Ngày 15/3, hơn 400 học sinh của Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới TƯ và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ để xét nghiệm sán lợn.
Thịt lợn nổi nhiều hạch trắng được sử dụng để chế biến thức ăn cho trẻ ở Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh). Ảnh: PHCC |
Ngày 15.3, hơn 400 học sinh của Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới TƯ và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ để xét nghiệm sán lợn.
Hiện các gia đình vẫn đang như “ngồi trên lửa” vì lo lắng cho sức khỏe của con em mình. Trước đó, phụ huynh đã phát hiện trong bếp ăn của Trường Mầm non Thanh Khương có thịt lợn nổi nhiều hạch trắng nghi nhiễm sán, sau đó là thịt gà "nát như cám", được dùng để chế biến bữa ăn cho trẻ.
Sau những ngày không cho con đi học để phản đối việc bếp ăn của trường có thịt lợn nổi nhiều hạch trắng nghi bị sán dây, phụ huynh đã tự cho con đi khám và kết quả là dương tính với sán lợn
Đặc biệt, ngày 12/3, một phụ huynh của trường thấy con bị sốt, quấy khóc, đã cho bé đi khám và kết quả xét nghiệm là dương tính với sán lợn. Điều này khiến các phụ huynh khác lo lắng, bỏ công bỏ việc cho con xuống Hà Nội để kiểm tra, xét nghiệm.
Nhiều phụ huynh băn khoăn không biết nếu ăn phải thịt lợn nhiễm sán thì sẽ nguy hại sức khỏe như thế nào? Làm thế nào để phòng tránh thịt lợn nhiễm sán?
Cơ quan y tế đưa ra khuyến cáo
Trước sự việc này, chiều 15/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đưa ra khuyến cáo về bệnh sán dây, những nguy cơ, biến chứng của bệnh và cách phòng tránh.
“Bệnh sán dây/ ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.
Người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,…
Nguyên tắc phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn” - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đưa ra khuyến cáo và đề nghị các gia đình nếu nghi ngờ bị sán lợn cần đến Bệnh viện làm xét nghiệm.
Phụ huynh bức xúc tố trường sử dụng thịt lợn bẩn, gà đông lạnh chế biến cho học sinh.
Có thể bị động kinh, liệt nếu bị nhiễm sán lợn
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng vừa phát đi thông điệp về bệnh sán dây lợn (lợn gạo) và các biện pháp phòng bệnh. Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sán dây/ ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chứa ấu trùng sán chưa nấu chín.
Theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, qua các cơ sở điều trị đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn.
Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau.
Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn). Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi; quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn (heo).
Theo Tổ chức Y tế thế giới, gần 1/3 các trường hợp bị bệnh động kinh là do bị nhiễm sán dây lợn. Loại sán này có thể dài tới 7m và thải đốt liên tục, đồng thời cũng sinh ra đốt mới nên nó sẽ hút hết chất dinh dưỡng từ cơ thể người nó đang ký sinh. Người bị nhiễm sán sẽ bị thiếu dinh dưỡng, gầy còm ốm yếu, đau bụng, tiêu chảy...
theo ĐẶNG CHUNG/LĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin