Nguy hiểm khi mang thai ngoài tử cung

04:09, 21/09/2018

Mang thai ngoài tử cung (TNTC) là biến chứng sản khoa thường gặp trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Việc nhận biết sớm sẽ giúp chị em xử lý kịp thời đảm bảo sức khỏe và tính mạng.

 

Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm vừa phẫu thuật nội soi, cấp cứu thành công ca mang thai ngoài tử cung bị vỡ.
Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm vừa phẫu thuật nội soi, cấp cứu thành công ca mang thai ngoài tử cung bị vỡ.

Mang thai ngoài tử cung (TNTC) là biến chứng sản khoa thường gặp trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Việc nhận biết sớm sẽ giúp chị em xử lý kịp thời đảm bảo sức khỏe và tính mạng.

TNTC nguy hiểm tới mức nào?

Chị L.X.H. (27 tuổi, TP Vĩnh Long) trễ kinh 7 ngày, đau bụng dưới âm ỉ thỉnh thoảng bị nhói đau một bên. Đi thăm khám, bác sĩ cho chị xét nghiệm Beta HCG, qua siêu âm đường kính túi thai nhỏ hơn 3cm, bác sĩ chẩn đoán chị bị mang TNTC. Sau đó, chị được khám, kiểm tra chức năng gan thận và được điều trị TNTC nội khoa.

Theo bác sĩ CK2 Võ Đông Hải (Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm) TNTC (thai nằm lạc chỗ) là một hiện tượng thai nghén bất thường.

Trứng đã thụ tinh không làm tổ ở trong tử cung mà ở bất kỳ vị trí nào trên đường di chuyển đến tử cung. Khối thai có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như: vòi trứng (chiếm hơn 80%) hoặc trong buồng trứng, cổ tử cung, thậm chí ngay trong ổ bụng. Nếu không được phát hiện sớm, khi khối thai bị vỡ, sản phụ dễ bị biến chứng vô sinh, thậm chí tử vong.

 Bác sĩ CK2 Võ Đông Hải.
Bác sĩ CK2 Võ Đông Hải.

Hiện tượng mang TNTC là một trong những biểu hiện nguy hiểm đầu tiên trong suốt đầu thai kỳ của sản phụ. Chính vì vậy, việc xét nghiệm TNTC ngay từ đầu sẽ giúp thai phụ phát hiện sớm TNTC và tránh được những biến chứng nguy hiểm sau này.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm vừa tiếp nhận cấp cứu và phẫu thuật thành công cho bệnh nhân P.T.M.L. (32 tuổi, huyện Cái Bè- Tiền Giang).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dưới nhiều. Qua thăm khám kỹ lưỡng kết hợp với các kết quả cận lâm sàng và hình ảnh cho thấy xuất huyết ổ bụng, bệnh nhân được chẩn đoán: TNTC bị vỡ.

Sau khi hội chẩn và tư vấn rõ ràng với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, các bác sĩ chuyên Khoa Sản tại bệnh viện đã mổ cấp cứu bằng phương pháp nội soi lấy TNTC cho bệnh nhân. Sau khi phẫu thuật nội soi, được bác sĩ, điều dưỡng theo dõi kỹ, sức khỏe bệnh nhân phục hồi tốt và ra viện sau đó 2 ngày.

Dấu hiệu nhận biết TNTC

Theo bác sĩ CK2 Võ Đông Hải, có rất nhiều nguyên nhân gây ra TNTC đứng hàng đầu là nguyên nhân làm viêm nhiễm vòi trứng, trong đó nạo phá thai nhiều lần, những bệnh lý phụ khoa như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung,…

Những nguyên nhân khác như: khối u phần phụ như u nang buồng trứng, những phẫu thuật được thực hiện trước đó đến vòi trứng và còn có một phần do sử dụng thuốc ngừa thai không đúng cách, đặc biệt là thuốc ngừa thai khẩn cấp.

Bác sĩ CK2 Võ Đông Hải khuyến cáo: Khi bắt đầu có dấu hiệu mang thai (thử que nước tiểu hoặc có các dấu hiệu thai nghén), thai phụ cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám và được tư vấn đầy đủ.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ TNTC, cần phải nhập viện ngay để các bác sĩ theo dõi, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời sẽ hạn chế được biến chứng và tăng khả năng duy trì chức năng sinh sản bình thường.

TNTC là một cấp cứu cần được phát hiện sớm để được điều trị sớm, kịp thời, bởi TNTC thường để lại hậu quả nặng nề nếu không điều trị đúng cách hoặc có triệu chứng có thể gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Vì vậy, nếu thai phụ thấy sau khi trễ kinh có đau bụng vùng hạ vị; bị rong kinh, có biểu hiện kinh bất thường về màu sắc cần đi khám để chẩn đoán. Đối với những trường hợp TNTC vỡ, người bệnh có những dấu hiệu sau: cũng trễ kinh hoặc rong huyết, đau vùng bụng hạ vị; huyết áp tụt thấp, choáng, ngất xỉu…

Nếu không cứu chữa kịp thời bằng phẫu thuật cầm máu (có thể phải truyền máu) sẽ dẫn đến tình trạng thai phụ tử vong do mất máu nhiều.

Còn nếu được cấp cứu kịp thời, khi TNTC đã vỡ thì hầu hết là phải phẫu thuật cắt vòi trứng và sản phụ phải đối diện với nguy cơ hiếm muộn. Song, nếu phát hiện mang TNTC sớm khi chưa vỡ sẽ giúp giảm nguy cơ bị choáng và tử vong do TNTC, tăng khả năng giữ lại được vòi trứng, duy trì khả năng mang thai.

Để hạn chế khả năng mang TNTC, bác sĩ CK2 Võ Đông Hải khuyến cáo phụ nữ nên quan tâm và theo dõi sức khỏe sinh sản của mình, nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần; vệ sinh vùng kín sạch sẽ, sử dụng các biện pháp tránh thai và kiểm tra mức độ sẵn sàng của cơ thể trước khi có ý định mang thai. Khi muốn có thai, hãy điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, nếu có những biểu hiện bất thường cảnh báo nguy cơ có TNTC, thai phụ nên đi khám và điều trị sớm để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, đối với những phụ nữ có tiền sử mắc chứng TNTC, hãy thận trọng những lần mang thai tiếp theo.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh