Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế, tháng 11 năm nay, một số bệnh truyền nhiễm có yếu tố nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết có số ca mắc giảm so tháng 10.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế, tháng 11 năm nay, một số bệnh truyền nhiễm có yếu tố nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết có số ca mắc giảm so tháng 10.
Đang là thời điểm bắt đầu mùa Đông– Xuân nên một số bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp tăng lên như: sởi, cúm mùa, quai bị, thủy đậu,...
Tiêm chủng đầy đủ các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ phòng nhiều bệnh truyền nhiễm. |
Bệnh lưu hành giảm, nhưng có tử vong
Tháng 11/2018, ghi nhận 603 ca mắc bệnh tay chân miệng, 147 ca mắc sốt xuất huyết, so tháng trước số ca mắc lần lượt giảm tương ứng 29% và 41%.
Theo báo cáo Sở Y tế, tính chung tới tháng gần cuối năm nay có 1.087 ca bệnh sốt xuất huyết, so với 1.598 ca bệnh cùng kỳ năm 2017, đã giảm gần 32%.
Tương tự, số mắc tay chân miệng cộng dồn đến thời điểm trên là 2.265 ca, so 2.928 ca cùng kỳ năm 2017, bệnh giảm hơn 22%.
Đây là 2 bệnh có yếu tố nguy hiểm lưu hành thường xuyên tại tỉnh. Đáng nói dù có số mắc giảm tới gần hết năm nay, nhưng đã có 2 ca tử vong chia đều trên 2 bệnh truyền nhiễm này.
Đó là bệnh nhi 7 tuổi tử vong tại bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh hồi tháng 3/2018 do mắc sốt xuất huyết nặng. Tới tháng 11, một ca bệnh nhi hơn 2 tuổi tử vong do mắc tay chân miệng độ nặng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật điều tra giám sát cho biết, bệnh nhi chuyển từ cơ sở y tế tuyến huyện lên bệnh viện tuyến trên, được chẩn đoán tay chân miệng độ 4 và được bệnh viện tích cực điều trị theo phác đồ, nhưng vẫn không qua khỏi. Trong khi cùng thời gian này năm ngoái, không có trường hợp tử vong.
Bác sĩ Huỳnh Thành Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế cho biết, về cơ bản mô hình bệnh tật ở địa phương ít thay đổi.
Chỉ mới là trong 10 năm trở lại đây xuất hiện, lưu hành bệnh rubella và tay chân miệng. Cùng với tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng là bệnh lưu hành tại địa phương hiện nay và hiện chưa có vắc xin phòng hay thuốc điều trị đặc hiệu.
Trẻ em là đối tượng chủ yếu mắc 2 bệnh trên. Phụ huynh nên theo dõi chặt chẽ khuyến cáo các dấu hiệu bệnh để đưa đến cơ sở y tế thăm khám và được tư vấn điều trị kịp thời. Về cơ bản, hạn chế thấp nhất để bệnh trở nặng sẽ ít nguy hiểm.
Phòng bệnh hô hấp giao mùa Đông- Xuân
Vắc xin phối hợp sởi- rubella tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. |
Sở Y tế báo cáo tháng 11 năm nay, bệnh sởi có 3 ca. Tháng 10 ghi nhận 2 ca. Tích lũy đầu năm đến nay là 5 ca bệnh.
Trong khi cùng kỳ năm 2017 không phát hiện bệnh sởi. Một số bệnh lây qua đường hô hấp tháng vừa qua cũng có số mắc tăng so tháng trước, tương ứng: quai bị 50 ca/12 ca; thủy đậu 44 ca/23 ca; cúm mùa 10 ca/2 ca...
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân: “Bệnh có vắc xin phòng thì tiên quyết nhất là phụ huynh nên đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ”.
Tại địa phương có các bệnh truyền nhiễm thực hiện tiêm phòng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, gồm: lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, Hib (viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib).
Với các bệnh có vắc xin phòng nhưng không có trong tiêm chủng mở rộng, các phụ huynh cũng nên đưa trẻ đi tiêm ngừa dịch vụ, như: cúm mùa, thủy đậu; hay để có miễn dịch ngừa quai bị sẽ tiêm liều vắc xin phối hợp “3 trong 1” gồm sởi- quai bị- rubella. Đó là cách chung nhất để có miễn dịch đầy đủ phòng các bệnh truyền nhiễm.
Trở lại thời điểm giao mùa Đông- Xuân, nhiệt độ hạ thấp, se lạnh và không khí khô ráo là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh và gây bệnh. Đối với trẻ em, do sức đề kháng còn kém trong khi trẻ chưa có ý thức tự phòng bệnh cho mình nên sẽ dễ mắc bệnh hô hấp đã nêu.
Ngoài tiêm chủng, phụ huynh nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh mũi, họng hàng ngày và giữ ấm cho trẻ- nhất là về đêm, mang khẩu trang cho trẻ khi ra đường, hạn chế để trẻ tiếp xúc với người bệnh về hô hấp, tránh cho trẻ tiếp xúc với máy quạt, máy lạnh, khói thuốc lá, khói nhà bếp,...
Mùa tết với nhiều hoạt động vui chơi, ăn uống nên mọi người mọi nhà chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống chín. Đặc biệt chú ý rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm, trước khi chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn... sẽ giúp loại bỏ hiệu quả các tác nhân gây bệnh nói chung.
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin