Các lưu ý nhận biết và phòng sốt xuất huyết

04:08, 17/08/2018

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Vĩnh Long, tới tháng 8 năm nay, ghi nhận toàn tỉnh hơn 550 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), giảm trên 50% so cùng kỳ 2017. Tuy vậy, đang mùa mưa và đây là điều kiện rất thuận lợi để bệnh lây lan, bùng phát.

 

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Vĩnh Long, tới tháng 8 năm nay, ghi nhận toàn tỉnh hơn 550 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), giảm trên 50% so cùng kỳ 2017. Tuy vậy, đang mùa mưa và đây là điều kiện rất thuận lợi để bệnh lây lan, bùng phát.

Loại bỏ môi trường sinh sống của muỗi là hạn chế nguy cơ mắc sốt xuất huyết.
Loại bỏ môi trường sinh sống của muỗi là hạn chế nguy cơ mắc sốt xuất huyết.

Tuy số ca bệnh đến thời điểm này giảm mạnh so cùng kỳ, nhưng bất thường là bệnh không tập trung mà rải đều ở các địa phương. Và do rải đều trên diện rộng nên mật độ côn trùng cũng đều trải rộng ở hầu hết địa bàn. Mưa nhiều các ngày qua là điều kiện thuận lợi để mật độ côn trùng sinh sôi, gây bệnh và dự báo có nguy cơ gia tăng.

Tính tới hiện tại, ngành y tế ghi nhận một ca tử vong do SXH trên địa bàn, đó là bé 7 tuổi ngụ huyện Vũng Liêm (hồi tháng 3 rồi).

Từ ngày 2- 16/8/2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tổ chức tọa đàm truyền thông phòng chống bệnh SXH tại 8 xã ở các huyện trong tỉnh, với mỗi buổi có 100- 150 người dân tham dự. Buổi tọa đàm giúp hướng dẫn người dân nhất là khu vực nông thôn nhận diện nguy cơ mắc bệnh SXH, đưa ra khuyến cáo phòng bệnh cũng như tuân thủ khám điều trị.

Dịch SXH thường bùng phát vào đầu và cuối mùa mưa, có khả năng lây lan nhanh thành dịch. Bởi thời điểm này, nhất là từ tháng 6- 11, do nhiệt độ, độ ẩm cao tạo điều kiện cho muỗi vằn đẻ trứng và phát triển thành lăng quăng.

Bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra, vi rút Dengue có 4 tuýp: 1, 2, 3, 4. Khi mắc bệnh tuýp nào thì có miễn dịch với tuýp đó, mà không có miễn dịch với tuýp kia. Vì vậy đời người có thể 4 lần mắc bệnh SXH.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, bệnh SXH có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp nhất là trẻ dưới 15 tuổi. Khi mắc bệnh thì biểu hiện lâm sàng không khác biệt giữa trẻ em và người lớn. Thông thường, SXH khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: sốt, nguy hiểm và hồi phục.

Người bị SXH nhẹ có thể chăm sóc tại nhà. Lưu ý cho người bệnh ăn các món có nước và mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa và hạ sốt bằng Paracetamol, lau mát khi sốt cao. Gia đình cần theo dõi người bệnh nếu có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết hoặc diễn biến nặng (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa đến bệnh viện ngay.

Bác sĩ khuyến cáo, ngoài Paracetamol hạ sốt, không cho bệnh nhân uống các loại thuốc khác hoặc cạo gió theo phương pháp dân gian. Đặc biệt, cạo gió có thể gây xuất huyết trầm trọng, nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng. Vì vậy mỗi trẻ đều có nguy cơ bệnh. Để phòng tránh, mỗi người dân, gia đình cần chú ý nâng ý thức diệt muỗi và lăng quăng.

Không có muỗi, không có lăng quăng, không có SXH. Sau đây là hướng dẫn kiểm tra và diệt lăng quăng hàng tuần trong các vật chứa nước tại hộ gia đình:

Loại vật chứa

Hướng dẫn xử lý

Lu, khạp, phuy

- Thay nước và súc rửa thường xuyên trong vòng 7 ngày: dùng bàn chải chà bên trong thành lu, múc hết toàn bộ nước ra ngoài bằng chai nhựa cắt ngang ở phần miệng chai. Nếu không múc hết được nước thì dùng tấm vải lớn bỏ vào và dùng tay chà xát tấm vải vào đáy lu để giết lăng quăng.

- Thả cá bảy màu.

- Lu phải luôn được đậy kín. Dùng vải hoặc nilon phủ lên miệng lu, sau đó đậy nắp lu lên trên.

- Sử dụng tuần tự từng lu, hết lu này đến lu khác.

Hồ bằng xi măng

- Đối với hồ hở: thả cá.

- Đối với hồ có nắp: đậy kín, dùng vải hoặc nilon phủ lên phần nắp, sau đó đậy nắp lên trên, hồ phải luôn được đậy kín.

Chân chén chống kiến

Bỏ muối.

Thùng chứa nước trong phòng tắm; bình bông

Thay nước và cọ rửa thường xuyên
(trước 7 ngày).

   

Thùng nhựa, xô lau nhà, dụng cụ hốt rác, hồ cá kiểng không sử dụng

Đổ bỏ và lật úp, để nơi không có mưa.

Bình bông, lư hương, ly cúng ở bàn thiên

- Bình bông, ly cúng: thay nước thường xuyên (trước 7 ngày).

- Lư hương: đổ đầy cát trên mặt để không chứa nước.

- Bình bông bị tráng xi măng ở đáy nên không di chuyển được: bỏ hóa chất diệt lăng quăng.

Vỏ gáo dừa

Lật úp, để nơi tránh mưa, chặt nhỏ làm 4.

Miếng bạt phủ

Dùng cây chống tấm bạt đứng lên như hình nón hoặc tạo mặt phẳng thẳng bên dưới tấm bạt để nước không đọng được.

Vỏ ô tô, xe gắn máy

- Hất hết nước bên trong ra.

- Để nơi tránh mưa.

- Bán phế liệu.

Máng nước gia súc, vật nuôi

Đổ bỏ và thay nước hàng ngày.

Chậu kiểng đọng nước ở trong chậu do mưa; dĩa lót chậu kiểng

Chậu kiểng: đổ đất lên đầy mặt chậu; dĩa lót chậu kiểng: bỏ muối.

Hốc cây, kệ sắt, chai thủy tinh

Hốc cây: Cho cát vào lấp đầy, phá bỏ.

Kệ sắt: lau sạch nước đọng, để nơi tránh mưa.

Chai thủy tinh: úp ngược, để nơi tránh mưa, bán phế liệu.

Thùng xốp, nắp thùng nhựa

Thùng xốp: lật úp, đổ nước, để nơi tránh mưa hoặc bán phế liệu.

Hộp cơm, ly nhựa, lon, hũ, đồ vật thải bỏ có khả năng chứa nước

Dẹp bỏ thùng rác ngay cả khi chưa có nước bên trong.

Bẹ lá cây chuối, bạc hà

Chọc thủng.

Khay hứng nước máy lạnh

Bỏ muối, lấp cát đầy.

Thùng chứa nước dự trữ để tưới cây

Đậy kín.

Hòn non bộ

Thả cá hoặc hóa chất diệt lăng quăng.

Chậu nước trồng trầu bà

Dùng miếng mút xốp, cắt theo đường kính miệng chậu, tạo khe để nhét thân cây vào và đậy vào miệng chậu.

Đáy lu (khi lu bị lật úp)

Đổ đất lên phần lõm của đáy để không đọng nước.

Lỗ cắm cột để dựng tấm bạt trên nền xi măng; rãnh thoát nước tầng hầm chung cư, nhà cao tầng

Thả hóa chất diệt lăng quăng.

Máng xối bị ứ nước do rác

Khơi thông máng xối.

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh