Chủ động phòng chống bệnh sởi

01:01, 25/01/2019

Hiện nay, ở Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhiệt đới (TP Hồ Chí Minh) ghi nhận rất nhiều ca mắc bệnh sởi. Đối tượng bệnh nhân mắc bệnh sởi đa dạng, từ trẻ em, người lớn cho đến thai phụ. Vậy cần làm gì để phòng bệnh sởi và ngăn ngừa dịch bệnh sởi tái phát?

 

Hiện nay, ở Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhiệt đới (TP Hồ Chí Minh) ghi nhận rất nhiều ca mắc bệnh sởi. Đối tượng bệnh nhân mắc bệnh sởi đa dạng, từ trẻ em, người lớn cho đến thai phụ. Vậy cần làm gì để phòng bệnh sởi và ngăn ngừa dịch bệnh sởi tái phát?

Nhiều trẻ bị bệnh sởi biến chứng nặng phải nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.
Nhiều trẻ bị bệnh sởi biến chứng nặng phải nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.

Bệnh sởi đừng chủ quan

Sởi là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong tất cả các loại bệnh gây phát ban hoặc sốt ở trẻ em. Bệnh cũng có thể xảy ra ở người trưởng thành nhưng ít gặp hơn. Mặc dù bệnh sởi đã có vắc xin phòng ngừa nhưng không phải trẻ nào cũng được tiêm phòng. Đây là căn bệnh có tính lây lan nhanh, vi rút sởi có thể lây lan qua dịch nước khi trẻ hắt hơi và ho.

Nhìn con trai mới 9,5 tháng tuổi nằm thở oxy, bé rướn người trở mình, nhăn mặt khó chịu, chị Nguyễn Thanh Kiều (huyện Củ Chi- TP Hồ Chí Minh) lấy quạt quạt cho con xuýt xoa: “Con trai mẹ ngoan, ngứa khó chịu lắm phải không? Cố lên con nhe, con sẽ mau khỏe thôi mà!” Chị Kiều giở áo con lên thì chúng tôi không khỏi xót xa, cả mặt và người bé đầy chi chít nốt sởi đỏ, còn sốt cao, thở khò khè nên phải thở oxy.

Nằm chung giường, bé gái 8 tháng rưỡi, mặt cũng chi chít những nốt ban sởi đỏ cũng ư e, khóc vì khó chịu. Bà ngoại bé lấy nước ấm lau người cho cháu và nói: “Lau vậy cho bé đỡ ngứa ngáy, vô Nhi Đồng nằm được hơn 3 ngày đó. Cháu tui bị nặng, thở khó nên phải hỗ trợ thở oxy. Nhỏ xíu mà bệnh, cháu chưa kịp chích ngừa là bệnh rồi”.

BS chuyên khoa 1 Dư Tuấn Quy (Khoa Nhiễm- Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: “Đa số các bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, nổi ban, viêm phổi. Đặc biệt, có các trường hợp mắc sởi chưa tới 9 tháng tuổi, nghĩa là chưa đủ tháng để tiêm vắc xin phòng sởi. Thông thường, ở độ tuổi này, ban sởi không điển hình, chăm sóc khó khăn, trẻ dễ bị bội nhiễm. Đáng lưu ý, các bé bị sởi do lây nhiễm từ phụ huynh, do đó, không loại trừ nguyên nhân phụ huynh không biết bị nhiễm bệnh nên đã vô tình lây bệnh cho con”.

Chị Kim Thiên Hương (huyện Cao Lãnh- Đồng Tháp) ẵm con gái hơn 3 tháng tuổi đi tới đi lui cho con bớt quấy khóc. Chị cho biết, chị vừa điều trị sởi ở Bệnh viện Nhiệt Đới hơn 10 ngày thì xuất viện về nhà thì tới con gái chị bệnh. “Ý là về nhà, cách ly con mấy ngày mới dám ẵm bồng mà rốt cuộc con cũng bị sốt cao, khám uống thuốc hạ sốt không bớt, rồi con nổi ban, bú ọc sữa, vô bệnh viện tỉnh rồi chuyển bé lên đây điều trị luôn”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các bệnh nhi mắc bệnh sởi được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Phụ huynh cho biết, khi đến tuổi tiêm thì trẻ bị ốm hoặc mẹ sợ nguy hiểm nên không cho con tiêm chủng. Ngày 21/1/2019, bệnh viện đang điều trị 30 ca, trong đó có 6 ca nặng phải thở oxy và 3 ca thở Ncpap.

Theo BS CK 1 Dư Tuấn Quy, triệu chứng bệnh sởi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gồm

- Sốt cao (có thể hơn 400C)

- Ho, sổ mũi.

- Đỏ mắt, chảy nước mắt

- Phát ban xuất hiện 3-5 ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu thường ở mặt, sau đó tai, ngực, bụng rồi đến tay chân.

Chủ động phòng chống bệnh sởi

Theo BS chuyên khoa 1 Dư Tuấn Quy, bệnh sởi thường rải rác quanh năm, các tháng mưa lạnh ẩm kéo dài, mùa Đông Xuân có thể tăng cao hơn. Bệnh do siêu vi của đường hô hấp trên nên thường có các triệu chứng ban đầu là sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ, sưng.

 Sởi thường diễn biến tự khỏi, song có thể có khoảng 30% trẻ em và 5% người lớn sẽ có biến chứng như viêm phế quản- phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não, suy dinh dưỡng... Do vậy, BS Tuấn Quy cũng kêu gọi các bậc cha mẹ nên đưa con em đi tiêm ngừa sởi đủ 2 mũi lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi.

Bệnh lây qua đường hô hấp, có thể điều trị cách ly tại nhà hoặc nhập viện theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân được bổ sung Vitamin A theo toa bác sĩ, cần mang khẩu trang để tránh lây lan, trong tuần đầu phát ban hạn chế đến nơi đông người.

Khi mắc bệnh sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc với những người chưa mắc bệnh. Thời điểm dễ lây bệnh nhất là 2 ngày trước khi phát ban và 4 hoặc 5 ngày sau khi phát ban.

“Khi con bị bệnh sởi, nhiều phụ huynh thiếu hiểu biết đã có những cách chăm sóc sai lệch, không khoa học như kỵ gió, nước mà không tắm rửa sạch sẽ cho con. Nhiều người vì nghĩ con khó tiêu hóa nên chỉ cho con ăn cháo trắng sẽ khiến cơ thể trẻ bị suy nhược, mệt mỏi, thiếu chất dinh dưỡng, kéo theo thời gian điều trị dài hơn và dễ lây nhiễm nhiều căn bệnh khác. Cần chia cho trẻ ăn nhiều bữa, đảm bảo đủ dưỡng chất cho con”- BS Tuấn Quy nhắn nhủ.

Ngoài ra, người chăm sóc trẻ phải đeo khẩu trang; thường xuyên vệ sinh tay chân. Khi chăm sóc người bệnh sởi xong cần phải tắm rửa, thay quần áo rồi mới chăm trẻ khác; cần bổ sung Vitamin C, dinh dưỡng tăng sức đề kháng. Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc trẻ em có biến chứng viêm tai giữa hay viêm phổi khi bị nghi mắc sởi thì cần được đưa đến các bệnh viện chuyên khoa để điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm về sau.

Khi phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi, thai càng nhỏ thì nguy cơ gây dị tật cho thai nhi càng cao; còn thai lớn sẽ có nguy cơ sinh non. Nếu thai phụ có dấu hiệu đau bụng, ra dịch âm đạo, bất thường về thai thì phải đi khám sản ngay.

Ngoài ra, người mẹ cần tăng cường chế độ dinh dưỡng. Phụ nữ đến tuổi cần tiêm ngừa sởi mà không chờ đến lúc mang thai.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh