Tỷ lệ người Việt nhiễm viêm gan B, C cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương và số người bệnh viêm gan biết mình mắc bệnh rất thấp. Viêm gan vi rút (trong đó nhiều nhất là viêm gan B) đứng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong ở nước ta... là các lý do khiến viêm gan vi rút trở thành gánh nặng hàng đầu ở Việt Nam hiện nay.
Bác sĩ thăm khám và tư vấn cho người dân tại phòng khám bệnh viêm gan ở bệnh viện tỉnh. |
Tỷ lệ người Việt nhiễm viêm gan B, C cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương và số người bệnh viêm gan biết mình mắc bệnh rất thấp. Viêm gan vi rút (trong đó nhiều nhất là viêm gan B) đứng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong ở nước ta... là các lý do khiến viêm gan vi rút trở thành gánh nặng hàng đầu ở Việt Nam hiện nay.
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Viêm gan thế giới (28/7) năm nay, ước tính Việt Nam có khoảng 10 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B, gần 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C. Đây là 2 thể phổ biến nhất trong các loại vi rút viêm gan A, B, C, D, E.
Viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến, thường không có triệu chứng hoặc biểu hiện không rõ ràng. Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh, trong số các bệnh truyền nhiễm thì viêm gan vi rút trở thành gánh nặng hàng đầu hiện nay.
Đường lây truyền của vi rút viêm gan chủ yếu từ mẹ sang con hoặc lây ngang trong 5 năm đầu của trẻ. Đặc biệt, vi rút viêm gan còn truyền qua tổn thương da, niêm mạc, máu, nước bọt, dịch tiết, lây qua các thủ thuật y tế, xăm trổ hoặc dùng chung dao cạo... Và vi rút có thể sống ngoài cơ thể 7 ngày nếu không có kháng thể bảo vệ.
Phòng số 5, Khoa Khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long tầm 10 giờ một ngày giữa tuần còn 5- 7 người đợi lượt. Bác sĩ tại đây cho biết sáng giờ tiếp khoảng 50 bệnh nhân đến thăm khám và đây là số bình quân của mỗi ngày tại bàn khám này. Có người đã mắc viêm gan B, C. Có người có các dấu hiệu về bệnh gan chứ chưa viêm gan vi rút.
Bác sĩ Xuân Mỹ tại bàn khám trên cho biết, bệnh nhân đến thăm khám hoặc chuyển đến nếu có viêm gan vi rút chủ yếu là viêm gan B. Khi đó bệnh nhân sẽ có chỉ định điều trị ngoại trú tại bệnh viện. Viêm gan C có nhưng ít và thường có thể chuyển tuyến để theo dõi tiếp theo.
Viêm gan vi rút đứng thứ 3 trong số các nguyên nhân gây tử vong ở nước ta, trong đó nhiều nhất là viêm gan B. Người bị viêm gan B phải theo dõi điều trị suốt đời. Chuyên gia y tế cảnh báo, vi rút viêm gan B dễ lây hơn vi rút HIV tới 100 lần. Trong khi, viêm gan C diễn tiến âm thầm, 90% người bệnh không biết tình trạng bệnh.
Bởi không có triệu chứng hoặc biểu hiện không rõ ràng và diễn tiến âm thầm, nên rất ít người biết mình bệnh.
Đến khi biến chứng như viêm gan bùng phát, xơ gan hoặc thậm chí ung thư gan họ mới biết mình có bệnh. Khi đó điều trị sẽ khó khăn rất nhiều và đó là một trong các lý do khiến viêm gan vi rút nằm trong số các nguyên nhân tử vong hàng đầu.
Ngành y tế khuyến cáo tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò của việc tiêm ngừa vắc xin viêm gan B, khám để chẩn đoán phát hiện sớm bệnh và tham gia điều trị phù hợp...
Trong đó nên chú ý tiêm ngừa bà mẹ mang thai nhiễm vi rút viêm gan B (đây là đường lây truyền nguy hiểm nhất); tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ nhỏ theo lịch; người lớn chú ý các nguy cơ đường lây truyền để hạn chế mắc bệnh...
Ung thư gan do viêm gan B, C đứng trên cả ung thư gan do rượu Nhiều người hàng ngày hay thấy ai đó mắc bệnh gan, xơ gan, ung thư gan... thường nghĩ do người đó uống rượu nhiều, sử dụng thuốc men hoặc hóa chất. Theo Liên minh Phòng chống viêm gan vi rút vì Việt Nam, tại Việt Nam, ung thư gan do viêm gan B, C là nguyên nhân hàng đầu, trên cả ung thư gan do rượu. Lịch tiêm ngừa viêm gan B cho trẻ Đến nay chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B. Do đó, tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh và tiêm nhắc đủ mũi vắc xin viêm gan B là cách phòng bệnh tốt nhất. * Trẻ sơ sinh tiêm viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh; * Tuổi của trẻ theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia: + Trẻ 2 tháng tuổi tiêm vắc xin ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib và uống ngừa bại liệt lần 1. + Trẻ 3 tháng tuổi tiêm nhắc lần 2. + Trẻ 4 tháng tuổi tiêm nhắc lần 3. |
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin