Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phòng chống HIV/AIDS như 10 năm liền dịch HIV được kiểm soát ở cả 3 tiêu chí: giảm số người nhiễm mới HIV hàng năm; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế trong một buổi truyền thông phòng chống HIV tại các trường THPT. |
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phòng chống HIV/AIDS như 10 năm liền dịch HIV được kiểm soát ở cả 3 tiêu chí: giảm số người nhiễm mới HIV hàng năm; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%.
Xét nghiệm HIV rất quan trọng, chỉ có xét nghiệm HIV mới biết một người có bị nhiễm HIV hay không. Dịch vụ xét nghiệm HIV hiện nay đã triển khai rộng rãi với hơn 1.300 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV sàng lọc ở 100% tuyến các huyện; cả nước có 138 phòng xét nghiệm khẳng định HIV ở các tỉnh và một số huyện vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV hiện còn sống, tuy nhiên chỉ có khoảng gần 200.000 người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình (gần 80%), trong khi chỉ còn 2 năm để đạt tới mục tiêu 90% thứ nhất, đó là khoảng cách lớn cần sự nỗ lực của cả cộng đồng.
Việc điều trị ARV hiện nay đã được mở rộng tới tất cả các tỉnh- thành cả nước với 470 cơ sở điều trị ARV và tuyến huyện, có tới 652 cơ sở cấp phát thuốc ARV tại trạm y tế xã. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có gần 130.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, đạt khoảng 65% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV. Vẫn có khoảng 60.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV chưa tham gia điều trị ARV.
Tại hội nghị AIDS toàn cầu ở Úc tháng 7/2014, chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Đó là các mục tiêu có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Bởi vì: nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng; việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội; việc kiểm soát tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV.
Những điều cần biết về BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS- theo tài liệu Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). |
Các mục tiêu này có liên quan mật thiết: từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV.
Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp, Việt Nam tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu 90-90-90. Theo Bộ Y tế, nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này vào năm 2020 sẽ tạo đà để có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Hành lang pháp lý của Việt Nam khá đầy đủ, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Các cam kết chính trị cho phòng chống HIV/AIDS cũng ở mức cao ở cả cấp trung ương và địa phương. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 90-90-90 thì nếu chỉ cam kết không là không đủ mà cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa của mỗi cán bộ, mỗi người dân trong việc phòng chống HIV/AIDS.
Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu, tác động toàn cầu, nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì nó không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân mà cả với cộng đồng quốc tế và quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Thực hiện kế hoạch của Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm- Ủy ban Quốc gia 50- Bộ Y tế về việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018, tỉnh Vĩnh Long tổ chức triển khai Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018 (từ 10/11-10/12). Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018, Việt Nam tập trung vào chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!” |
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin