Ung thư (UT) có thể phát sinh bất cứ nơi nào trên cơ thể, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với con người và thực sự là nỗi sợ hãi của bất kỳ ai. Song, nếu được xử trí đúng cách ngay từ giai đoạn sớm, bệnh nhân UT có thể được điều trị khỏi hoàn toàn và có cuộc sống bình thường.
Ung thư (UT) có thể phát sinh bất cứ nơi nào trên cơ thể, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với con người và thực sự là nỗi sợ hãi của bất kỳ ai. Song, nếu được xử trí đúng cách ngay từ giai đoạn sớm, bệnh nhân UT có thể được điều trị khỏi hoàn toàn và có cuộc sống bình thường.
Việc ăn thiếu rau và trái cây sẽ thiếu chất xơ, gây tác hại cho cơ thể, trong đó có thể thúc đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển bệnh UT. |
Nỗi lo ung thư
Trong những năm gần đây, một trong những vấn đề được người dân hết sức quan tâm là bệnh UT. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 14 triệu người bị mắc và khoảng 8,2 triệu người chết do bệnh UT, trong đó 70% là ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 150.000 người mắc UT mới. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ tử vong do UT thuộc nhóm cao thứ 2 trên thế giới.
Bác T.V.T. (TP Vĩnh Long) 56 tuổi, qua đời sau một năm chiến đấu với bệnh UT phổi. Con gái bác kể: “Ba chị rất khỏe và sống lành mạnh.
Ba khám sức khỏe định kỳ mỗi năm, làm mọi xét nghiệm nhưng lại bỏ qua không chụp X-quang phổi, vì cho rằng mình không hút thuốc thì không thể bị bệnh phổi.
Phải chi ba chịu chụp X-quang phổi thì biết đâu phát hiện được bệnh sớm và có cơ hội trị bệnh, sống nhiều năm với con cháu”.
Còn chị N.H.H. thường xuyên bị đau bao tử, nhưng sau đó chị sụt cân nhanh, cứ tưởng bị bao tử hành, ăn uống không được nên cũng không lo lắng lắm.
Sau đó, chị cảm thấy mệt mỏi, khó thở và buồn nôn nên mới đi khám chuyên khoa, làm các xét nghiệm, nội soi và phát hiện bị UT dạ dày.
Chị lo lắng, mắt rơm rớm: “Tôi nghĩ mình còn trẻ và sống lành mạnh không thể bị UT nên chủ quan, ít quan tâm đến khám sức khỏe và cũng sợ khám, tầm soát phát hiện bệnh lại sợ hơn. Ai dè…”
Theo bác sĩ chuyên khoa, bệnh UT có thể xuất hiện ở tất cả các bộ phận của cơ thể vì vậy các dấu hiệu của bệnh UT thường không điển hình.
Khi ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, phải sàng lọc tầm soát mới phát hiện được bệnh.
Khi bệnh phát triển, tùy theo xuất phát ở bộ phận nào sẽ mang các triệu chứng của bộ phận đó. Có một số dấu hiệu của UT giúp người bệnh có thể phát hiện bệnh sớm như: ho kéo dài (đối UT phổi), rối loạn bất thường về đại tiện (đối với UT đại trực tràng); khản tiếng và nói khó khi không bị viêm họng (đối với UT hạ họng, thanh quản, phổi);
xuất huyết, chảy dịch, có khối hạch bất thường, ra máu bất thường ở âm đạo (không phải trong kỳ kinh nguyệt); ù tai, nhìn 1 hóa 2 hình, nuốt nghẹn, đau nửa đầu; xanh xao, gầy sút nhanh không rõ nguyên nhân.
Ung thư- biết sớm trị lành
Bệnh UT được coi là nỗi sợ hãi kinh hoàng nhưng rất ít người quan tâm đến việc dự phòng.
Trong quyển sách “Ung thư biết sớm trị lành”- tác giả, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng- Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam- nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh- đã khuyến cáo cộng đồng về thông điệp quyển sách đem lại.
Nhiều người nghĩ rằng một khi đã bị UT thì sẽ không còn cơ hội sống, là “trời kêu ai nấy dạ”. Cứ nghĩ vậy rồi buông xuôi chạy thầy chạy thuốc dân gian đến lúc bệnh hành quá chịu không thấu phải đến bệnh viện thì thầy thuốc vất vả lắm. Nếu mà để trễ dễ thành nan y.
Đã biết cái gì gây UT? Khoảng 80% là do những gì con người ăn uống, hít thở, cọ xát hoặc phơi trải. Khói thuốc lá gây ra 1/3 gánh nặng UT trên hành tinh.
Thuốc lá là sát thủ cận kề êm ái mà hết sức tàn độc, không chỉ hại người nuốt khói mà cả những người hít ké. Một số vi rút, vi khuẩn gây 1/5 các UT của loài người. Các sát thủ vô hình âm thầm mai phục, bệnh trổ ra thì trở tay không kịp.
Viêm gan do vi rút HBV và HC V lâu ngày dẫn đến UT. Các vi rút HPV có thể gây ra 70% UT cổ tử cung và nhiều thứ khác. Vi khuẩn H. pylori gây ra 50- 60% UT dạ dày.
“Giặc” gây UT còn là các tia bức xạ, ăn không lành, ăn thức ăn quá mặn (cá khô, mắm cá, cải dưa, cà pháo, mắm tôm, kim chi… lâu ngày), ngủ không đủ… gây ra.
Năm 2010, Hiệp hội Quốc tế chống Ung thư gởi thông điệp “có thể phòng ngừa khoảng 40% số người mắc bệnh UT trên toàn cầu”.
UT biết sớm trị lành, ví dụ như UT vú phát hiện giai đoạn I thì hơn 90% chữa trị tốt, có khi không phải cắt bỏ tuyến vú hoặc buộc cắt bỏ nhưng tái tạo được. UT cổ tử cung phát hiện giai đoạn I, thậm chí giai đoạn II, có thể trị được đến 80- 90%...
Phát hiện sớm, hiệu quả điều trị cao, nhưng dù gì chăng nữa thì phòng bệnh vẫn là điều tốt nhất, ngăn giặc không cho vào nhà vẫn hay hơn… đánh giặc.
Không để bệnh nhập vào là cách rất hay có tiềm năng lớn nhất, hiệu quả nhất và lâu dài làm cho nhẹ gánh UT.
Mọi người nên theo nếp sống tốt, loại bỏ khói thuốc lá, chú ý cả hút và hít ké. Tránh uống rượu quá đà. Ăn đúng ăn lành, tập thể dục đều, tinh thần sảng khoái, giữ cân nặng không để thừa cân, béo phì…
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, có thể “rà tìm” biết sớm các UT vú, cổ tử cung, đại trực tràng, tuyến tiền liệt, miệng, da và tuyến giáp qua thăm khám sức khỏe định kỳ. Phải lưu ý một số triệu chứng báo động khi bệnh mới chớm.
Sách “Ung thư biết sớm trị lành” dày trên 400 trang với 8 chương trình bày về bệnh UT với tất cả những nghiên cứu về bệnh, cách phòng tất cả các bệnh UT. Cuốn sách giúp cho độc giả biết sợ bệnh UT nhưng đừng sợ sai, bởi UT đã từng là một trong tứ chứng nan y mà bây giờ tình hình đã đổi khác: UT chỉ trở thành nan y nếu phát hiện trễ! Để phòng ngừa bệnh ung thư, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng dành tặng độc giả: “Ai ơi nhớ lấy câu này/Ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui”... |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin