Trước tình hình bệnh sởi gia tăng ở các tỉnh- thành phía Nam, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vừa hội nghị trực tuyến giám sát và phòng chống bệnh sởi với trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật tại đây.
Trước tình hình bệnh sởi gia tăng ở các tỉnh- thành phía Nam, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vừa hội nghị trực tuyến giám sát và phòng chống bệnh sởi với trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật tại đây.
Trẻ được tiêm vắc xin sởi tại trạm y tế phường ở TP Vĩnh Long. Ảnh: Tư liệu |
PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh- cho biết, bệnh sởi do vi rút sởi gây ra. Bệnh lây lan rất nhanh, chủ yếu qua đường hô hấp, qua các hạt li ti do hắt hơi, ho khạc. Khi mắc sởi, bệnh nhân phải được cách ly điều trị tại cơ sở y tế hoặc tại nhà.
Bác sĩ Lương Chấn Quang- Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh- cho biết, tháng 5- 6 năm nay, đỉnh điểm dịch sởi tại các tỉnh phía Bắc, nhưng từ tháng 8 trở đi, bệnh xuất hiện và tăng nhiều ở các tỉnh- thành khu vực phía Nam.
Các địa phương có ca bệnh đông là Đồng Nai (136 ca), TP Hồ Chí Minh (gần 100 ca) hay Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có ca bệnh chiếm nhiều thứ 3 tại Đông Nam Bộ. Trung tâm y tế dự phòng các địa phương trên cho biết, bệnh chưa có dấu hiệu giảm đến thời điểm này.
Phân tích dịch tễ cho thấy, đợt dịch sởi từ tháng 8 năm nay có gần 90% bệnh nhân dưới 5 tuổi, trong đó độ tuổi 9- 18 tháng tuổi chiếm cao- thời điểm 9 tháng tuổi cũng là bắt đầu tiêm mũi vắc xin sởi đầu tiên ở trẻ, trước khi tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Theo báo cáo Sở Y tế Vĩnh Long, trong 9 tháng qua của năm 2018, Vĩnh Long không phát hiện bệnh sởi. Còn báo cáo dịch bệnh những năm qua chỉ ghi nhận một vài trường hợp sốt phát ban nghi sởi.
Trước đó, cả nước trải qua vụ dịch sởi lớn hồi cuối năm 2013 đầu năm 2014. Thời điểm đó, Vĩnh Long ghi nhận trên dưới 30 ca dương tính với sởi trong hơn 100 ca sốt phát ban nghi sởi.
Tại nhiều địa phương, bệnh bẵng đi 3- 4 năm nay, giờ năm 2018 các chuyên gia cho hay rất có thể quay lại chu kỳ của vụ dịch 4 năm trước.
Trong vòng 10 năm qua (từ 2008), nước ta từng chứng kiến 2 vụ dịch sởi lớn với nhiều trường hợp bệnh và tử vong: đợt dịch cuối năm 2009 đầu 2010 và đợt dịch cuối 2013 đầu 2014.
Hiện các tỉnh- thành phía Nam và TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều ca dương tính với sởi, nhưng cũng có một số địa phương chưa ghi nhận ca bệnh. Dẫu vậy, Viện trưởng Pasteur Phan Trọng Lân yêu cầu tất cả địa phương tăng cường và nâng ý thức trước dịch bệnh.
Bởi nguy cơ bùng phát dịch sởi là có ở tất cả các tỉnh thành chứ không riêng các địa phương có ca bệnh hay sốt phát ban.
Theo lịch tiêm chủng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, với vắc xin ngừa sởi, mũi tiêm thứ nhất: khi trẻ 9 tháng tuổi; mũi tiêm thứ hai: khi trẻ 18 tháng tuổi (từ cuối năm 2015, vắc xin phối hợp sởi- rubella đã được tiêm thay thế cho mũi vắc xin sởi đơn liều). |
Trong phòng chống dịch, các địa phương tập trung vào 2 vấn đề: tiêm chủng đầy đủ trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm theo chiến dịch để tạo miễn dịch cộng đồng đầy đủ; giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời ca bệnh.
Để tăng miễn dịch cộng đồng, Viện Pasteur yêu cầu trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật rà soát và phản hồi các huyện nguy cơ cao cần triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi- rubella (MR) cho trẻ từ 1- 5 tuổi;
vận động người dân tiêm vắc xin chứa thành phần sởi cho nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế (cấp cứu, nhi, nhiễm), lưu ý các địa phương có di biến động dân cư cao (khu nhà trọ, khu công nghiệp).
Cũng theo kết luận của PGS.TS Phan Trọng Lân, các đơn vị phòng chống dịch bệnh cần giám sát phát hiện sớm trường hợp sốt phát ban nghi sởi; giám sát ca bệnh ngay khi có triệu chứng lâm sàng điển hình, không chờ kết quả xét nghiệm;
các bệnh viện thực hiện cách ly nghiêm ngặt, phân luồng ca bệnh đến khám, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm.
Truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng chú ý tới việc người dân khi phát hiện trẻ nhỏ sốt, phát ban và kèm 1 trong 3 dấu hiệu: ho, chảy mũi, đỏ mắt thì nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị và cách ly kịp thời để bảo vệ bản thân và cộng đồng. |
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin