Phòng ngừa nhiễm trùng trẻ sơ sinh

01:11, 30/11/2018

ThS, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hà (Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa Triều An Loan Trâm) chia sẻ: "Với sức đề kháng còn non nớt, trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng. Đây là một trong những bệnh lý nặng của trẻ sơ sinh, tiên lượng khó lường trước, tỷ lệ tử vong rất cao.

 

Ba mẹ, người chăm trẻ nên tuân thủ quy trình vệ sinh tay trước và sau khi chăm trẻ để bảo vệ, phòng bệnh cho con. Trong ảnh: Sản phụ sinh con tại Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm.
Ba mẹ, người chăm trẻ nên tuân thủ quy trình vệ sinh tay trước và sau khi chăm trẻ để bảo vệ, phòng bệnh cho con. Trong ảnh: Sản phụ sinh con tại Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm.

ThS, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hà (Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa Triều An Loan Trâm) chia sẻ: “Với sức đề kháng còn non nớt, trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng. Đây là một trong những bệnh lý nặng của trẻ sơ sinh, tiên lượng khó lường trước, tỷ lệ tử vong rất cao. Chính vì thế, việc phòng ngừa nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh là việc làm rất quan trọng đối với các thai phụ ngay từ khi mang thai đến quá trình sinh nở, nuôi dưỡng,...

Ba mẹ phát hiện thay đổi của con từ rất sớm

Chị Nguyễn Thu Hằng (Phường 8- TP Vĩnh Long) sinh con gái đầu lòng được 20 ngày thì phát hiện con vặn mình nhiều, khóc, bỏ bú. Lo lắng, vợ chồng chị đưa con đến khám bác sĩ nhi khoa thì phát hiện con sốt gần 38 độ. Bác sĩ yêu cầu cho bé nhập viện liền.

Qua thăm khám, xét nghiệm thì bé bị nhiễm trùng sơ sinh. Bệnh chuyển biến nhanh, da bé nổi vân tím toàn thân, thở nhanh, bỏ bú,...

Sau 3 ngày nằm ở phòng theo dõi bệnh đặc biệt, bé tiếp tục nằm viện điều trị nhiễm trùng sơ sinh đủ liệu trình.

Chị Hằng cho biết: “Lần đầu làm mẹ nên lo lắm, con có biểu hiện gì bất thường là đi bác sĩ ngay. Nhờ vậy mà cấp cứu kịp thời, con khỏi bệnh. Lúc nằm viện nhìn con còn đỏ hỏn mà bèo nhèo, thở nhanh, bú ít; tay bé xíu mà đeo ven lấy máu, chích kháng sinh xót xa lắm”.

Rồi chị tiếp lời: “Bác sĩ nói bé bị nhiễm trùng sơ sinh là tôi biết ngay nguyên nhân. Nhà mới xây xong là rước bé về, chắc còn ám bụi xi măng; thêm bà con lên thăm bé, mừng nhà mới nên con dễ bị nhiễm trùng”.

Cũng nhờ phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của con như khóc nhiều, ọc sữa, bỏ bú, sốt mà chị Lê Thị Kiều (huyện Cái Bè- Tiền Giang) đã cứu được con trai 28 ngày tuổi của mình qua cơn hiểm nguy vì bị nhiễm trùng sơ sinh.

Nhiễm trùng sơ sinh không hiếm gặp, chiếm từ 10- 20% bệnh sơ sinh, là nhiễm trùng mắc phải trước, trong khi sinh hoặc tháng đầu sau sinh. Nhiễm trùng có thể do vi rút, vi trùng.

Đây là nguyên nhân gây tử vong thứ nhì cho trẻ sơ sinh sau hội chứng suy hô hấp. Nhiễm trùng sơ sinh có thể điều trị được tại các trung tâm y tế lớn có đơn vị hồi sức sơ sinh (NICU) và đội ngũ y- bác sĩ có chuyên môn, tuy nhiên nguy cơ tử vong nhiễm trùng sơ sinh vẫn ở mức cao nếu phát hiện bệnh muộn.

Theo Ths, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hà (Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa Triều An Loan Trâm), thông thường, trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh thường mắc các bệnh như viêm phổi, viêm màng não hay nhiễm trùng huyết.

Lúc này, trẻ sẽ có các dấu hiệu là: ngủ li bì, ít cử động hơn bình thường, bỏ bú, cổ cứng, nôn trớ, co giật, chướng bụng, co rút lồng ngực, sốt, hạ thân nhiệt, tím tái; thở nhanh; biến đổi ở da (ban xuất huyết, mảng hồng ban, vàng da, da nổi vân tím), thóp phồng, gồng cứng người…

Do đó, khi chăm sóc con, ba mẹ nếu thấy những dấu hiệu bất thường từ con như trên thì nhanh chóng đưa con đi khám điều trị kịp thời.

Phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh cho trẻ

Theo bác sĩ Mỹ Hà, có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng sơ sinh. Nếu xảy ra trước sinh thì chủ yếu do vi rút, vi trùng lây qua đường máu từ mẹ sang con, thường gặp do các tác nhân, như: Rubella, HIV;… nhiễm trùng sơ sinh qua đường ối xảy ra chủ yếu do mẹ bị nhiễm trùng tiết niệu sinh dục, bị vỡ hở cổ tử cung, vỡ ối sớm, thăm khám âm đạo nhiều,...

Cũng có thể trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh do vi rút, vi trùng lây qua đường tiếp xúc khi sinh (lúc ngang qua tử cung, âm đạo, âm hộ khi chuyển dạ kéo dài); vi khuẩn lây gián tiếp do môi trường nhiễm bẩn; việc chăm trẻ không được rửa tay sát khuẩn thường xuyên; trẻ cũng có nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh khi bị ngạt, hồi sức tại phòng sinh, non tháng, nhẹ cân,...

Để phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh cho trẻ, trước khi có kế hoạch mang thai, các mẹ cần đi khám phụ khoa; nếu có những bệnh lý về phụ khoa, đường tiết niệu, nhiễm trùng bộ phận sinh dục thì cần được điều trị dứt điểm; nên tiêm phòng các bệnh như Rubella, viêm gan siêu vi B, thủy đậu,…

Trong quá trình mang thai, các mẹ cần khám thai định kỳ, tiêm phòng đầy đủ; nếu bị viêm nhiễm phụ khoa thì đến các cơ sở y tế để được điều trị, tránh lây nhiễm cho con. Cần cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng, phòng suy dinh dưỡng cho bà mẹ để tăng cường sức đề kháng...

Sau khi sinh, cần tuân thủ quy trình vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Đây là biện pháp rất quan trọng và hiệu quả trong phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh. Bên cạnh đó, cần chăm sóc vệ sinh da, rốn, mắt cho trẻ.

Phòng cho trẻ sơ sinh cần thoáng, ấm, sạch và có đủ ánh sáng; nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ cho trẻ có nhiều dinh dưỡng, tăng nhiều kháng thể. Chọn bệnh viện có khoa sản để sinh đảm bảo an toàn, sạch sẽ để có thể tránh nhiễm khuẩn bệnh viện; giúp đề phòng và xử trí kịp thời các biến chứng như sinh ngạt, vỡ ối sớm...

 

ThS, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hà lưu ý

Trong quá trình thăm, nhiều người muốn ôm, hôn, chạm vào em bé. Rất nhiều trường hợp trẻ tử vong hoặc nhiễm bệnh nặng rất thương tâm chỉ vì những cái ôm, hôn của người lớn. Cơ thể trẻ sơ sinh rất non yếu, sức đề kháng kém nên nếu nhiều người ôm hôn, âu yếm sẽ làm tăng nguy cơ vi khuẩn, vi trùng có hại xâm nhập vào trẻ. Vì vậy, những người đến thăm trẻ sơ sinh không nên hôn trẻ, nếu muốn ôm trẻ thì phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và không mắc bệnh truyền nhiễm. Đó cũng là một cách phòng bệnh nhiễm trùng sơ sinh cho “thiên thần nhỏ” của chúng ta.

 

Bài, ảnh: MAI ANH

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh