Tăng cường kiểm dịch y tế phòng bệnh

09:09, 21/09/2018

Ngày 17/9/2018, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan và ngành y tế các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch y tế phòng chống dịch bệnh, trong bối cảnh một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước.

Ngày 17/9/2018, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan và ngành y tế các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch y tế phòng chống dịch bệnh, trong bối cảnh một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Vĩnh Long) phun hóa chất sát khuẩn tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long sau khi có một trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 hồi đầu tháng 7/2018.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Vĩnh Long) phun hóa chất sát khuẩn tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long sau khi có một trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 hồi đầu tháng 7/2018.

Nhiều dịch bệnh trên thế giới quay lại

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ quan đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế và hệ thống giám sát dịch bệnh Việt Nam- Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã cập nhật thông tin một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi trên thế giới và trong nước đến tháng 9/2018.

Sau 3 năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh MERS-CoV, ngày 8/9/2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc thông báo ghi nhận một trường hợp mắc MERS-CoV đầu tiên trong năm 2018. Bệnh nhân có tiền sử làm việc tại Kuwait với biểu hiện sốt, ho có đờm nhiều và nhập viện tại Seoul (Hàn Quốc) ngày 7/9. Kết quả xét nghiệm dương tính với MERS-CoV.

Cùng thời gian trên, theo thông báo của Tổ chức Thú y thế giới và Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc, trong tháng 8- 9/2018, tại Trung Quốc ghi nhận 14 ổ dịch tả heo Châu Phi tại 6 tỉnh- thành với hơn 38.000 con heo đã buộc phải tiêu hủy.

Bệnh tả heo Châu Phi không lây truyền sang người, tuy nhiên có thể xâm nhập vào Việt Nam và gây bệnh ở các đàn heo trong nước thông qua việc vận chuyển heo, các sản phẩm từ thịt heo (kể cả đã qua chế biến) nhập lậu, nghi ngờ nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Tháng 9/2018, WHO còn thông báo Algeria ghi nhận ổ dịch tả tại khu vực phía Bắc của nước này. Từ ngày 7/8- 6/9 đã có 217 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, 2 trường hợp tử vong. Trong đó 83 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả O1 Ogawa.

Ngày 21/8/2018, Công gô ghi nhận 1 trường hợp dương tính với sốt vàng. Bệnh nhân có tiền sử đi đến khu vực biên giới với Angola trong vòng 2 tuần trước khi khởi bệnh. Bộ Y tế Công gô đã tổ chức điều tra, xử lý ổ dịch. Hiện có 70 trường hợp nghi ngờ đã được quản lý, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

Trong 8 tháng vừa qua, Hy Lạp có sự gia tăng bất thường trường hợp mắc bệnh sốt Tây sông Nile với 107 trường hợp mắc, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Trong khi đó năm 2017 chỉ 48 trường hợp mắc và không ghi nhận trường hợp nào trong 2 năm trước đó.

Tăng cường giám sát,
kiểm dịch y tế phòng bệnh

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng- Đặng Quang Tấn cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 56.090 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 11 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ 2017, số mắc giảm hơn 56%, tử vong giảm 20 trường hợp (tương ứng 128.214/31). Cùng thời gian đó, 42.772 ca bệnh tay chân miệng được ngành y tế ghi nhận tại 63 tỉnh- thành, trong đó 21.306 trường hợp nhập viện, 1 trường hợp tử vong. So cùng kỳ năm, số mắc và nhập viện giảm lần lượt 31,1% và 23,9%.

Với bệnh sốt rét, hơn 4.000 ca bệnh sốt rét ghi nhận đầu năm đến nay, trong đó 8 trường hợp sốt rét ác tính, 1 tử vong. So cùng kỳ, số bệnh nhân sốt rét giảm hơn 20%, tuy nhiên bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét tăng hơn 27%.

Dù các bệnh truyền nhiễm có yếu tố nguy hiểm trên có số mắc và tử vong giảm nhưng ngành y tế vẫn khuyến cáo người dân và cộng đồng không lơ là và luôn nâng hiểu biết phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe. Ngành y tế tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để xử trí kịp thời ổ dịch, ngăn ngừa không để lây lan.

Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp trên thế giới, trong văn bản gửi Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Y tế dự phòng có hoạt động kiểm dịch y tế, kiểm dịch y tế quốc tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Cụ thể tiếp tục giám sát chặt chẽ người, phương tiện nhập cảnh, quá cảnh và hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt từ quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp xác định nhanh thông tin hành khách nếu nghi ngờ mắc bệnh (nếu có).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, các đơn vị liên quan phối hợp giám sát người, phương tiện vận tải, hàng hóa về từ nước đang có dịch tả heo Châu Phi để phát hiện sớm các trường hợp mang thịt heo, các sản phẩm từ thịt heo (kể cả đã qua chế biến) nhập lậu, nghi ngờ nhập lậu, không rõ nguồn gốc (kể cả hình thức cho, tặng) vào nước ta và xử lý kịp thời theo quy định.

Bên cạnh thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế đúng quy định, Cục Y tế dự phòng còn yêu cầu truyền thông đa dạng tại các cửa khẩu về các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh để hành khách, người dân chủ động phòng chống.

Sở Y tế Vĩnh Long báo cáo đến giữa tháng 9/2018, một số bệnh truyền nhiễm có tăng có giảm: bệnh đường tiêu hóa giảm hơn 28%; sốt xuất huyết giảm hơn 50%; tay chân miệng giảm hơn 37%; trong khi quai bị và thủy đậu tăng cùng 12%. Sở yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch như: cúm A/H1N1, H5N1, H5N8, H7N9, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp, tả, sởi, thủy đậu, bạch hầu, sốt rét, bệnh do vi rút Zika, bệnh do não mô cầu, rubella, Ebola,... và xử lý kịp thời, triệt để, ngăn ngừa lây lan.

Bài, ảnh: MINH THÁI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh