Phòng bệnh cho con mùa khai trường

05:09, 07/09/2018

Thời điểm đầu năm học mới thường là lúc nhiều dịch bệnh có nguy cơ lây lan trong học sinh, như: sốt xuất huyết, tay chân miệng (TCM), cúm, sởi... Vậy nhà trường và phụ huynh cần phòng bệnh cho con bằng cách nào?

 

Thời điểm đầu năm học mới thường là lúc nhiều dịch bệnh có nguy cơ lây lan trong học sinh, như: sốt xuất huyết, tay chân miệng (TCM), cúm, sởi... Vậy nhà trường và phụ huynh cần phòng bệnh cho con bằng cách nào?

Giáo viên Trường Mầm non thị trấn Long Hồ dọn rửa đồ chơi cho bé bằng dung dịch Cloramin B.
Giáo viên Trường Mầm non thị trấn Long Hồ dọn rửa đồ chơi cho bé bằng dung dịch Cloramin B.

Trường mầm non tích cực phòng bệnh

Chúng tôi đến Trường Mầm non thị trấn Long Hồ vào đúng thời điểm các cô đang làm vệ sinh lớp học. Đây là việc làm thường xuyên, song do năm ngoái trường có ổ dịch TCM nên ngay từ đầu năm học, nhà trường rất chú trọng đến việc vệ sinh trường học.

Theo đó, trường phối hợp với cán bộ Trung tâm Y tế huyện Long Hồ đến tuyên truyền về cách phòng bệnh TCM, sốt xuất huyết cho giáo viên. Ngoài việc lau sàn nhà bằng xà phòng, nhà trường còn định kỳ vệ sinh lớp học bằng Chloramin B.

Tất cả đồ dùng cá nhân, đồ chơi của các bé đều được các cô vệ sinh thường xuyên, cố gắng đảm bảo cho các bé một môi trường vui chơi sạch sẽ và an toàn.

Theo Ban giám hiệu nhà trường, đối với những trường hợp trẻ đến trường có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, nổi nốt đỏ ở tay, chân, giáo viên phải trao đổi với phụ huynh để đưa các cháu đến bệnh viện khám và điều trị bệnh đến khi khỏi hẳn rồi đến trường. Việc chăm sóc ở nhà giúp bé nhanh khỏi hơn và cũng hạn chế lây bệnh cho các bé khác trong lớp.

Tại Trường Mầm non Huỳnh Kim Phụng (Phường 1- TP Vĩnh Long), công tác phòng ngừa bệnh TCM, sốt xuất huyết cũng được đặc biệt chú trọng.

Ngoài việc tổ chức tổng dọn vệ sinh mỗi tuần 2 lần, các cán bộ, giáo viên dùng dung dịch Cloramin B lau chùi, cọ rửa sàn nhà lớp học, bàn ghế, đồ chơi của trẻ.

Khi phát hiện dấu hiệu khả nghi triệu chứng bệnh TCM thì yêu cầu phụ huynh đưa cháu về khám, điều trị ngay.

Cô Trương Thị Tú Trinh- Phó Hiệu trưởng trường cho biết: “Đối với trẻ, giáo viên nhắc nhở các bé thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà bông hàng ngày.

Ngoài ra, để phòng chống sốt xuất huyết, ở các lớp còn giăng mùng cho các bé ngủ trưa. Các cô thường xuyên trông coi, tấn mùng lại để ngừa muỗi đốt các bé”.

Giữ sức khỏe cho con đi nhà trẻ

Nhiều ba mẹ lo lắng về việc con khóc, biếng ăn hay bệnh khi đi nhà trẻ. Thậm chí, nhiều bé mới đi học vài ngày đã nghỉ học cả tuần vì bệnh, trở thành nỗi ám ảnh với cả gia đình.

Bé Nguyễn Minh Đăng (28 tháng, Phường 4- TP Vĩnh Long) đi học được 3 ngày thì sốt, khò khè phải nghỉ học.

Chị Thu Trang- mẹ bé- xót xa: “Dù đã chuẩn bị tâm lý con đi học sẽ bệnh, nhưng nhìn con ăn uống ít, khóc hoài khi bệnh, cũng xót quá hà. Cũng may con chỉ bị nhiễm siêu vi. Tôi cho con nghỉ học vài ngày chăm cho bé khỏe, rồi mới đi học tiếp”.

Theo các bác sĩ Khoa Nhi, các bé độ tuổi mầm non đi học sẽ mắc bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa do lây nhiễm từ bạn bè trong lớp và bản thân bé cũng lây lại cho bạn bè do môi trường lớp học là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý này. Bé dù khỏe mạnh nhưng vẫn còn rất nhỏ để bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh.

Song, không phải bé đi học chỉ có mắc bệnh mà lợi ích từ việc đi học lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, khi đi học, cơ thể bé cũng sẽ phát triển hệ miễn dịch để từng bước bảo vệ bé và sau khi học một thời gian bé sẽ giảm mắc bệnh hơn thời gian ban đầu.

Để phòng bệnh cho con, bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) lưu ý, phụ huynh phải giữ môi trường sạch cho trẻ; tiêm phòng cúm và các bệnh thông thường; tránh để trẻ bị muỗi đốt.

Ngoài ra, phải đảm bảo cho trẻ ngủ đủ thời gian, uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi; từ trường về đến nhà cần nhỏ mũi; rửa tay bằng xà bông đúng cách và thay quần áo ngay cho trẻ…

Theo các chuyên gia y tế, bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút đường ruột gây ra.

Bệnh TCM lây từ người sang người qua tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm hạn chế lây lan.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh