Chú ý phòng tránh các bệnh mùa nắng

03:04, 19/04/2019

Đang cao điểm mùa nắng nóng và là thời điểm chuyển mùa từ xuân sang hè, không chỉ các bệnh mùa nắng dễ phát sinh như: bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, da... mà còn xuất hiện các bệnh "nghịch mùa" như sốt xuất huyết (mùa mưa), sởi (Đông Xuân)...

 

 

Khá đông người đến thăm khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long.
Khá đông người đến thăm khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long.

Đang cao điểm mùa nắng nóng và là thời điểm chuyển mùa từ xuân sang hè, không chỉ các bệnh mùa nắng dễ phát sinh như: bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, da... mà còn xuất hiện các bệnh “nghịch mùa” như sốt xuất huyết (mùa mưa), sởi (Đông Xuân)...

Nắng nóng gay gắt những tuần qua được coi là yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh mùa hè xuất hiện, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng vào các thời điểm trong ngày. Các kiến thức giáo dục về sức khỏe chung sẽ cho thấy điều này.

Cảm nắng là dễ thấy nhất. Trời nắng nóng, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, gia đình thường mở máy điều hòa cho mát. Điều này dẫn đến nhiệt độ chênh nhau giữa môi trường trong phòng và bên ngoài và sẽ khiến con người dễ bị sốc nhiệt, cảm nắng. Kế đến là bệnh về da. Nắng nóng khiến cơ thể bài tiết, thải mồ hôi làm cho các vị trí trên cơ thể ẩm ướt hơn và đó là yếu tố dễ gây các bệnh về da.

Nắng nóng gay gắt không có lợi cho tim mạch và ảnh hưởng rõ rệt nhất lên những người lớn tuổi. Trong trường hợp này, tim phải làm việc nhiều và nhanh khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng.

Cuối cùng là các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa và nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Quạt hay máy điều hòa được coi là “cứu cánh” cho tiết trời nắng nóng cao độ hiện tại, tuy nhiên từ đó sẽ khiến đường hô hấp có khả năng bị vi rút xâm nhập gây bệnh.

Nắng nóng dẫn đến thức ăn dễ bị ôi thiu hơn, ruồi nhặng xuất hiện nhiều hơn và là tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Giai đoạn chuyển mùa cũng là điều kiện thuận lợi để các loại siêu vi phát triển, trẻ sẽ dễ nhiễm siêu vi dẫn đến sốt, phát ban, quấy khóc, bỏ ăn. Từ đây đưa đến nguy cơ trẻ dễ mắc các bệnh sởi, thủy đậu, tay chân miệng...

Sở Y tế Vĩnh Long báo cáo tới tháng 4/2019 cho thấy, bệnh đường tiêu hóa dù cộng dồn đã giảm mạnh so cùng kỳ, nhưng trong tháng này số mắc bệnh là 106 ca, tăng 84 ca so với tháng trước (hơn gấp 3 lần).

Còn bệnh sốt xuất huyết tăng 361%, thủy đậu tăng 161% so cùng kỳ năm trước. Bệnh tay chân miệng tăng nhẹ, còn bệnh sởi và thủy đậu lại tăng cao. Tới tháng 4/2019 ghi nhận 27 ca sởi, tăng 14 ca so với tháng 3 (107,7%) và lũy kế đã là 43 ca bệnh. Trong khi cùng kỳ năm 2018 không phát hiện sởi.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long cho biết, thường sởi, thủy đậu, quai bị xuất hiện và lây lan nhiều trong mùa Đông Xuân. Tuy nhiên, năm nay ngay giữa mùa nắng nóng cũng ghi nhận ca bệnh và tăng. Tương tự, bệnh lưu hành như tay chân miệng cũng tăng số mắc ngay từ các tháng đầu năm hay cả “nghịch mùa” (chưa mưa).

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, thống kê cho thấy từ đầu tháng 3 đến nay, có 1.018 lượt bệnh nhi vào khám bệnh viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp trên, sởi; 239 lượt bệnh sốt, nhiễm vi rút khác; 138 lượt bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng. Lượng bệnh nhập viện điều trị nội trú cũng cao với hơn một nửa trong 1.000 ca bệnh lây truyền qua đường hô hấp và hàng trăm ca bệnh sốt, tiêu chảy, bệnh do vi rút, nhiễm trùng...

Bác sĩ khuyên việc phòng bệnh mùa nắng sẽ hiệu quả hơn từ chính ý thức mỗi người. Đó là việc tạo môi trường sống điều độ và hình thành ý thức sinh hoạt khoa học, từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ đến học hành, vui chơi... Khi thấy trẻ có các dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, để được tư vấn điều trị phù hợp.

™Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh