Cứu tinh cho bệnh nhân đột quỵ

02:02, 22/02/2019

Ngày 20/2/2019, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) quốc tế SIS Cần Thơ (bệnh viện đột quỵ tim mạch) đi vào hoạt động tại TP Cần Thơ (phường An Bình, quận Ninh Kiều). Là bệnh viện chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ, tim mạch đầu tiên, đây là hy vọng lớn cho hơn 10.000 ca đột quỵ mỗi năm tại các tỉnh ĐBSCL.

Ngày 20/2/2019, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) quốc tế SIS Cần Thơ (bệnh viện đột quỵ tim mạch) đi vào hoạt động tại TP Cần Thơ (phường An Bình, quận Ninh Kiều). Là bệnh viện chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ, tim mạch đầu tiên, đây là hy vọng lớn cho hơn 10.000 ca đột quỵ mỗi năm tại các tỉnh ĐBSCL.

1 phút trôi qua, người đột quỵ mất 2 triệu tế bào thần kinh

Đột quỵ có thể xảy ra tại mọi thời điểm trong cuộc đời và không loại trừ một ai. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, sau bệnh tim mạch và bệnh ung thư. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn thế giới cứ 45 giây có 1 người bị đột quỵ và 3 phút có 1 người tử vong do đột quỵ.

Đột quỵ đang ảnh hưởng 20% dân số thế giới và đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Riêng tại Việt Nam, hàng năm có 200.000 người bị đột quỵ. Trong đó, có 11.000 người tử vong và trên 90% bệnh nhân sống sót mắc di chứng liệt suốt đời.

Theo TS. BS Trần Chí Cường- Giám đốc Y khoa BVĐK SIS, Chủ tịch Hội Thần kinh và Can thiệp mạch máu não TP Hồ Chí Minh, người bị tăng huyết áp thì nguy cơ bị đột quỵ tăng từ 3- 4 lần, thậm chí có thể gấp 10 lần so với người bình thường.

Những người có nguy cơ đột quỵ cao nhất là người trên 50 tuổi, béo phì, mắc bệnh mỡ máu, tiểu đường, tim mạch hoặc hay stress, hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia…

Theo TS. BS Trần Chí Cường, trước lúc bị đột quỵ, 80% người bệnh sẽ có biểu hiện “cơn thiếu máu não thoáng qua”.

Đầu tiên bệnh nhân có cảm giác tê yếu tay chân thoáng qua; tê yếu tay chân cùng bên nửa người thoáng qua, cơn mờ mắt thoáng qua; nói khó, mất kiểm soát tay chân thoáng qua. “Đây là biểu hiện đầu tiên của người bị đột quỵ, nhưng vì là thoáng qua nên hầu như không ai chú ý và dễ bị bỏ qua”- TS. BS Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Trong khi đối tượng bệnh đột quỵ ngày càng mở rộng thì căn bệnh này chưa được nhìn nhận đúng. Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều người sơ cứu bằng cách chích máu ở 10 đầu ngón tay, cạo gió,…

Tất cả những mẹo vặt chỉ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và lãng phí đi “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân.

“Bệnh nhân đột quỵ nếu đến trễ sau 6 giờ, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị. Cơ hội sống còn cũng như chất lượng cuộc sống sẽ mất dần theo thời gian cho dù có đủ các trang thiết bị hiện đại vì 1 phút trôi qua trong bộ não của bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh mất đi”- TS. BS Trần Chí Cường cho biết.

Cứu tinh cho bệnh nhân đột quỵ

Với gần 20 năm công tác trong ngành y, TS. BS Trần Chí Cường luôn thấm nhuần lời dạy “lương y phải như từ mẫu”. Bằng thái độ làm việc nghiêm túc, tận tâm, hết lòng, ông luôn được bệnh nhân và đồng nghiệp tin yêu, quý trọng bởi tài năng và đức độ của một lương y có tâm với nghề. 

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành bệnh viện, TS.BS Trần Chí Cường chia sẻ: “Làm việc tại bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, tôi chỉ có thể cứu được 100 người nhưng về đây tôi có thể cứu được 1.000 người.

Mỗi năm ĐBSCL có 10.000 trường hợp đột quỵ, trong số đó có hơn 97% đến bệnh viện sau “thời gian vàng” do các bệnh nhân đột quỵ trong vùng hầu hết phải lên TP Hồ Chí Minh để cấp cứu dẫn đến tỷ lệ tử vong hoặc tàn phế rất lớn. Với việc cấp cứu, can thiệp kịp thời các trường hợp đột quỵ, sẽ giúp bệnh nhân giành lấy sự sống, hạn chế tỷ lệ tàn phế.

BVĐK quốc tế SIS Cần Thơ là bệnh viện chuyên khoa, khám và điều trị xử lý cấp cứu, can thiệp đột quỵ, tim mạch kỹ thuật cao, ứng dụng những công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, bệnh viện còn trang bị hệ thống ca nô để vận chuyển người bệnh một cách nhanh nhất trong điều kiện giao thông thủy như ở đây.

Liên kết trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân có BHYT cũng sẽ được bệnh viện triển khai trong thời gian tới. Và để hỗ trợ bà con nghèo, bệnh viện đã lập Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân với quyết tâm không để người bệnh vì khó khăn mà không được cấp cứu kịp thời.

BVĐK quốc tế SIS được xây dựng quy mô 10 tầng, đầu tư trang bị thiết bị hiện đại như máy siêu âm chẩn đoán tim bẩm sinh, chụp CT 128 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ MRI 3 Tesla, máy chụp mạch máu xóa nền DSA chuyên sâu cho can thiệp đột quỵ… Tổng mức đầu tư của bệnh viện là 500 tỷ đồng. Bệnh viện có sự hợp tác cùng các bệnh viện ĐH Y khoa Tennessee, Bệnh viện đột quỵ Erlanger (Hoa Kỳ), ĐH Y khoa Toronto (Canada)…

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh