Để giảm gánh nặng hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

03:03, 29/03/2019

Trong số các bệnh không lây nhiễm về hô hấp, bệnh hen mà nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) được xem khá điển hình.

Trong số các bệnh không lây nhiễm về hô hấp, bệnh hen mà nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) được xem khá điển hình.

Bác sĩ Trần Tất Trung thăm khám định kỳ và ra đơn thuốc cho một bệnh nhân hen.
Bác sĩ Trần Tất Trung thăm khám định kỳ và ra đơn thuốc cho một bệnh nhân hen.

Các tổ chức y tế từng ước tính, tới năm 2020, COPD sẽ có tỷ lệ tử vong đứng trong nhóm 4 bệnh lý không lây nhiễm gây tử vong hàng đầu.

Tuy nhiên đến năm 2019, COPD đã đứng hàng thứ 3 (sớm hơn dự liệu) trong số các bệnh không lây gây tử vong hàng đầu gồm: tim mạch, ung thư, COPD. Cho thấy, COPD đã và đang ngày càng gia tăng và gánh nặng trong cộng đồng, ở số mắc lẫn tỷ lệ tử vong.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Tất Trung- Trưởng Khoa Nhiễm và phụ trách chuyên môn đơn vị Hen- COPD của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, bệnh phổi mãn tính là nói chung, trong đó có thể là giãn phế quản, xơ phổi hay ung thư phổi... và nổi bật hơn cả là COPD (COPD khác với bệnh hen).

Hen có thể một phần do di truyền còn đa phần mắc COPD do hút thuốc lá (cả chủ động lẫn thụ động- người hít khói thuốc lá từ người hút nhả ra như vợ, con, mọi người xung quanh), ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm các chất độc hại trong quá trình làm việc...

Theo bác sĩ Trần Tất Trung, hen và COPD có thể điều trị được nhưng cần phải theo dõi điều trị suốt đời. Nếu phát hiện càng sớm thì tiên lượng điều trị tốt hơn, khi đó sẽ kéo dài chất lượng cuộc sống và tuổi thọ người bệnh và ngược lại.

“Đây là điểm quan trọng góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tỷ lệ tử vong, giảm gánh nặng chi phí điều trị bệnh nhân, kinh tế gia đình và gánh nặng xã hội do bệnh lý này gây ra”- bác sĩ Trung cho biết.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã thành lập đơn vị Hen- COPD nhiều năm qua. Thông qua các buổi sinh hoạt đơn vị này định kỳ, đã giúp bệnh nhân hiểu biết bản chất của bệnh hen- COPD, qua đó họ nâng ý thức phòng bệnh cho mình và góp phần phổ biến ra cộng đồng. Họ cũng sẽ hợp tác với nhân viên y tế nhằm tăng hiệu quả quản lý, điều trị cho mình.

Tuyên truyền phòng chống hen- COPD còn đến từ việc tổ chức khám tầm soát, phát hiện bệnh nhân hen- COPD ở giai đoạn sớm để đưa vào quản lý điều trị kịp thời.

Theo đó, từ ngày 26/3 đến cuối tháng 4/2019, bệnh viện tỉnh phối hợp với cơ quan chuyên môn về hen- miễn dịch- lâm sàng TP Hồ Chí Minh và đơn vị liên quan tổ chức khám tầm soát miễn phí bệnh hen- COPD cho những người dân có nhu cầu.

Kế hoạch với 100 trường hợp đến bệnh viện tỉnh để được khám bệnh, chụp X-quang phổi, test hồi phục phế quản, đo chức năng hô hấp... để có thể phát hiện sớm bệnh và điều trị.

Hồi năm 2018, một đợt khám tầm soát hen- COPD ở bệnh viện đã ghi nhận khoảng 40% bệnh nhân trong tổng số 120 trường hợp đến khám. Các bác sĩ cho rằng con số này là cao.

Số đó sẽ được đưa vào quản lý, điều trị định kỳ (nhẹ thì một vài tháng một lần, nặng thì mỗi tuần tới 10 ngày đến viện một lần). Có bệnh nhân xa như Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp cũng tuân thủ vào quá trình quản lý và điều trị này.

Phụ trách chuyên môn đơn vị Hen- COPD tại bệnh viện chia sẻ, qua sinh hoạt định kỳ CLB, rồi đợt khám tầm soát hàng năm, đã góp phần giảm rõ rệt lượng bệnh nhân nhập viện điều trị do hen nặng, bệnh hen ác tính và COPD vào đợt cấp...

“Vài năm gần đây, mỗi năm số này ngày càng giảm đi. Đó là tín hiệu đáng mừng khi đã kéo giảm số mắc và ảnh hưởng của bệnh lý trên”- bác sĩ Trần Tất Trung nhìn nhận, đồng thời cho rằng yếu tố phát hiện sớm và tuân thủ điều trị sẽ tác động rất lớn tới việc kiểm soát bệnh tật.

Có thể thấy, diễn biến phức tạp của một trong số các bệnh lý không lây nhiễm- COPD, ở góc độ vĩ mô đã đi sớm hơn dự liệu. Tuy nhiên, có thể kiểm soát được khi người dân khám tầm soát sớm, để phát hiện sớm bệnh và đưa vào quản lý điều trị kịp thời.

Quá trình đó cần ý thức cao từ mỗi người dân và cộng đồng, để không chỉ kiểm soát bệnh tật mà còn kiểm soát các yếu tố nguy cơ (hút thuốc lá, khói bụi độc hại, ô nhiễm môi trường và yếu tố khác...) nhằm hạn chế thấp nhất khả năng mắc bệnh và tử vong.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh