TPHCM: 1 giờ có ít nhất 7 ca tay chân miệng đến nhập viện

11:10, 03/10/2018

Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang có nguy cơ lây lan nhanh trên cả nước và bùng phát thành dịch, đặc biệt tại khu vực phía Nam, trong đó có TPHCM

Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang có nguy cơ lây lan nhanh trên cả nước và bùng phát thành dịch, đặc biệt tại khu vực phía Nam, trong đó có TPHCM

Trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng ở TP HCM gia tăng
Trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng ở TP HCM gia tăng

Khoa Nhiễm–Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM đang điều trị cho khoảng 180 bệnh nhi tay chân miệng, trong đó có 28 trẻ phải nằm ở phòng cấp cứu của khoa.

Có đến 2 trẻ bị nhiễm độ 4, 17 trẻ bị cấp độ 3, còn lại là độ 2b – đều là các mức độ nặng của bệnh.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm–Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Bệnh viện phải tăng cường thêm 3 phòng bệnh mới cho bệnh nhi tay chân miệng với sức chứa khoảng 100 bé, chủ yếu dành cho những bé bị nhẹ.

Tại khoa này, các bác sĩ luôn luôn trong tình trạng tất bật, ra sức cấp cứu điều trị cho các bệnh Nhi, vì trong 1 tiếng đồng hồ có ít nhất 7 ca tay chân miệng đến nhập viện.

“Đặc biệt có những ca bệnh mới lên, chúng tôi phải khám thật kỹ để phát hiện sớm dấu hiệu chuyển độ, để xử trí kịp thời nhất, tránh tình trạng để chuyển biến nặng thêm. Nói chung là phải huy động nhân lực. Hiện giờ có 2 bác sĩ đang đi học chuyên khoa cũng phải vận động về. Các bác sĩ nội trú cũng rất tất bật, đặc biệt là ưu tiên đi nội trú khoa nhiễm trước”, bác sĩ Dư Tuấn Quy thông tin.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm–Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp hơn và gia tăng nhanh các ca bệnh là do sự trở lại của virus EV 71, trẻ chưa đủ miễn dịch với chủng virus này nên tỉ lệ bị nhiễm bệnh gia tăng nhanh so với những năm trước đó.

Ngoài ra, tại bệnh viện còn điều trị thêm các bệnh sốt xuất huyết và sởi, nên phải được cách ly tách biệt nhằm chống lây nhiễm chéo.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói: “Sốt xuất huyết sẽ nằm ở khoa khác, tay chân miệng và sởi là cách ly tuyệt đối, đặc biệt là sởi. Vì sởi lây từ đường hô hấp, có toilet riêng, không ra ngoài được, hạn chế thăm nuôi. Tay chân miệng cũng ở khu riêng”.

Số liệu từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho thấy, trong tuần qua, số ca mắc tay chân miệng nhập viện điều trị tiếp tục gia tăng nhanh, với 347 trường hợp nhập viện, tăng 49% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát tại các nhà trẻ, nhóm trẻ, để truyền thông và hướng dẫn các biện pháp kiểm soát bệnh trong trường lớp, nhất là nhóm trẻ, trường mầm non.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Sở đã chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành y tế tăng cường công tác dự phòng phòng bệnh, truyền thông cho người dân. Khối bệnh viện sẵn sàng đảm bảo các phương tiện thuốc men điều trị".

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành theo mùa ở các nước nhiệt đới, ghi nhận từ 20.000-100.000 ca/năm. Mùa dịch thường rơi vào từ tháng 5 đến tháng 11.

Hiện cả nước đã có 6 trẻ tử vong do tay chân miệng, trong đó ở Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai mỗi tỉnh 1 trường hợp, riêng Tây Ninh có 2 ca.

Đặc điểm của bệnh này chủ yếu thường mắc ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, dễ dẫn đến các biến chứng của chủng EV71. Như vậy phải tập trung vào nhóm đối tượng dưới 3 tuổi, đặc biệt lưu ý hành vi nguy cơ từ mủ tay của các bé là nguồn lây lan bệnh.

Lãnh đạo Viện Pasteur lưu ý: “Yếu tố người chăm sóc trẻ cũng có thể là nguy cơ truyền bệnh cho trẻ. 80% người lớn nhiễm virus tay chân miệng không có biểu hiện lâm sàng hoặc có không điển hình. Trong hộ gia đình sẽ lây cho trẻ. Như vậy chúng ta phải làm sao để có 3 sạch: ăn sạch ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch”.

Theo các chuyên gia, virus EV71 có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Do đó, trong trường học, nếu xảy ra các ca nhiễm tay chân miệng thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày.

Nhà trường phải phòng ngừa ngay bằng cách vệ sinh khử khuẩn bằng Cloramin B và phải làm thường xuyên. Hiện chưa có vaccine nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là phải rửa tay thường xuyên cho trẻ trước và sau khi đến trường, người lớn cũng phải rửa tay thường xuyên trước khi bước vào nhà hoặc trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ./.

Theo Kim Dung/VOV-TPHCM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh