Không để thiếu vắc xin phòng bệnh ho gà-bạch hầu-uốn ván

09:02, 22/02/2019

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung ứng vắc xin phòng bệnh phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung ứng vắc xin phòng bệnh phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván.

Bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván là các bệnh đã được chủ động phòng tránh bằng cách tiêm phòng vắc xin thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cũng như tiêm chủng dịch vụ.

Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: Phương Vy/TTXVN
Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Báo cáo của các đơn vị cho thấy, khả năng cung ứng vắc xin cho tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trong năm 2019 về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Tuy nhiên, hiện vẫn có những thời điểm nguồn cung chưa thực sự dồi dào, do những sự cố bất khả kháng từ các nhà sản xuất vắc xin trên thế giới, hoặc ngược lại do nhu cầu giữa tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ có sự thay đổi nhiều so với năm trước, nên nguồn cung và nhu cầu thực tế còn chưa tương đồng.

Để tăng cường và chủ động nguồn cung, bảo đảm cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván (bao gồm cả vắc xin phối hợp 5 trong 1, 6 trong 1) cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng và các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, có kế hoạch cụ thể trong việc dự trù, dự trữ, chủ động liên hệ kịp thời với các đơn vị nhập khẩu, cung ứng để ký hợp đồng, đấu thầu, mua sắm (bao gồm cả các biện pháp chủ động thay thế nguồn vắc xin trong trường hợp có nguy cơ nguồn cung tái thiếu hụt đột ngột) nhằm đảm bảo kịp thời có đủ vắc xin phòng bệnh phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván. Đồng thời, các cơ sở tiêm chủng cần phối hợp trong việc chia sẻ lượng vắc xin sẵn có trong những trường hợp cần thiết, nhất là những nơi thiếu cục bộ; chủ động liên hệ với Cục Y tế dự phòng hoặc Cục Quản lý Dược để cung cấp thông tin nhằm thực hiện việc điều phối vắc xin kịp thời giữa các cơ sở, tránh tình trạng thừa – thiếu cục bộ.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu và phân phối vắc xin trên địa bàn chủ động liên hệ ngay với các cơ sở tiêm chủng đang thiếu vắc xin và cung ứng ngay lượng vắc xin còn trong kho để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất vắc xin cần phát huy nội lực, tăng cường hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ các cơ sở sản xuất vắc xin nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất, cũng như chất lượng vắc xin sản xuất trong nước.

Các cơ sở nhập khẩu vắc xin chủ động tìm kiếm, liên hệ, đàm phán với các nhà sản xuất nước ngoài để có thể tăng thêm số lượng các loại vắc xin nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng. Các cơ sở đăng ký hoàn thiện hồ sơ đăng ký lưu hành đối với các loại vắc xin mới, cũng như thường xuyên cập nhật thông tin của các vắc xin đã được cấp giấy đăng ký lưu hành để hoàn thiện hồ sơ đăng ký lại, thay đổi, bổ sung. Các cơ sở sản xuất, đăng ký, nhập khẩu vắc xin báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Dược các trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng vắc xin tại Việt Nam như chậm, thiếu hoặc ngừng cung cấp vắc xin.

Đối với các cơ sở nhập khẩu vắc xin, Cục Quản lý Dược yêu cầu chủ động điều chỉnh kế hoạch để tăng cường số lượng vắc xin nhập khẩu kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tế và khẩn trương tiến hành thủ tục nhập khẩu về Việt Nam. Khẩn trương thực hiện gửi mẫu các lô vắc xin ngay sau khi vắc xin được nhập khẩu về Việt Nam để kiểm định tại Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế theo quy định.

Theo Bích Thủy (TTXVN)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh