có miễn dịch bảo vệ mình, không truyền sang con (nếu mẹ mắc bệnh), bảo vệ trẻ trước bệnh truyền nhiễm ở các tháng đầu đời sau sinh. |
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin