Để mẹ bầu có chế độ dinh dưỡng thai kỳ hiệu quả, không phải trải qua những cảm xúc tiêu cực như buồn phiền, lo âu thì trong quá trình chăm sóc thai kỳ, việc khám thai là rất cần thiết. Khám thai định kỳ là cách chăm sóc thai tích cực nhất và đem lại nhiều lợi ích cho mẹ và con.
Để mẹ bầu có chế độ dinh dưỡng thai kỳ hiệu quả, không phải trải qua những cảm xúc tiêu cực như buồn phiền, lo âu thì trong quá trình chăm sóc thai kỳ, việc khám thai là rất cần thiết. Khám thai định kỳ là cách chăm sóc thai tích cực nhất và đem lại nhiều lợi ích cho mẹ và con.
BS.CK2 Võ Đông Hải tư vấn sức khỏe cho thai phụ. |
Hiệu quả của khám thai định kỳ
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Triều An- Loan Trâm (TP Vĩnh Long) buổi sáng đầu năm mới, chúng tôi bắt gặp nhiều sản phụ đến đây thăm khám thai. Nhiều chị mang thai được 21-24 tuần, có chị thì gần đến ngày sinh và cũng không ít chị chỉ mới “cảm giác mình có thai”.
Việc thăm khám thai ngay khi nghĩ mình có thai là rất quan trọng. Vì đây là giai đoạn rất nhạy cảm và dễ có nhiều vấn đề trục trặc xảy ra cho thai nhi nếu bà mẹ không biết cách quản lý bảo vệ bào thai.
Chị Nguyễn Ngọc Hà (Phường 9- TP Vĩnh Long) đang bầu 9 tuần và nghén nặng, người lúc nào cũng nôn nao khó chịu và mệt mỏi, ăn gì cũng nôn, uống nước thôi cũng nôn.
Thỉnh thoảng chị Hà mới ăn được một cái gì đó mà không bị nôn ra nên chị Hà đang rất lo sẽ bị giảm cân.
Nhưng sau khi thăm khám, chị Hà được bác sĩ chuyên khoa 1 (BS. CK1) Lưu Thị Trâm Anh tư vấn nôn ói khi mang thai 3 tháng đầu không có gì là trầm trọng, không cần phải lo lắng bị giảm cân hay không đủ dinh dưỡng để nuôi thai.
“Mẹ bầu có thể ăn những thức ăn không gây ói, chia nhiều bữa ăn trong ngày, tuyệt đối không nên để bụng trống, không bắt buộc phải ăn thức ăn quá nhiều bổ dưỡng vì còn nhiều thời gian để bồi dưỡng cho sức khỏe của bạn và thai nhi.
Ăn thức ăn có đạm và những thức ăn kích thích vị giác. Cố gắng tránh ngửi các mùi ở thức ăn gây buồn nôn”- BS Trâm Anh cho biết.
Theo BS.CK2 Võ Đông Hải (chuyên Khoa Sản, Phó Giám đốc BVĐK Triều An- Loan Trâm), trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ sẽ có các nguy cơ như sẩy thai, bị cảm cúm (nên tiêm ngừa cúm trước mang thai), nhiễm siêu vi nếu không phát hiện có thai sớm và thai phụ tự ý sử dụng thuốc nên có thể gây các dị tật cho thai.
Do đó khi phát hiện có thai nên sớm đi khám và tư vấn bởi bác sĩ sản phụ khoa để có kế hoạch chăm sóc thai kỳ. Bác sĩ đưa ra lịch hẹn khám thai, các mốc thời gian siêu âm cần thiết, các xét nghiệm tiền sản nhằm đánh giá nguy cơ dị tật của thai như đo độ mờ da gáy và xét nghiệm máu Double test (11- 13 tuần 6 ngày) và bổ sung các vitamin, thuốc sắt, calci và acid folic đầy đủ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế.
Trong những tháng tiếp theo, thai phụ sẽ được lập kế hoạch khám thai, theo dõi tăng cân thai kỳ, tư vấn thai phụ theo dõi cử động thai, siêu âm thai hình thái 4D, siêu âm Doppler màu, xét nghiệm nước tiểu (tầm soát bệnh lý tiền sản giật), xét nghiệm dung nạp đường (tầm soát tiểu đường thai kỳ),…
Để có thai kỳ khỏe mạnh
Dù khó lường trước được các tai biến trong quá trình mang thai và chuyển dạ, thế nhưng y học ngày càng tiến bộ cũng đã có thể sớm can thiệp và tầm soát được những nguy cơ cao của các tai biến trong quá trình mang thai và sinh con.
Muốn làm được những điều này, đòi hỏi các sản phụ phải tuân thủ thăm khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm cần thiết theo đúng chỉ định của thầy thuốc.
Mang thai ở tuần thứ 30, chị Lê Thanh Nhân (32 tuổi, huyện Châu Thành- Đồng Tháp) bị phù nhẹ ở mặt, tay chân. Đi thăm khám thai, chị được bác sĩ cho biết huyết áp chị cao và cần được theo dõi thường xuyên.
Đến tuần thứ 34, chị cảm thấy người nặng nề, mệt mỏi, chóng mặt và khó thở, tay chân mặt bị phù rất nhiều, bác sĩ chỉ định chị phải nhập viện liền để điều trị bệnh lý tiền sản giật.
Chỉ cần mổ lấy thai, chấm dứt thai kỳ sớm thì huyết áp của chị sẽ ổn định. Chị nhập viện điều trị với bệnh án tiền sản giật, thai to, dư ối, tiểu đường thai kỳ, dọa sinh non.
Các bác sĩ chuyên Khoa Sản BVĐK Triều An- Loan Trâm hội chẩn và quyết định cố giữ cho huyết áp hạ xuống, cố gắng giữ thêm ngày để bé ở trong bụng mẹ khi sinh ra được khỏe hơn.
Song, huyết áp của chị cứ lên xuống thất thường, đến ngày thứ 12 thì huyết áp tăng vọt lên 190/130mmHg, đe dọa tính mạng của cả mẹ và con.
Vì thế, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai ở tuần thứ 36, khi đó các bác sĩ nhi khoa đợi ngay trong phòng mổ để sẵn sàng cấp cứu cho bé. May mắn ca mổ của chị thành công, mẹ tròn con vuông. Sau khi mổ, huyết áp của chị ổn định và em bé của chị khỏe mạnh.
Theo BS.CK2 Võ Đông Hải, những dấu hiệu phù nhiều hay bụng to đột ngột, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu cần đến cơ sở y tế khám ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh lý tiền sản giật, đa ối cấp ở những sản phụ đái tháo đường thai kỳ thông qua đo huyết áp, xét nghiệm máu, sinh hóa máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm.
Và một dấu hiệu đặc biệt quan trọng đó là cử động thai, chỉ có người mẹ mới theo dõi sát tình trạng sức khỏe của con chính xác nhất thông qua cảm nhận cử động của thai nhi trong bụng.
Khi cử động thai có thay đổi so với bình thường (tăng hoặc giảm tần suất cử động thai) phải đến khám ngay để xác định tình trạng sức khỏe thai nhi.
Chăm sóc thai tích cực sẽ giúp các mẹ bầu có đầy đủ sức khỏe và thông tin, thêm tự tin trong thai kỳ; giúp phát hiện kịp thời các vấn đề sức khỏe của mẹ và thai. Chăm sóc thai kỳ là một trong các yếu tố cần để có được kết quả “mẹ tròn con vuông”.
Theo BS.CK2 Võ Đông Hải, sản phụ khi sinh nở nên tìm đến các cơ sở y tế có đầy đủ các trang thiết bị để kịp thời can thiệp khi có những trục trặc bất thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ. Về việc sinh thường hay sinh mổ thì đều có nguy cơ, tuy nhiên sinh thường vẫn ít nguy cơ và biến chứng hơn mổ lấy thai. Sinh thường có các nguy cơ như rách tầng sinh môn, băng huyết, sang chấn thai nhi. Trong khi sinh mổ có những nguy cơ: về phía mẹ phải chịu vết mổ lấy thai, thai kỳ lần sau sẽ là thai kỳ nguy cơ cao có thể vỡ tử cung, thai bám vết mổ cũ, nguy cơ băng huyết… Mổ lấy thai có thể gây chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, tổn thương các cơ quan ổ bụng như ruột, bàng quang… Nên bác sĩ chỉ mổ lấy thai khi sản phụ không sinh được hoặc có chỉ định phẫu thuật. Và quan điểm sinh mổ an toàn hơn thì không chính xác. |
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin