Những ngày vui xuân đón tết là dịp để sum họp, gặp gỡ người thân, bạn bè. Làm thế nào để người bệnh tiểu đường có thể vui vẻ đón xuân mà không còn phải đau đáu nỗi lo sợ bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Thạc sĩ, BS CK1 Nguyễn Trung Tín (Bệnh viện đa khoa Triều An- Loan Trâm) chia sẻ về chế độ dinh dưỡng, những lưu cho người bị bệnh tiểu đường vào dịp tết.
Những ngày vui xuân đón tết là dịp để sum họp, gặp gỡ người thân, bạn bè. Làm thế nào để người bệnh tiểu đường có thể vui vẻ đón xuân mà không còn phải đau đáu nỗi lo sợ bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Thạc sĩ, BS CK1 Nguyễn Trung Tín (Bệnh viện đa khoa Triều An- Loan Trâm) chia sẻ về chế độ dinh dưỡng, những lưu cho người bị bệnh tiểu đường vào dịp tết.
BS CK1 Nguyễn Trung Tín khám và tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân bị tiểu đường. |
*PV: Trước hết, xin BS vui lòng phân tích vì sao vào những dịp tết, người bệnh lại rất khó kiểm soát tốt được đường huyết? Trong đó đa phần lại là người bệnh tiểu đường?
- BS CK1 Nguyễn Trung Tín: Dịp tết đến, xuân về rất nhiều người bệnh tiểu đường hay gặp khó khăn trong việc giữ cho mức đường huyết được ổn định. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Thức ăn trong ngày Tết mrất nhiều thứ giàu năng lượng như bánh kẹo, mứt, quả hạt sấy khô, thịt ba rọi,... dễ dàng làm đường huyết tăng cao. Bệnh nhân (BN) hay dùng đến các thức uống có cồn, có ga như rượu bia, nước ngọt mà thông thường có thể ít khi người bệnh dùng đến.
Nhiều BN lơ là bỏ qua không tập thể dục, điều này cũng góp phần làm kém bình ổn đường huyết. Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng không kém phần quan trọng.
Sau 1 năm ăn uống kiêng cử vất vả, BN tự cho mình tận hưởng những thức ăn họ thích mà ngày thường không dùng với suy nghĩ thôi kệ, mỗi năm Tết có 1 lần nên cứ ăn uống thoải mái vài bữa rồi qua tết kiêng cử lại sau. Một số BN còn có tâm lý “kiêng chữa bệnh”, họ sẽ không uống thuốc vào dịp tết, đây là quan niệm hết sức sai lầm.
*PV: Nhiều người cho rằng: họ ăn uống cũng không nhiều, nhưng không hiểu sao vẫn bị tăng đường huyết dịp tết ? Ý kiến của BS thế nào?
- BS CK1 Nguyễn Trung Tín: Đây là thắc mắc mà BN vẫn thường hay hỏi BS. Câu trả lời là chắc chắn không phải tự nhiên đường huyết tăng, mà phải có nguyên nhân nhưng do BN chưa nắm rõ. Việc đánh giá ăn uống nhiều hay ít thường mang yếu tố cảm tính nhiều nên tính chính xác cũng không cao lắm.
Và có thể mỗi lần BN ăn thật sự ít nhưng số lần ăn nhiều hơn ngày thường, mỗi lần ăn 1 vài miếng bánh mứt chẳng hạn, người bệnh có thể nghĩ như vậy không đáng kể. Ngoài ra cũng phải nói đến đó là những thực phẩm gì.
Ngày Tết sẽ có nhiều thức ăn giàu năng lượng dễ làm tăng đường huyết. Ngoài ra sẽ có nhiều buổi tiệc tùng mà việc ăn uống sẽ khó kiểm soát hơn so với ngày thường.
Tuy nhiên, BN cũng có thể thưởng thức hương vị ngày Tết một cách thoải mái với người thân bằng cách lực chọn thực phẩm sao cho phù hợp.
Với thực phẩm nhiều tinh bột bánh tét hay bánh chưng, người bệnh vẫn có thể dùng 1 ít. Nếu gói bánh với thịt thì khi gói loại bỏ phần mỡ ra. Bún sẽ ít gây tăng đường huyết hơn là xôi hay cơm.
Đối với món ăn nhiều chất đạm như thịt kho thì không dùng da, mỡ. Các món cá cũng là sự lựa chọn thích hợp. Rau củ quả nên dùng các loại rau xanh, hạn chế đồ sấy khô như chuối sấy, mít sấy. Nước uống thì tránh bia rượu, nước ngọt, mà nên uống nước chín hay nước trà.
-PV: Nhiều người thì cho rằng: thôi tết mà ăn uống thoải mái chút...rồi qua tết giữ đường huyết lại cũng chẳng sao? BS có ý kiến gì về quan niệm này ?
- BS CK1 Nguyễn Trung Tín: Việc kiểm soát đường huyết ổn định liên tục luôn là mục tiêu mà BS mong muốn BN đạt được.
Nếu ăn uống thiếu kiểm soát, nhất là khi Tết là 1 đợt lễ dài ngày thì đường huyết BN dễ bị cao sau khi tái khám. Khi đó có thể phải chỉnh lại liều thuốc điều trị sao cho phù hợp. Và như vậy BN có thể phải uống thuốc nhiều hơn, chi phí điều trị nhiều hơn, dễ bị tác dụng phụ của thuốc hơn.
Trong trường hợp này, để kiểm soát đường huyết tốt hơn thì BS thường yêu cầu BN tái khám mau hơn so với khi đã kiểm soát đường huyết ổn định nên BN sẽ tốn thời gian tái khám nhiều hơn. Ngoài ra nếu để đường huyết tăng quá mức có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có khi để lại hậu quả đáng tiếc nếu không được điều chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, việc ăn uống quá thoải mái mà thiếu kiểm soát có thể dẫn đến các bệnh lý khác như viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, tăng cân, mỡ máu cao,...
*PV: Thực tế trong những tết vừa qua, việc không kiểm soát tốt đường huyết của bệnh nhân thường dẫn đến những hệ quả ra sao, thưa BS?
- BS CK1 Nguyễn Trung Tín: Việc kiểm soát đường huyết kém, nhất là sau dịp tết có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn như tiểu nhiều, sụt cân, nhìn mờ, chóng mặt,...
Trường hợp nặng có thể rất nguy hiểm. BN sẽ rơi vào tình trạng toan Ceton, biểu hiện bên ngoài sẽ thấy BN khó thở (thở nhanh và sâu), hơi thở có mùi trái cây thối, có các dấu hiệu mất nước như môi khô nứt nẻ, vẻ mặt hốc hác, mạch nhanh, huyết áp giảm. BN bị rối loạn tri giác nặng dần từ rối loạn cảm giác, lơ mơ rồi hôn mê.
Khi đó, phải lập tức điều trị cấp cứu, tiêm Insulin đường tĩnh mạch, truyền dịch để bù nước và điện giải. Theo dõi sát các chỉ số đường và ion đồ trong máu, thử khí máu động mạch để theo dõi đáp ứng điều trị, cho thở oxy khi có khó thở. Khi BN mê, phải đặt ống thông dạ dày và thông tiểu.
Và dù cho đã điều trị tích cực, người bệnh vẫn có thể mắc các biến chứng nặng nề như phù não, suy tim, nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng và sốc, có thể dẫn đến tử vong.
Để giữ sức khỏe, ngoài việc chú ý uống thuốc đều đăn, chú ý ăn uống hợp lý, người tiểu đường đừng quên vận động cơ thể, mỗi ngày ít nhất 30 phút tập thể dục nhẹ nhàng, tốt nhất là đi bộ hoặc chơi cầu lông nhưng nhớ là thực hiện xa bữa ăn (không nên ăn xong vận động cơ thể ngay).
SÔNG TRĂNG (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin