Chữa bệnh cứu người, chăm sóc sức khỏe người dân là nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc. Người thầy thuốc, nghề thầy thuốc- bao hàm trong đó sự tận tâm, nhiệt huyết từ khối óc đến đôi tay của đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng với bệnh nhân.
Chữa bệnh cứu người, chăm sóc sức khỏe người dân là nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc. Người thầy thuốc, nghề thầy thuốc- bao hàm trong đó sự tận tâm, nhiệt huyết từ khối óc đến đôi tay của đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng với bệnh nhân. Vất vả, mệt nhọc và áp lực là các đặc thù của những “mẹ hiền” này. Đổi lại là niềm vui khi nụ cười nở trên môi mỗi bệnh nhân và gia đình họ.
Bác sĩ Huỳnh Kim Phương (thứ 2 từ phải qua) vừa tâm tình chuyện nghề với chúng tôi vừa cùng điều dưỡng, y tá khoa xử lý hồ sơ bệnh án. |
Bệnh nhân là “người thầy” lớn nhất
Khoa Nội tim mạch- Lão khoa Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long là một trong các khoa đông bệnh nhân và nhiều bệnh phức tạp nhất BV. Các bệnh chủ yếu là tim mạch và chiếm đông ở người già.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Kim Phương- Trưởng Khoa Nội tim mạch- Lão khoa kiêm trưởng Đơn vị Đột quỵ của BV cho biết, tới nay khoa được biên chế 110 giường bệnh nhưng số bệnh nhân nội trú cao điểm thường 150- 170 người. Chính vì vậy, áp lực đối với bác sĩ, y tá, điều dưỡng nơi đây như tăng gấp đôi, gấp rưỡi.
Bên chồng hồ sơ bệnh án với điều dưỡng viên và y tá kiểm tra trình ký, bác sĩ Kim Phương kể có những ngày giữa tuần làm việc xuyên trưa hay trực gần như xuyên đêm: “Nhiều lúc 12 giờ các em trực mới buông tay chút đi ăn cơm. Còn trực đêm, vào mùa đông bệnh nhân hay lễ tết thì bác sĩ, điều dưỡng ngủ chỉ 1- 2 giờ là bình thường”.
Khoa hiện có 46 người, trong đó có 14 bác sĩ, còn lại là đội ngũ điều dưỡng, y tá. Do bệnh đông cộng với việc khoa là vệ tinh theo đề án BV là vệ tinh của BV tuyến phải luân phiên có bác sĩ, điều dưỡng được cử lên TP Hồ Chí Minh đào tạo, nên có thể nói là thiếu nhân lực.
Đó là chưa kể, tác động của việc dịch chuyển nguồn nhân lực y tế mà thực tế là nhiều bác sĩ nghỉ việc trong năm qua, đã khiến một số khoa thiếu hụt bác sĩ. Trong hoàn cảnh đó, lãnh đạo BV và các khoa điều tiết để “gánh gồng, chan sớt việc nhau” để cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BVĐK tỉnh Vĩnh Long, câu chuyện về nghề của người làm nghề cũng tương tự. Cũng là khoa tập trung nhiều bệnh nhân nặng, bác sĩ nơi đây chịu áp lực chuyên môn rất cao.
Bác sĩ chuyên khoa I Võ Văn Hạnh Phúc- Phó khoa- kể, mới đây bệnh nhân Nguyễn Thị N. (72 tuổi, ở Long Hồ) được đưa vào viện với xét nghiệm, chẩn đoán ban đầu là sốc nhiễm độc, suy đa tạng. Do cơ địa bệnh nhân, bác sĩ đánh giá tiến trình điều trị rất vất vả. Bệnh nhân phải được lọc máu liên tục, thở máy, truyền máu, truyền dịch, bù đạm...
Với hệ thống máy móc thiết bị căn bản, với tấm lòng người thầy thuốc, đội ngũ chuyên môn khoa theo yêu cầu của ban giám đốc, lãnh đạo khoa đã can thiệp thành công trường hợp này. Sau gần 1 tháng nằm viện, bệnh nhân cao tuổi đã trở về bên niềm vui khôn xiết của gia đình.
Những vấn đề vừa nêu có thể cho thấy mẫu số chung trong số nhiều khía cạnh đặc thù nghề thầy thuốc, đó là áp lực trước tính mạng và sức khỏe bệnh nhân mà mỗi bác sĩ, y tá, điều dưỡng đều mang bên mình. Với bác sĩ Kim Phương: “Không ai bảo ai, cả khoa chúng tôi đồng lòng san sẻ, cùng học hỏi để giúp nhau cùng tiến bộ. Và “người thầy” lớn nhất vẫn là bệnh nhân”.
Ở khoa mà bệnh nhân nặng chiếm đa số, bác sĩ Hạnh Phúc chia sẻ tâm nguyện của mình là vì người bệnh: “Anh em luôn gắn bó đồng lòng, chia sẻ nhau và cố gắng đem tâm mình ra để cứu chữa bệnh nhân”.
Niềm tin yêu, tâm huyết với nghề
Đây là điểm chung nhất của bác sĩ, y tá, điều dưỡng mà phóng viên tiếp xúc, tâm tình nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam. Nói có vẻ hơi thừa, đã làm nghề đương nhiên phải “sống chết” với nghề.
Nhưng đặc thù nghề thầy thuốc thì cần nói và nên nói công tâm tình yêu và tâm huyết. Nếu có niềm tin yêu và tâm huyết với nghề thì từ trong huyết mạch tới ý chí và tư duy mới “dạ sắt lòng son” đem y lý, y thuật, y đức của mình mà phục vụ người bệnh. Đưa đến niềm tin không thay đổi: làm giảm cơn đau, hạn chế bệnh nặng, cho người bệnh vui khỏe lại và trở về cuộc sống.
Qua quan sát và trao đổi, chính niềm vui lẫn nỗi buồn là yếu tố chính cấu thành nên tình yêu và tâm huyết của người làm nghề y. “Bữa nay bác thấy sao? Tui thấy khỏe nhiều rồi”- bác sĩ Kim Phương kể giao tiếp đơn giản ấy đã bộc lộ hết vui mừng của người bác sĩ.
Không chỉ là việc chữa trị, mối quan hệ bác sĩ- bệnh nhân có thể ở việc hướng dẫn, giáo dục họ chăm sóc sức khỏe bản thân mình, hạn chế bệnh và có bệnh thì hạn chế nặng thêm.
Trong mối quan hệ đó, bác sĩ Kim Phương cho rằng người bệnh nên tin tưởng và tuân thủ yêu cầu chuyên môn của cán bộ nhân viên y tế, bởi “lúc nào đội ngũ này cũng hết lòng vì bệnh nhân”.
Với bác sĩ Hạnh Phúc, niềm vui nghề thầy thuốc không gì hơn là cứu chữa được mạng người khi nằm trong cơn nguy kịch. Bác sĩ Hạnh Phúc kể cách đây vài ngày sau khi bệnh nhân 72 tuổi nêu ở trên xuất viện, các y- bác sĩ, điều dưỡng có nghe họ tổ chức tiệc ăn mừng. “Người dân khi trị hết bệnh vui mừng, đó cũng là niềm vui của bác sĩ!”
Bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc trong nhiệt huyết với nghề, tâm niệm rằng việc đồng lòng gắn bó, chia sẻ anh em làm nghề cũng là yếu tố quan trọng để phục vụ tốt cho bệnh nhân. |
Niềm vui và là động lực để đội ngũ cán bộ nhân viên y tế phấn đấu còn là trong các cuộc họp hội đồng người bệnh cấp khoa, cấp BV, đa số bệnh nhân và người nhà có lời khen về chuyên môn, kỹ năng và tinh thần thái độ phục vụ của y bác sĩ, điều dưỡng trong điều trị, chăm sóc, hướng dẫn bệnh nhân.
Còn trăn trở là khi đứng trước bệnh nhân, đội ngũ y tế cố gắng hết khả năng để cứu chữa nhưng không qua khỏi, dẫn đến gia đình nào đó mất một người thân... những lúc ấy tấm lòng người thầy thuốc rất sẻ chia, đồng cảm với gia đình. “Từ đó đã đặt yêu cầu cao hơn, cố gắng nhiều hơn để y bác sĩ có giải pháp cứu chữa bệnh nhân tốt hơn”- bác sĩ Hạnh Phúc suy ngẫm.
Tiếp xúc với rất nhiều thầy thuốc, y- bác sĩ chúng tôi cũng chỉ mới phần nào thấu hiểu, sẻ chia những vất vả, áp lực mà chỉ những người trong nghề mới cảm nhận hết được. Đó là những ca trực xuyên đêm quên ăn, quên ngủ, là những trăn trở ray rứt trước mỗi ca bệnh khó, là chuyện phơi nhiễm trước đủ các loại bệnh truyền nhiễm… và nỗi lo về con cái, gia đình.
Càng hiểu càng thấy quý, thấy thương lắm những con người ngày đêm tận tụy với từng bệnh nhân, nguyện “sống chết” với nghề. Vậy thì, trước một hiện tượng, một sự cố đơn lẻ nào đó xin hãy khoan vội dùng những từ “ác tâm, ác khẩu” mà gán ghép họ như một tội đồ và đánh đồng cả một tập thể đã cống hiến thầm lặng vì sức khỏe cộng đồng.
Do đó, chúng tôi cũng thật lòng chia sẻ tâm tư của đội ngũ y- bác sĩ những người trẻ mới ra trường lương chỉ vài triệu bạc, những người làm việc hàng chục năm mà lương chỉ tầm 6- 7 triệu đồng.
Những điều chúng ta nhìn thấy chỉ là bề nổi của một nghề đòi hỏi quá nhiều sự cống hiến, hy sinh. Như câu chuyện tiếp xúc với bác sĩ Kim Phương, nụ cười luôn nở trên môi, giọng nói luôn từ tốn, nhẹ nhàng, bình tĩnh giải quyết mọi vấn đề và luôn miệng nói “bình thường”, trước bao nhiêu khó khăn, áp lực bủa vây.
Có lẽ đó là cái cách tốt nhất để người thầy thuốc đối mặt, vượt qua những đòi hỏi đặc thù của nghề thuốc luôn đòi hỏi khắt khe, nghiêm ngặt vì nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.
Nhưng điều mà tôi tâm đắc nhất, đối với người đứng đầu khoa “nặng” của BVĐK tỉnh Vĩnh Long là một quyết tâm xóa tan mọi suy nghĩ chưa đúng về BV, quyết tâm lấy lại “danh dự” cho một đội ngũ thầy thuốc mà đáng ra họ xứng đáng được kính trọng, tôn vinh.
Giữa lúc áp lực phải “gồng gánh” giải quyết số lượng bệnh nhân liên tục tăng và khó khăn về nguồn nhân lực, các khoa phải chia sẻ gánh vác công việc cùng nhau để thường xuyên đưa đội ngũ bác sĩ lên đào tạo tuyến trên nhằm sẵn sàng làm chủ máy móc y tế kỹ thuật cao. Bác sĩ Kim Phương khẳng định: “BVĐK tỉnh Vĩnh Long hiện nay có thể tự tin thực hiện được tất cả phương pháp điều trị kỹ thuật cao của các BV tuyến trên, chỉ thiếu là chúng ta chưa có được đầy đủ những trang thiết bị y tế hiện đại mà thôi”. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin