Nguy cơ cao dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam

07:02, 19/02/2019


Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện tại Trung Quốc, rất gần với các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao.

 

Chăn nuôi lợn. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Chăn nuôi lợn. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

 

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện tại Trung Quốc, rất gần với các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao.

Nguyên nhân chính là tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tần suất vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa Việt Nam và các nước (đặc biệt tại một số địa phương như Quảng Ninh, có ngày có trên 10.000 lượt người qua lại ở biên giới hai nước). 

Lượng xe cộ, phương tiện vận chuyển cũng được người dân Việt Nam và các nước sử dụng nhiều nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Đồng thời, lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...

 

Ngoài ra, do bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người nên nhiều người dân vì lợi ích trước mắt, vì giá lợn hơi các tháng cuối năm cao nên không quan ngại dịch bệnh, vẫn buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Việt Nam, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm thừa trong chăn nuôi là khá phổ biến, nên nếu chủ chăn nuôi sử dụng các sản phẩm thịt lợn dư thừa sẽ dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Bên cạnh đó, thời tiết biến đổi bất lợi, rét và mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan trong khi hiện nay chưa có vắcxin và thuốc điều trị dịch tả lợn châu Phi.

Để chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và Việt Nam, từ tháng 8/2018 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã thành lập nhiều đoàn công tác liên ngành trực tiếp đến các tỉnh, thành phố trọng điểm như Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hòa Bình... để kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, ngăn chặn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tập trung ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Ngoài ra, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Mới đây, ngày 17/1/2019, một con lợn chết được tìm thấy trên đảo Mẫu Đơn Giang (đảo hoang không có người ở), Liên Giang, Đài Loan (Trung Quốc) cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi./.

Theo THÀNH TRUNG (TTXVN/VIETNAM+) 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh