Cảnh báo tay chân miệng tăng và tử vong tại phía Nam

06:10, 05/10/2018

 Yếu tố thời tiết (ẩm thấp, ô nhiễm) cộng với thời điểm đang là đợt "đỉnh" dịch thứ hai của năm được coi điều kiện khiến nguy cơ bệnh gia tăng.

9 tháng qua, bệnh tay chân miệng (TCM) tại các tỉnh phía Nam vẫn thấp hơn 31% so cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, trong tháng 8- 9 lại gia tăng ca mắc và nhập viện điều trị tại một số địa phương; trong đó ca bệnh nặng tăng, nhiều ca tử vong... 

Yếu tố thời tiết (ẩm thấp, ô nhiễm) cộng với thời điểm đang là đợt “đỉnh” dịch thứ hai của năm được coi điều kiện khiến nguy cơ bệnh gia tăng.

Bác sĩ theo dõi bệnh nhi nghi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Bác sĩ theo dõi bệnh nhi nghi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Bệnh TCM tại tỉnh vẫn thấp

Trong hơn tháng qua, báo cáo tuần của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế, ca bệnh TCM tăng nhiều hơn giảm. Tuần 34 (20-26/8) năm nay, ca bệnh là 24, tăng so 15 ca của tuần 33. Ca bệnh tuần 35 giảm lại bằng tuần 33, thì tuần sau đó tăng lên 52 ca. Tuần 37 tiếp tục lên 58 ca và tới tuần 38 tuy giảm nhẹ nhưng cũng cao với 49 ca bệnh.

Theo Sở Y tế, tháng 9 ghi nhận 77 ca TCM (41 ca tại các bệnh viện trong tỉnh, 36 ca ở các bệnh viện ngoài tỉnh). Cộng dồn đến hiện tại có 1.129 ca bệnh trên địa bàn, giảm so 1.796 ca bệnh ở cùng kỳ năm 2017.

Các báo cáo dịch bệnh cho thấy bệnh giảm khá so năm ngoái. Nhưng những tuần gần đây, bệnh có xu hướng tăng.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật- cho biết: “TCM lây truyền qua đường tiêu hóa, ảnh hưởng trực tiếp bởi môi trường sống, nhất là vấn đề vệ sinh cá nhân. Rồi tháng 9-11 hàng năm là đợt “đỉnh” dịch thứ hai trong năm của TCM. Các yếu tố đó cộng gộp đưa ra dự báo nguy cơ bệnh sẽ tăng- dù tổng số vẫn ngưỡng thấp hơn năm ngoái”.

Bác sĩ Mạc Thu Hà- Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm- ký sinh trùng- côn trùng giải thích thêm về yếu tố môi trường: mưa nhiều và mùa nước nổi. Mưa nhiều, kéo dài cộng nước nổi năm nay về sớm và nhiều gây ẩm thấp môi trường sống, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát sinh, gây bệnh.

Theo Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm- ký sinh trùng- côn trùng, đầu năm đến nay, hệ thống giám sát ghi nhận 10 ổ dịch TCM và hầu hết xử lý triệt để. Tới nay, ngành y tế tỉnh không ghi nhận ca tử vong do TCM.

Số liệu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long hơn 2 tuần qua cho thấy, bệnh TCM điều trị nội trú 23 ca (trong đó độ I (độ nhẹ): 2 ca, độ IIA, IIB (tăng dần): 21 ca). Khám điều trị ngoại trú có 41 ca (trong đó độ 1: 38 ca, độ IIA: 3 ca).

Bệnh tăng cục bộ và tử vong ở phía Nam

PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh- cho biết trong 9 tháng của năm nay, 21 tỉnh- thành phía Nam có số ca mắc TCM thấp hơn 31% so cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, trong tháng 8- 9, bệnh tăng đột biến: nhập viện điều trị tăng khoảng 50%, nhiều ca bệnh nặng. Đã có 6 ca tử vong do bệnh tại các địa phương.

Đáng chú ý, PGS.TS Phan Trọng Lân lý giải lý do khiến bệnh đột biến tăng cao và có nhiều ca nặng là do xuất hiện trở lại chủng vi rút EV71 (Enterovirus). 7- 8 năm trước, chủng vi rút này từng gây ra dịch TCM lớn trên cả nước khiến 70.000 người mắc, 145 người tử vong. Ca mắc TCM liên quan tới chủng vi rút EV71 chiếm 25%.

Qua hệ thống giám sát, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ghi nhận có sự thay đổi nhóm gien. Và chính sự dịch chuyển nhóm gien này khiến cho những người chưa có miễn dịch dễ mắc bệnh hơn. Đồng thời, biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân cũng nặng hơn các chủng vi rút khác.

Viện Pasteur yêu cầu trung tâm kiểm soát bệnh tật, y tế dự phòng tăng cường phòng bệnh TCM, nhất là đẩy mạnh hệ thống giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch.

Theo chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, sẵn sàng công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch, trong đó có TCM.

Đồng thời chú ý tình hình dịch bệnh mùa mưa, mùa nước nổi. Truyền thông nguy cơ, biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi chủ động chăm sóc sức khỏe của người dân và cộng đồng.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, độ tuổi phổ biến mắc bệnh TCM là trẻ từ 3-5. Phòng bệnh TCM chủ yếu là việc giữ vệ sinh cho trẻ và những người chăm sóc trẻ nhỏ: rửa sạch tay chân bằng xà bông, nước sạch và vệ sinh cá nhân hàng ngày, khử khuẩn đồ dùng, vật dụng trẻ học và chơi hàng tuần ở nhà, trường học.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh