Nhiều trẻ mắc bệnh sởi, tay chân miệng

09:09, 28/09/2018

Bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết có chiều hướng tăng nhanh, cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống, dập dịch

 

 Tiêm chủng vắc-xin cho trẻ là giải pháp phòng dịch bệnh hữu hiệu nhất Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Tiêm chủng vắc-xin cho trẻ là giải pháp phòng dịch bệnh hữu hiệu nhất Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết có chiều hướng tăng nhanh, cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống, dập dịch

Trong khi các loại dịch bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH)đang tấn công thì dịch bệnh sởi cũng khiến các cơ sở y tế "căng mình" tiếp nhận.

20 tỉnh phía Nam họp khẩn

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tính chung cả nước, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 521 trường hợp dương tính với virus sởi tại 37 tỉnh, thành phố. Số người mắc sởi chủ yếu là trẻ em, trong đó rất nhiều trường hợp không được tiêm vắc-xin hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng. Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm.

Theo Bộ Y tế, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM có số ca mắc sởi cao từ tháng 8 trở lại đây. Đồng Nai là "điểm nóng" có số ca mắc sởi cao nhất với 136 trường hợp. Riêng tại TP HCM, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có gần 100 ca mắc sởi. Ngay từ đầu tháng 9, Viện Pasteur TP HCM cũng đã lập đoàn giám sát, điều tra. Kết quả cho thấy 7/8 ổ dịch là ở nhà trọ, cha mẹ là người nhập cư, công nhân, bận làm ăn không đưa con đi tiêm ngừa đầy đủ. Dữ liệu giám sát cho thấy virus sởi đang tồn tại trong cộng đồng và có nguy cơ cao tiếp tục lây lan nếu không áp dụng đầy đủ và hiệu quả các biện pháp kiểm soát lây lan bệnh.

Viện Pasteur TP HCM cũng đã họp khẩn với 20 tỉnh phía Nam để triển khai các giải pháp phòng chống, dập dịch. Thống kê của viện này cho thấy từ 2008 đến nay, Việt Nam ghi nhận có 2 đợt dịch sởi lớn vào cuối năm 2009 đến đầu 2010; cuối 2013 đầu 2014. Năm nay, dịch tăng từ tháng 8, trong đó 87% số ca bệnh sởi năm nay là dưới 5 tuổi, trong khi năm 2017 bệnh này chủ yếu mắc trên người lớn.

Tại Hà Nội, BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, cho biết từ đầu năm đến nay, đã có gần 500 trường hợp trẻ mắc sởi nhập viện. Khoảng 2 tháng qua, mỗi tháng trung bình gần 100 ca, ngày cao điểm tiếp nhận 10-12 trẻ. Trong số này có tới 85% trẻ mắc sởi nhập viện đều không được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng.

PGS-TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết trong hơn 1 tháng qua, đã có thêm 35 trường hợp trẻ bị sởi đến khám, nhập viện, nâng tổng số trẻ nhập viện do mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 75 ca. Đã có một số trẻ bị biến chứng viêm phổi nặng.

Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cách tốt nhất để đẩy lùi bệnh sởi là thực hiện tiêm phòng cho trẻ lúc 9 tháng tuổi như chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã khuyến cáo. Hiện lo lắng nhất là nhóm trẻ 6-9 tháng tuổi. Trẻ dưới 6 tháng thường được kháng thể của mẹ bảo vệ. Trẻ trên 9 tháng thì có thể tiêm vắc-xin. Hiện nay, đã có một số ý kiến của chuyên gia y tế cho rằng nên xem xét tiêm cho cả các bé 6-9 tháng, tuy nhiên vẫn còn tranh cãi và chưa có kế hoạch cụ thể.

Đã có 1 ca tử vong do bệnh tay chân miệng

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 TP HCM, bệnh nhi TCM mới chỉ tăng đột biến khoảng 3 tuần nay, đỉnh điểm là ngày 24-9, Khoa Nhiễm điều trị cho 222 bé. "Ngay trong ngày 26-9, tại khoa có 179 ca, trong đó có 25-30 ca nặng phải theo dõi rất sát. Lượng bệnh nhi nhập viện, nhất là các ca nặng vẫn đang tiếp tục tăng. Đã có 10 trẻ phải thở máy và 4-5 trẻ phải lọc máu" - BS Khanh cho biết.

Tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, đông kín bệnh nhi bị TCM. Vừa ôm con, mồ hôi nhễ nhại trong cái nắng oi bức của buổi trưa, chị T.M.A (ngụ tỉnh Long An), cho biết con chị hai bé 3 và 5 tuổi cùng lúc có biểu hiện như sốt nhẹ, nổi mụn nước trên tay chân, khi ăn bị nôn ói. Gia đình đưa bé vào BV Nhi Đồng 1 khám thì được chẩn đoán TCM dạng khá nguy hiểm vì mụn nước mọc sâu trong cổ họng bé và yêu cầu nhập viện điều trị nội trú ngay.

Tại BV Nhi Đồng 2, TP HCM, nhiều ca mắc TCM nặng (độ 4) hôn mê phải thở máy và lọc máu. Ths-BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết: "Bệnh TCM thường nổi mụn nước trong lòng bàn tay, gan bàn chân. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp mụn nước nằm sâu trong cổ họng, mông, đầu gối, khuỷu tay làm phụ huynh hay nhầm lẫn với bệnh lý khác nên chủ quan". Theo BS Thu, từ đầu năm tới nay BV Nhi Đồng 2 có 11.388 trẻ mắc TCM, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số trẻ phát hiện bệnh trong tháng 8 là 4.511, tăng hơn 100% so với tháng trước đó. Trong đó, có nhiều ca phải nhập viện điều trị.

Theo BS Khanh, những năm trước, điều tra dịch tễ cho thấy số trẻ mắc TCM do virus Ev71 rất thấp nhưng gần đây, hơn 50% trẻ mắc virus Ev71. Đặc tính của loại virus này là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, vì thế số bệnh nhi nhập viện ngày càng tăng. Trẻ mắc TCM do virus Ev71 có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.

BS Khanh cho biết đã có 1 ca tử vong do bệnh TCM, bệnh TCM đã được cảnh báo rất nhiều tới cộng đồng và nhận thức của người dân về căn bệnh này cũng đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay do số ca mắc nhiều, nhiều ca nặng nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi. Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói thì phải đưa trẻ đi khám. Một dấu hiệu khác của bệnh TCM mà các bậc cha mẹ ít để ý, đó là trẻ giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Nếu thấy trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao trên 2 ngày thì phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế.

BS Khanh lưu ý loại virus này có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Do đó, trong trường học nếu xảy ra các ca nhiễm TCM thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày, trong trường phải phòng ngừa ngay bằng cách vệ sinh khử khuẩn bằng Cloramin B và phải làm thường xuyên. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là phải rửa tay thường xuyên cho trẻ trước khi đến trường, người lớn cũng phải rửa tay trước khi bước vào nhà hoặc trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ.

Ngày 27-9, BV Sản nhi Quảng Ngãi cho biết tính đến hết ngày 26-9, tổng số ca mắc TCM trong toàn tỉnh đang được điều trị tại BV Sản nhi Quảng Ngãi đã lên đến gần 900 ca, tăng thêm 300 ca so với thời điểm đầu tháng 9-2018 và tăng đột biến so với các năm trước. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Khoa Nhi - Bệnh nhiệt đới, BV Sản nhi Quảng Ngãi, cho hay hiện số ca mắc bệnh TCM có độ nặng chiếm tới gần 60% trên tổng số bệnh nhi đang điều trị và đã xuất hiện trường hợp bệnh rất nặng đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Trong ngày 27-9, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết vừa có văn bản gửi Phòng Y tế các huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc trên địa bàn về tăng cường phòng, chống dịch bệnh TCM trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, tại địa bàn đã có hơn 4.000 ca mắc bệnh TCM, trong đó 90% là trẻ dưới 3 tuổi. BS Nguyễn Trọng Nơi, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Nai, cho biết khoảng 1 tháng nay, số ca mắc bệnh TCM nhập viện tại đây đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1.300 ca nhập viện, chủ yếu trong vòng 2 tháng trở lại đây. Trong đó, có 45 ca nặng, phải thở máy, lọc máu liên tục. 

Bệnh sốt xuất huyết đang tăng nhanh

ThS-BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết bệnh SXH cũng đang tăng nhanh. Trong tháng 8, số ca đến khám liên quan đến bệnh SXH là 1.010 ca, tăng 41,46% so với tháng 7. Số ca nhập viện điều trị SXH là 492 ca, tăng trên 48% so với tháng 7. Trong tháng 9, số ca SXH cũng đang tiếp tục tăng. Trung bình mỗi tuần, BV Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận khoảng 300 ca đến khám và hơn 100 ca nhập viện điều trị.

TS-BS Trần Quang Hiền, Giám đốc BV Sản - Nhi tỉnh An Giang, cho biết từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận, điều trị 888 ca mắc SXH nhưng không có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, hiện còn 16 trường hợp mắc SXH và 78 trường hợp khác mắc tiêu chảy vẫn đang được tích cực điều trị do phát hiện muộn hoặc do người nhà tự mua thuốc về uống cho đến khi bệnh trở nặng mới nhập viện.

Theo BS Võ Thị Thùy Trâm, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, Kiên Giang có 1.174 ca mắc SXH với 57 trường hợp nặng. Các địa phương có nhiều ca mắc SXH đứng đầu danh sách như thị xã Hà Tiên, TP Rạch Giá và huyện đảo Phú Quốc nhưng không có trường hợp tử vong.

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh này có 1.525 ca mắc SXH.

THeo nld.com.vn

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh