Nguồn nhân lực chất lượng cao, bác sĩ (BS), cán bộ quản lý khu vực bệnh viện công của tỉnh Vĩnh Long ồ ạt rời bỏ khu vực y tế công và đang ở "báo động đỏ". Điều gì đang xảy ra khiến những BS, cán bộ y tế công dứt áo ra đi?
Nguồn nhân lực chất lượng cao, bác sĩ (BS), cán bộ quản lý khu vực bệnh viện công của tỉnh Vĩnh Long ồ ạt rời bỏ khu vực y tế công và đang ở “báo động đỏ”. Điều gì đang xảy ra khiến những BS, cán bộ y tế công dứt áo ra đi?
Cần thẳng thắn nhìn sâu vào bản chất vấn đề một cách tổng quan; đồng thời, là góc nhìn chìm khuất của những tâm tư, từng hoàn cảnh cụ thể, để có thể thấu hiểu những trăn trở, suy tư của đội ngũ trí thức đang cống hiến tài năng, trí tuệ và cả việc đánh đổi nhiều thứ để phụng sự cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Từ đó, nhận diện hiện tượng “dịch chuyển” nguồn nhân lực y tế ở Vĩnh Long là khách quan, do cơ chế, chính sách chưa phù hợp hay vì cách quản lý cứng nhắc, môi trường làm việc chưa khuyến khích phát triển? Cần “bắt mạch” đúng căn nguyên và “ra toa” đủ liều để có thể “cấp cứu” kịp thời, hữu hiệu và trị dứt “căn bệnh” thiếu hụt nguồn nhân lực cho ngành y tế trước mắt và lâu dài.
BVĐK tỉnh Vĩnh Long đang hướng tới áp dụng, hợp tác y tế kỹ thuật cao, là cơ sở vệ tinh cho 4 bệnh viện Trung ương và tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh. |
Vấn đề BS nghỉ việc đã diễn ra từ năm 2017 và “bùng phát” khi 2 bệnh viện tư nhân quy mô khá lớn trên địa bàn tỉnh chuẩn bị nhân sự, đi vào hoạt động. Điều này đã bộc lộ những bất cập, bất mãn âm ỉ nhiều năm nay của ngành y tế. Và như một hiện tượng domino, “cơn sốt” đã dồn ép các cơ sở y tế công rơi vào tình trạng luôn phải căng kéo lực lượng để đối phó với sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng.
Báo động BS bệnh viện công nghỉ việc
Điểm nóng nhất diễn ra ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long. Chưa đầy 2 năm, riêng đơn vị này đã có đến 24 BS nghỉ việc và “cơn sốt” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mà những lá đơn chưa giải quyết còn... chất đống trên bàn
lãnh đạo.
Trong năm 2017, BVĐK tỉnh giải quyết đơn xin nghỉ việc của 34 công chức viên chức, trong đó có 16 BS. Cụ thể, 1 BS răng hàm mặt, 5 BS đa khoa, 9 BS chuyên khoa I, 1 BS chuyên khoa II. Các tháng đầu năm 2018, đơn vị này tiếp nhận thêm 48 đơn xin nghỉ việc, trong đó lượng BS chiếm đông đảo với 28 người.
BVĐK tỉnh đã giải quyết cho 24 trường hợp, trong đó có 8 BS. Số nghỉ việc là các BS có thâm niên và kinh nghiệm công tác gồm: 1 BS y học dự phòng theo địa chỉ sử dụng, 1 BS đa khoa, 5 BS chuyên khoa I, 1 BS chuyên khoa II.
Như vậy, trong gần 2 năm qua, đã có 82 cán bộ y tế, BS tại BVĐK tỉnh xin nghỉ việc, trong đó ít nhất 24 BS đã được giải quyết.
Các lý do nêu theo đơn của BS xin nghỉ việc gồm: cơ chế, chính sách không đủ sức ràng buộc; do áp lực công việc kết hợp với tình hình thiếu biên chế kéo dài; môi trường làm việc căng thẳng và phân công việc chưa hợp lý; hoàn cảnh gia đình; sức khỏe...
Nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng cho rằng áp lực công việc là rất lớn. Ảnh minh họa |
BS Văn Công Minh- hiện là Quyền Giám đốc Sở Y tế- là Giám đốc BVĐK tỉnh tại thời điểm báo cáo tình hình này với HĐND và UBND tỉnh cho biết, trong số 48 trường hợp xin nghỉ việc từ đầu năm đến nay, đơn vị chưa giải quyết nghỉ cho 24 trường hợp. Đáng nói trong số này có... 20 BS và cũng là BS đào tạo theo địa chỉ sử dụng, BS chuyên khoa I, II và có tay nghề cao.
Các hồ sơ nghỉ việc và nguyên nhân BS nghỉ việc từ cơ sở đến các cấp quản lý nhà nước đều rõ. Một trong số nguyên nhân được nói nhiều nhất là chuyện thu nhập. Theo BS Văn Công Minh, lý do kinh tế có sức ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của một bộ phận công chức viên chức nói chung, lực lượng BS nói riêng.
Chính vì có sự chênh lệch tiền lương quá lớn giữa y tế công và y tế tư nhân, vì vậy số BS nghỉ việc từ y tế công lập sang làm việc cho y tế tư nhân trong giai đoạn những cơ sở này đang mở ra là một thực tế.
Dẫn chứng thêm, BS Văn Công Minh trong một hội nghị bàn về nhân lực y tế đã nêu tiền lương của mình ở bệnh viện để cụ thể sự chênh lệch.
“Đây là thực trạng chung chứ không riêng của tỉnh Vĩnh Long, là quy luật của cơ chế thị trường đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới trong các cơ sở y tế nhà nước...”- BS Văn Công Minh nhìn nhận. “Một số anh em đã đi, một số nhóng nhóng, có anh em đang ở lại nhưng do xin đi chưa được chứ không phải không đi”- một BS nói thật như vậy.
Gánh nặng chuyên môn những người ở lại
Chính sức hấp dẫn ở khu vực y tế tư nhân nên chưa tới 2 năm, suýt soát 30 BS BVĐK tỉnh nghỉ việc. Chúng tôi từng chứng kiến ngay bệnh viện tuyến huyện khi đã quá giờ trưa các BS trực ra ca chưa kịp dùng bữa đã được “lệnh” phải khoác áo nghiệp vụ quay lại phòng làm việc, vì còn quá nhiều bệnh nhân đang chờ. Lúc đó, đồng hồ chỉ hơn 12 giờ.
Còn biết bao nhiêu ca trực xuyên đêm, những kíp phẫu thuật kéo dài hàng giờ đồng hồ và phải kéo dài hơn tiên liệu, có biết bao nhiêu đầu việc mà đội ngũ thầy thuốc phải lặng lẽ “gồng gánh” đến mức quá sức mà đâu phải ai cũng thấy, ai cũng hiểu.
Giờ đây, lại thêm khoảng trống trăm việc do những người ra đi để lại, càng tăng thêm sức ép có thể vắt kiệt sức lực, tinh thần của những người còn đang ở lại. Trong khi đó là những “vây ép” nhiều thứ ngoài chuyên môn, là thu nhập, là chế độ đãi ngộ, cơ hội học tập, thăng tiến... để khó lòng đòi hỏi họ có thể trụ lại vững vàng và cống hiến hết mình.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh vốn đã thiếu, nay nhiều bác sĩ ra đi thì áp lực với anh em ở lại sẽ nhiều hơn. |
BS Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh- từng chia sẻ, ảnh hưởng dễ thấy nhất của việc BS nghỉ việc là ở công tác phục vụ bệnh nhân. Theo BS Bạch Yến, BS không đi, chưa nghỉ việc thì bệnh viện tỉnh vẫn thiếu, nên khi BS nghỉ việc, bệnh viện càng khó khăn hơn để phục vụ tốt cho người bệnh cũng như đào tạo phát triển kỹ thuật y tế mới.
“Khi BS nghỉ việc, đơn vị gặp khó trong điều động (BS từ khoa này sang khoa kia gánh việc) cũng như đào tạo, phục vụ đề án bệnh viện vệ tinh (BVĐK tỉnh đang là vệ tinh của 4 bệnh viện Trung ương và tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh)”- BS Bạch Yến nói thêm- “Ngoài lĩnh vực chuyên môn, BS nghỉ việc còn là tình cảm anh em đồng nghiệp gắn bó nên “buồn sao không buồn...”
Rõ ràng cuộc “tháo chạy” sang lĩnh vực y tế tư nhân, đang để lại gánh nặng khủng khiếp cho những người ở lại từ đội ngũ BS, nhân viên điều trị trực tiếp cho đến cán bộ quản lý, lãnh đạo.
Ngành y vốn đã ẩn chứa nhiều áp lực vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, giờ lại dồn ép thêm áp lực để gồng gánh nhau bù đắp công việc cho những người đã nghỉ việc, càng làm cho thời gian được nghỉ bù trở thành “xa xỉ”, nhất là đối với BVĐK tỉnh Vĩnh Long khi mà lịch trực của đội ngũ y BS trở thành “món nợ” ngày nghỉ đã lên tới gần 2.000 ngày công.
Những giải pháp cấp bách để ứng phó trước mắt và quyết sách căn cơ, đột phá nào có thể khả dĩ bù đắp “cơn khát” nguồn lực y tế chất lượng cao hiện nay? Vấn đề cần những thay đổi lớn về cơ chế, chính sách đãi ngộ và một tầm nhìn chiến lược cho ngành y tế Vĩnh Long. Nhưng trước khi nói đến điều này, hãy đi đến tận ngõ ngách của những điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống, tâm tư!
Theo báo cáo của ngành y tế tại hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm nay của Tỉnh ủy, trong 9 tháng qua có 64 y- BS xin nghỉ việc, trong đó có 36 BS. Ngành đã giải quyết 32 đơn, trong đó có 15 BS; còn lại 32 đơn đang xem xét. Đáng chú ý trong các đơn đang xem xét thì có 7 BS đã bỏ việc. Trong số các lý do BS làm đơn xin nghỉ việc đa phần nêu do hoàn cảnh gia đình khó khăn- lý giải “quen thuộc” nhất trong số các nguyên nhân được đề cập ở đầu bài này. |
Bài, ảnh: NHÓM PV
>> Kỳ 2: Bác sĩ dứt áo ra đi vì cơm áo gạo tiền?
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin