Mới đây, 3 trường hợp khai "có ý định tự tử" nên uống thuốc hạ huyết áp và bị ngộ độc nặng, đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cấp cứu.
Mới đây, 3 trường hợp khai “có ý định tự tử” nên uống thuốc hạ huyết áp và bị ngộ độc nặng, đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cấp cứu.
Bệnh nhân K. đã uống hàng chục viên thuốc hạ huyết áp dẫn tới bị ngộ độc thuốc nặng. |
Các bác sĩ đã can thiệp kịp thời cứu sống 2 bệnh nhân, bệnh nhân còn lại được xin về. Qua đó, bác sĩ khuyên rằng, không nên vì bất ổn cá nhân hay buồn chuyện gia đình mà làm điều “dại dột” để lâm cảnh tương tự.
Bệnh nhân L.N.K. (21 tuổi, ngụ huyện Tam Bình) được đưa vào bệnh viện chiều 5/4/2019 và bác sĩ cho biết người nhà khai là “uống thuốc tây để tự tử”.
Lý do, người này buồn chuyện tình cảm. K. vào viện với tình trạng chóng mặt, tay chân lạnh, nói nhảm, ngất xỉu... Các bác sĩ thăm khám, tiến hành xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc hạ huyết áp, biến chứng gây rối loạn nhịp tim, gây sốc và suy gan/thận, toan chuyển hóa nặng...
Tiếp nhận, giải thích, được sự đồng ý của người nhà, bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc- Phó Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của bệnh viện cùng ê kíp tiến hành lọc máu liên tục (thay huyết tương) cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Hạnh Phúc, bình thường người bị cao huyết áp chỉ cần uống một viên thuốc hạ áp là có thể khống chế huyết áp trong vòng 24 giờ.
Đằng này, bệnh nhân K. đã uống tới 20 viên N. 20mg và 18 viên B. 5mg, nên ngộ độc nặng. Trường hợp này ngoài dùng thuốc, buộc phải tiến hành lọc máu liên tục mới có cơ may cứu bệnh nhân.
Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đã điều trị K. theo phác đồ chống ngộ độc. Trong 24 giờ sau khi vào viện với khoảng 6 giờ lọc máu liên tục, bệnh nhân K. hồi tỉnh. Tình trạng K. sau can thiệp: huyết áp trở về bình thường, từ vô niệu, suy thận- bệnh nhân đã tiểu lại và thận dần hồi phục...
Bác sĩ Hạnh Phúc nói “bệnh nhân được cứu sống” và cho biết khi K. được chuyển ra Khoa Nội tổng hợp điều trị tiếp để sớm xuất viện.
Cùng thời điểm với K., bệnh viện tiếp nhận một nữ bệnh nhân trạc tuổi của K., do uống thuốc tân dược và người nhà cũng khai với bác sĩ là để... tự tử. Rất may, bệnh nhân này nhẹ nên điều trị nội khoa và sau đó ổn, xuất viện.
Một ngày trước đó, chiều 4/4/2019, bệnh viện tỉnh cũng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nữ L.T.A. (62 tuổi, ngụ huyện Tam Bình). Bệnh nhân đưa vào viện bởi ngộ độc do uống thuốc hạ huyết áp, dẫn đến trụy tuần hoàn và hạ đường huyết.
Từ lời khai của người nhà và xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ cho biết bệnh nhân đã uống 20 viên N. 20mg và 10 viên L. 50mg, dẫn đến ngộ độc nặng.
Do bệnh nhân có tuổi, cơ địa có bệnh kèm tăng huyết áp, đái tháo đường nên tình trạng ngộ độc thuốc rất nặng: tuột huyết áp, hôn mê, suy hô hấp/gan/thận, ngưng thở phải trợ máy thở... Ê kíp y bác sĩ điều trị đã dùng thuốc và đề xuất lọc máu liên tục (thay huyết tương) với người nhà nhưng không được đồng ý. Gia đình sau đó xin cho trường hợp này về.
Thông tin từ bác sĩ cho biết thêm, có mối quan hệ được cho là tình cảm giữa bệnh nhân K. và bệnh nhân nữ vào viện cùng ngày khi ngộ độc thuốc tây do... uống để tự tử. Còn bệnh nhân có tuổi, có thể do buồn chuyện gia đình dẫn đến hành động gây hại sức khỏe và tính mạng.
Hầu như mỗi năm bệnh viện tỉnh, cụ thể là tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đều có tiếp nhận can thiệp, cứu sống các bệnh nhân tự tử và ngộ độc thuốc tây, thuốc sâu và có khi ăn trứng cóc...
Có nhiều nguyên nhân được bác sĩ kể là do stress, buồn chuyện gia đình, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cờ bạc, nhậu nhẹt, yêu đương rồi thất tình... mà ở đó chiếm nhiều nhất là do hoàn cảnh gia đình và chuyện yêu đương, tình cảm.
Cũng có trường hợp bệnh tâm thần mà người nhà không để ý, họ lấy cả vỉ thuốc điều trị uống, dẫn đến ngộ độc phải đưa vào viện.
Bác sĩ sau điều trị cứu sống bệnh nhân thường động viên, khuyên không nên để ảnh hưởng tâm lý, bị stress mà làm điều dại dột, gây hại cho khỏe, tính mạng của mình và người thân. Hãy yêu thương chia sẻ nhau hoặc nhún nhường trong hoàn cảnh nào đó.
Trường hợp buộc phải đến viện do ngộ độc, tự tử, bệnh nhân và người nhà cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ để đi đến phương án tối ưu nhất nhằm can thiệp chính xác, cứu sống kịp thời.
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin