Ung thư vú là căn bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ Việt Nam và các nước trên thế giới. Điều đáng báo động nhất ở đây là tỷ lệ trẻ hóa và mức độ nhận thức còn thấp của bệnh nhân ung thư vú.
Ung thư vú là căn bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ Việt Nam và các nước trên thế giới. Điều đáng báo động nhất ở đây là tỷ lệ trẻ hóa và mức độ nhận thức còn thấp của bệnh nhân ung thư vú.
BS CK2 Võ Đông Hải tư vấn, giúp chị em phòng ngừa bệnh. |
Nguy hiểm ung thư vú
Theo các chuyên gia về ung thư, bệnh ung thư vú chủ yếu là do yếu tố ngoại sinh chiếm tới 80%, trong đó các yếu tố hít phải khói thuốc, lạm dụng bia rượu, chế độ ăn uống nhiều năng lượng, ít rau xanh, trái cây tươi và các chất xơ, thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ bị ung thư vú.
Chị N.N.Q. (Phường 2- TP Vĩnh Long) “bủn rủn tay chân” khi bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ gọi chị và chồng vào thông báo chị đã bị ung thư vú giai đoạn 2.
Các khối u đã bắt đầu phát triển. Chị Q. tâm sự: “Gần đây chị thấy ở đầu ngực trái hay có dịch vàng. Chị không biết là bị làm sao vì ngực không thấy khối u. Đầu ti hơi thụt nên chị đi bệnh viện kiểm tra, chụp CT thì bác sĩ nói bị ung thư vú”.
“Vào bác sĩ tư vấn phác đồ để điều trị, bác sĩ hỏi chồng chị có nghiện thuốc không thì 2 vợ chồng thêm sốc khi bác sĩ nói khói thuốc lá cũng là một trong các tác nhân khiến chị bị ung thư vú.
Hơn 15 năm sống chung, anh vô tư hút suốt kể cả trong nhà, trong phòng. Chị thì cũng đã quen với khói thuốc của chồng nên cũng không phàn nàn gì. Giờ mới biết đó là khói độc thì cũng đã… muộn rồi”- chị Q. rơm rớm nước mắt.
Năm 2015, chị N.T.T.D. (30 tuổi, xã Trường An- TP Vĩnh Long) phát hiện ngực trái có khối u nhưng bác sĩ không thể can thiệp vì lúc đó chị đang mang thai đứa con thứ 2.
Sau khi sinh 9 tháng, khối u phát nặng hành đau nhức buộc chị D. phải nhập viện. Qua kiểm tra, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh xác định chị Dung bị u ác đã tiến hành hóa trị.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các trung tâm ghi nhận ung thư, năm 2018 ung thư vú chiếm gần 10% tổng số bệnh nhân mắc các bệnh về ung thư; mỗi năm có hơn 11.000 ca được chẩn đoán mắc ung thư vú, trong đó gần 65% dưới 50 tuổi. Ung thư vú mặc dù là bệnh phổ biến nhưng phần lớn là lành tính, chỉ khoảng 10%- 20% là ác tính.
Song, đa phần người bệnh khi đến khám thì ung thư tiến triển, di căn đến hạch hoặc di căn xa. Chính vì thế, việc tầm soát để phát hiện ung thư sớm có ý nghĩa rất lớn trong điều trị, giảm gánh nặng về tâm lý, chi phí điều trị cho người bệnh.
Tầm soát sớm, ngừa ung thư vú
Theo BS CK2 Võ Đông Hải- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm, cũng như các loại ung thư khác, ung thư vú có thể phòng ngừa được.
Ung thư vú nếu được phát hiện sớm có thể điều trị dứt điểm nên tầm soát phát hiện ung thư giai đoạn sớm ở những phụ nữ không có biểu hiện gì của ung thư vú, từ đó giúp làm giảm tử vong do ung thư vú, giảm chi phí điều trị, tăng chất lượng cuộc sống và thời gian sống kéo dài.
Chị Nguyễn Hồng Ngọc (38 tuổi, Phường 4- TP Vĩnh Long) vừa khám sức khỏe tổng quát định kỳ và đặc biệt chị đăng ký thêm gói khám siêu âm tuyến vú và chụp nhũ ảnh tại Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm.
Chị cho biết, mỗi tháng khi hết kinh, chị tự kiểm tra vú mình thường xuyên thì phát hiện có cục nhỏ sờ thấy lổn nhổn trong vú. Nó không đau, không có cảm giác gì hết, chị sợ nên bác sĩ tư vấn cho chụp nhũ kiểm tra. Cũng may siêu âm tuyến vú và chụp nhũ ảnh kết quả bình thường. Mừng lắm.
BS CK2 Võ Đông Hải cho biết, bệnh ung thư vú là tăng sinh số lượng tế bào của vú quá mức kiểm soát của cơ thể tạo thành khối u và cho di căn xa. Khối u (còn gọi là bướu) có thể lành tính hoặc ác tính.
Khối u ác tính (còn gọi là ung thư): do không bị kìm hãm nên những tế bào bất thường này có thể lan xa ra khỏi khối u đến những cơ quan khác của cơ thể. Bệnh có khá nhiều nguyên nhân, trước hết là do tuổi tác. Khi đến tuổi nhất định, có sai lạc hàn gắn cơ thể gây ra tế bào ác tính. Thứ 2 là nội tiết.
Thứ 3 là lối sống, ăn nhiều thịt mỡ, thiếu rau xanh, trái cây, ít vận động, hút thuốc lá (hít khói thụ động),… là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, chị em cũng có thể phòng tránh được căn bệnh này bằng cách ăn nhiều rau xanh, nuôi con bằng sữa mẹ, tránh hút thuốc thụ động;…
Ngoài việc chú ý tới chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn, để giảm nguy cơ mắc ung thư vú thì chị em cần chủ động tầm soát bệnh định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh.
Ung thư vú được đánh giá là bệnh có tiên lượng sống tốt ở giai đoạn sớm và hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt 92%.
Ung thư vú giai đoạn đầu điều trị dễ dàng, có khả năng bảo toàn vú, hạn chế các tác dụng phụ. Trong khi đó, điều trị ung thư vú giai đoạn muộn rất khó khăn, phải cắt bỏ vú, tiên lượng xấu…
Theo các chuyên gia y tế, các chị em có thể trở thành “bác sĩ” của chính mình để tự khám và phát hiện ung thư vú bằng cách mỗi tháng sau sạch kinh từ 5- 7 ngày, vì khi đó vú rất mềm, có thể kiểm tra dễ và chính xác hơn. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần bỏ áo ngực đứng trước gương ở nơi có ánh sáng tốt, quan sát hình dạng hai bên vú. Nâng cánh tay phải lên trên đầu, dùng tay trái để kiểm tra vú phải. Dùng đệm ngón tay và chuyển động tròn từ đầu vú cho tới nách sao cho hết phần vú để phát hiện bất thường và sau đó thực hiện tương tự với bên vú còn lại. Cuối cùng, bạn thực hiện lại những bước tương tự như trên với tư thế nằm và kiểm tra xem đầu vú có chảy dịch không. Ngoài ra cần khám định kỳ tại cơ sở y tế 1- 3 năm một lần đối với phụ nữ từ 20- 40 tuổi. Phụ nữ trên 40 tuổi phải khám vú định kỳ mỗi năm, chụp nhũ ảnh 1- 2 năm một lần. |
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin